Trong những năm gần đây, ngoài những loại hoa và cây cảnh truyền thống, nhiều nhà vườn và các nghệ nhân hoa kiểng đã sưu tầm nhiều loại cây kiểng mới, lạ, độc đáo để thu hút khách hàng. Điển hình như anh Đào Văn Hiếu, 39 tuổi đang sở hữu một vườn mận kiểng tại Cồn Khương, thuộc KV.3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Giống mận mà anh trồng có tên là mận hoàng yến, giống bản địa, một loại mận trái nhỏ, siêng ra trái và trái quanh năm, tỷ lệ đậu trái rất cao. Lúc còn non trái màu trắng hồng, khi chín màu đỏ tươi trông rất đẹp mắt. Trái chín ngọt thanh, có mùi vị thơm ngon. Ngày xuân, người Việt rất thích chưng loại cây trái màu đỏ như quít tiều son, lựu, mận, vì theo quan niệm về thẩm mỹ Đông phương, màu đỏ là màu may mắn, tốt lành, tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng, gia đình sum vầy, ấm no hạnh phúc. Chính vì vậy mà nhiều người, nhất là các đại gia thường chọn cây mận hoàng yến “cây phong thủy” mang về trồng trước sân nhà, nơi biệt thự, hoa viên nhằm cải thiện môi trường, đồng thời tạo ra những cảm xúc dương tính với hy vọng “đầu năm may mắn cuối năm tốt lành”.
Anh Hiếu chia sẻ: Để đáp ứng nhu cầu cùa khách hàng ngày càng khó tính, nhiều năm qua anh đã bỏ công sưu tầm, nghiên cứu và tìm tòi học hỏi kỹ thuật ghép cây, cách xử lý cho cây ra trái đúng Tết. Nhờ vậy mà nhiều người yêu thích cây kiểng đã tìm đến anh tham quan. Đặc biệt Tết Tân Sửu nầy, nhiều khách hàng, nhất là các khu du lịch đã đến tận vườn đặt cọc nhưng không đủ bán.
Theo anh, muốn có một cây mận kiểng hoàn chỉnh, giàu ấn tượng nghệ thuật, người trồng phải mất nhiều thời gian và công sức. Trước hết là lặn lội vô vườn tìm mua những gốc mận già nua, cằn cổi, có dáng thế hùng mạnh rồi bứng về vô chậu. Đợi khi cây phát triển mạnh mẻ mối bắt đầu ghép và chăm sóc, cắt tỉa, uốn sửa tàn nhánh sao cho cân đối, hài hòa, giống như một cây cảnh bonsai. Cái khó nhất là làm sao cho cây ra trái đúng dịp Tết, vì trái là yếu tố quan trọng nhất đối với người chơi mận hoàng yến. Muốn làm được việc nầy đòi hỏi anh phải nắm vững kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn.
Bằng tinh thần cần cù chịu khó và năng động, từ năm 2018 đến nay anh đã giao cho khách hàng trên 300 chậu mận hoàn chỉnh. Riêng năm 2020 là 150 chậu. Tính đến nay, còn nửa tháng nữa mới tới Tết nhưng hàng đã bán sạch. Nhằm phục vụ cho nhu cầu người chơi, mận anh chia ra làm nhiều loại, giá mỗi chậu từ 1 triệu đến 15 triệu đồng, tùy theo lớn nhỏ và giá trị nghệ thuật của mỗi cây. Trừ hết các chi phí mỗi năm anh còn lời trên 150 triệu đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên giá bán không cao, tiền lời tuy ít hơn năm rồi nhưng cũng giúp gia đình anh có một cái tết đầm ấm.
Anh Hiếu khẳng định cây mận hoàng yến tuy đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là quá trình ghép cho cây ra trái, nhưng loại cây cảnh nầy giúp cho người trồng có thu nhập khá trong dịp Xuân về. Nhiều người cho rằng, bên cạnh cây mai vàng truyền thống, cây mận hoàng yến sẽ góp phần làm cho hoa kiểng mùa xuân thêm đa dạng và phong phú.
Theo Thành Hiệp/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã