Mất mùa lại còn rớt giá
Với diện tích gần 2ha, vùng trồng ớt sạch Bồ Bản (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) được biết đến là vùng nông sản đặc trưng của xã Hòa Phong. Những năm qua, bà con nông dân nơi đây có kinh tế ổn định cũng nhờ những sào ớt xanh ở ven bờ sông Yên. Khi ớt được giá khoảng 30.000–40.000 đồng/kg đã giúp nhà nông gắn bó hơn với ruộng ớt.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thương lái không đến thu mua tại vườn như trước. Nhu cầu tiêu thụ giảm nhiều khiến giá ớt tươi rớt thảm hại còn 4.000 đồng/kg, nhiều khi bán không ai mua.
Chị Hồng Thị Thắng (55 tuổi), nông dân thôn Bồ Bản buồn bã nói: “Tôi chỉ trồng có một sào ớt xanh, nhưng vì sâu bệnh làm chết 2/3 ruộng còn mấy chục gốc. Ớt chết, dẫn đến sản lượng thu được giảm mạnh, bán ớt trong mùa Covid-19 thì cũng không ai mua nên bà con rất nản và muốn bỏ trồng ớt. Từ đầu mùa đến nay (3 tháng), tôi chỉ bán được 90.000 đồng tiền ớt. Cứ như vậy nhà trồng chắc chắn sẽ lỗ nặng”.
Không chỉ riêng ruộng chị Thắng, nhiều ruộng ớt lân cận cũng rơi vào tình trạng thối gốc, chết khô, héo lá… Người dân dặm những dây bí đỏ vào chỗ cây ớt chết để gỡ gạc chút vốn liếng đã bỏ ra. Những ruộng có cây ớt chết nhiều, bà con chuyển hẳn sang trồng rau ngắn ngày như: rau cải, xà lách, mồng tơi, bí đỏ.
Nông dân thua lỗ nặng
Ông Dương Sanh (75 tuổi), nông dân tại vườn ớt Bồ Bản chia sẻ, mùa ớt năm ngoái ông thu lãi khoảng 20 triệu đồng/sào/vụ. Còn năm nay, chi gần 10 triệu đồng tiền vốn trồng ớt nhưng chưa thu hồi được. Giá ớt từ 4.000 đồng tăng lên 5.000–8.000 đồng/kg nhưng vẫn khiến nhà nông thua lỗ nặng. Thêm vào đó, sâu bệnh xuất hiện trên diện rộng khiến cây còi cọc, héo vàng và chết dần.
Vợ chồng bà Năm vừa nhổ cỏ vừa cho biết thêm: “Một nắng hai sương dãi dầm với cây ớt, ruộng rau nhưng vợ chồng tôi cũng không thu nhập bao nhiêu. Thời tiết thất thường, sâu bệnh đục phá khiến năng suất ớt giảm nhiều so với mùa trước. Đành vậy, ớt lại rớt giá sâu khiến chúng tôi không còn mặn mà với mô hình trồng ớt xanh của địa phương.”
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Sĩ - Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Hòa Phong 1 cho biết, HTX thường xuyên phối hợp với UBND xã Hòa Phong, Sở NN&PTNN TP.Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng để tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng ớt xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, HTX còn triển khai dạy cho nông dân phương pháp chế biến ớt thành phẩm, nhằm tạo ra giá trị lợi nhuận cao hơn như: ớt khô, ớt bột, ớt dầm, tương ớt.
“Mặc dù ớt xanh Bồ Bản đã có thương hiệu nhưng quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến thị trường tiêu thụ còn bấp bênh. Bà con phụ thuộc vào sự thu mua của thương lái và tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn huyện (chợ Túy Loan, các nhà hàng, quán ăn).
Chính vì thế, đợt dịch Covid-19 vừa qua khiến ớt không bán được, ớt chín làm cây chết. Thêm vào đó, ớt trồng liên vụ nên dẫn đến hiện tượng trùng gốc, đất xấu nên cây chết, năng suất giảm…”, ông Sĩ chia sẻ thêm.
Dưới thời tiết nắng như đổ lửa, nông dân vùng trồng ớt Bồ Bản vẫn miệt mài tưới nước, lên luống, diệt trừ sâu bọ cho những ruộng ớt xanh. Bà con hi vọng các cấp chính quyền quan tâm và hỗ trợ để nông dân tiếp tục sản xuất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;