Học tập đạo đức HCM

Giá thép, đường, thực phẩm rủ nhau tăng, lạm phát chực chờ

Thứ hai - 17/05/2021 06:44
Giá đường, thực phẩm đến sắt thép tăng giá đồng loạt gần đây khiến người dân lẫn nhà thầu xây dựng chật vật. Dự báo của Tổng cục Thống kê, khi kinh tế phục hồi sau Covid-19, giá các loại vật liệu cơ bản cho sản xuất sẽ còn tiếp tục tăng.

Giá một loạt mặt hàng thiết yếu từ đường sữa, rau củ quả đến các loại nguyên vật liệu cơ bản trong ngành xây dựng như giá thép, xi măng đã tăng mạnh gần đây. Đà tăng này được dự báo sẽ chưa dừng lại.

Giá thép, vật liệu xây dựng rủ nhau tăng

Giá thép - nguyên liệu chiếm khoảng 20% tổng chi phí của một dự án xây dựng, đã tăng sốc từ đầu năm nay nhưng mãi đến đầu tháng 4 mới được đặc biệt chú ý khi Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp có thư "cầu cứu" Chính phủ, trước nguy cơ nhà thầu phá sản vì giá thép tăng chóng mặt.

Đường sữa, sắt thép rủ nhau tăng giá, lạm phát chực chờ - Ảnh 1.

Giá thép tăng, giá các loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng. Ảnh: H.P.

Kể từ đợt tăng giá ngày 12/5 của các doanh nghiệp lớn trong ngành, hiện giá thép vẫn neo rất cao, gần chạm mốc 18 triệu đồng/tấn. Thép cuộn Hòa Phát CB240 có giá 17,96 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 có giá 17,81 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 của Công ty CP Sản xuất Thép Việt Đức phân phối tại thị trường miền Bắc có giá 17,81 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 là 17,61 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, đây là mức giá của doanh nghiệp phân phối về các đại lý. Ghi nhận giá thép bán lẻ tại TP.HCM, giá thép các loại hầu hết đều đã vượt 18.000 đồng/kg, tức tương đương hơn 18 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi lên đến gần 19.000 đồng/kg, tương đương gần 19 triệu đồng/tấn khi mua số lượng lớn.

Đáng chú ý, giá thép tăng vọt đã khiến một loạt vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng cũng tăng theo, nguyên nhân được các cửa hàng tiết lộ là giá nguyên liệu đầu vào của các loại vật liệu xây dựng này cũng tăng.

Cụ thể, giá xi măng đã tăng khoảng 40.000 đồng/tấn vì nguyên vật liệu sản xuất như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, nhân công đều tăng. Gạch tăng 3.700 đồng/viên, cát tăng hơn 40.000 đồng/khối.

"Ai cũng nói bán vật liệu xây dựng bây giờ chắc giàu lắm nhưng nhiều nhà thầu, chủ nhà đang tạm dừng xây để chờ giá đi xuống nên bán không được nhiều. Nhưng giá thép sẽ còn tăng tiếp bởi các đại lý đã úp mở còn vài đợt điều chỉnh nữa trong tháng 5 này", chị Thanh (chủ vửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành, quận 10) lo lắng.

Giá xăng tăng, giá thực phẩm cũng lên chóng mặt

Không chỉ giá vật liệu xây dựng mà một loạt mặt hàng thiết yếu tiêu dùng hàng ngày như đường, dầu ăn, mắm muối đến thực phẩm như rau củ quả, thịt cá cũng đang tăng giá khiến các bà nội trợ đau đầu.

Đường sữa, sắt thép rủ nhau tăng giá, lạm phát chực chờ - Ảnh 2.

Giá nhiều loại thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu trong gia đình cũng tăng giá. Ảnh: Hồng Phúc.

Tại TP.HCM, giá nhiều loại thực phẩm tươi sống như cà rốt, khoai tây đã ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại (tăng 5.000 đồng/kg); cải xanh tăng 5.000 đồng lên 25.000 - 27.000 đồng/kg tùy loại; xà lách tăng gấp rưỡi từ mức 30.000 đồng lên 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Đường cát cũng đã nhích từ 15.000 đồng/kg lên 19.000 - 20.000 đồng/kg; dầu ăn từ 30.000 đồng/lít lên 32.000 - 35.000 đồng/lít. Nhiều mặt hàng khác như muối, bột ngọt cũng có dấu hiệu nhích nhẹ.

Còn tại các hệ thống siêu thị, đại diện siêu thị Big C, Go!, Tops Market cho hay theo đề xuất của các nhà cung cấp, các siêu thị này đã quyết định tăng giá nhẹ hai mặt hàng là dầu ăn và đường. Nguyên nhân được phía nhà cung cấp đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào của dầu ăn, đường tăng. Tuy nhiên, đại diện Big C nói thêm vẫn sẽ thực hiện các chương trình giá thấp, hỗ trợ người tiêu dùng.

Đáng chú ý, với nhóm hàng thiết yếu, nhiều tiểu thương và các hệ thống bán lẻ hiện đại nhận định nhiều khả năng giá sẽ còn tiếp tục tăng.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất hôm 12/5, giá xăng A95 trong nước đã lên 19.531 đồng/lít (tăng 370 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh trước), xăng E5 tăng 438 đồng/lít, lên mức 18.426 đồng/lít. Từ tháng 11/2020 đến nay, mỗi lít xăng E5 và A95 đã tăng gần 5.000 đồng/lít. Giá xăng bán lẻ trong nước đã tăng liên tục trong khi đây là mặt hàng cơ bản ảnh hưởng cơ cấu giá nhiều mặt hàng nên các doanh nghiệp, tiểu thương thêm áp lực.

Chặn nguy cơ lạm phát

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định từ nay đến cuối năm, hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao.

Ngoài ra, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực cũng tăng mạnh. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 đạt khoảng 60 USD/thùng, tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, tác động làm CPI chung của cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2020.

"Chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm", ông Tiến dự báo.

Mới đây, Bộ Tài Chính đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương. Cụ thể, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến giá cả để kịp thời có biện pháp bình ổn, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Việc điều hành giá sẽ hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Hồng Phúc/danviet.vn
https://danviet.vn/gia-thep-duong-thuc-pham-ru-nhau-tang-lam-phat-chuc-cho-20210517140913032.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập142
  • Hôm nay18,889
  • Tháng hiện tại400,912
  • Tổng lượt truy cập90,464,305
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây