Từ TP Trà Vinh, anh bạn Mi Sil bảo “đường đi lòng vòng lắm” bèn tình nguyện “để tui dắt đi cho, vì bà con ở bển nhóc hết trơn”.
Để qua cù lao Hòa Minh- ốc đảo xanh bình yên giữa đôi dòng mặn- ngọt, có thể đi phà Bà Trầm, phà Bãi Vàng xa hơn chút.
Phà đi dọc mấy nhánh sông mới tới bến, nên đợi phà hơi lâu và mỗi chuyến phà mất tầm 30 phút hơn. Gió chướng thổi mạnh đẩy nước biển xâm nhập sâu làm cho nước dòng sông Cổ Chiên chuyển mặn từ độ tháng 1 âl, sóng sánh trong ánh nắng chói chang. Cù lao gây ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên, bầu trời xanh trong veo đến rặng dừa nước xanh um bao bọc xung quanh.
Có anh Mi Sil dẫn đường, lên phà chúng tôi cứ chạy vù theo đến trung tâm xã. Đời sống người dân khoan thai, hiền hòa nghiêng nghiêng theo dòng nước 6 tháng ngọt, 6 tháng mặn mà chuyển đổi trồng lúa- nuôi tôm, cua biển.
Tháng 2 âm lịch, theo chu kỳ mặn lên đã thả tôm, nhưng năm nay, chú Lê Văn Thái (ấp Đại Thôn B) “nhìn trời, nhìn đất coi nắng gắt, nắng nóng không, nghe gió thổi coi độ mặn cỡ nào”.
Hơn nữa năm nay, “nhạn biển về đầy vuông, dễ mang mầm bệnh từ ao này sang ao khác, nên khó mà thả tôm thời điểm này. Phải chờ cho tụi nó bay đi bớt mới bắt đầu thả vụ mới”- chú Thái chỉ chúng tôi nhìn ra ao vuông xung quanh, hàng trăm con nhạn sà xuống kiếm ăn.
Người dân ở cù lao Hòa Minh đều có thể “nhìn trời, nhìn đất”, số lượng di chuyển của các loài chim nhiều- ít, nghe hướng gió thổi biết nước mặn- ngọt mà điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp.
Theo chú Thái, cũng nhờ hiểu thiên nhiên, mạnh dạn thay đổi để học cách sống thuận hòa, mà cuộc sống người dân ở cù lao mặn- ngọt ngày nay khấm khá hơn, không phải lo chống chọi nước mặn.
Giữa cái nắng trưa gắt gỏng chúng tôi đến, gia đình chú Thái và hàng xóm “vần công” đang lúc gạn tôm càng xanh. Gạn tôm là cách thu hoạch tôm khá thủ công, người dân bao lưới dồn tôm vào một góc, rồi “tuyển chọn” từng con ngay trên ao.
Con nào “vô size” thì thảy vào giỏ chuyển sang ao khác rộng chờ thương lái đến cân, còn con nào nhỏ thì bỏ lại nuôi tiếp. Lia lịa bắt hết con tôm này đến con khác, chú Thái cười nói: “Tháng gạn 2 lần, mỗi lần cũng được hơn trăm ký, giá thị trường hổm nay cũng được lắm”.
Là một trong những hộ vừa nuôi tôm thâm canh vừa nuôi quảng canh, anh Nguyễn Thanh Phong (ấp Đại Thôn A), cho biết: “Ở cù lao này, tôm- lúa là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nếu làm như các địa phương khác ngăn mặn thì thế nào cũng sẽ bị ảnh hưởng, nên chỉ có cách là sống chung với nó. Dù vậy, nuôi trồng cũng đòi hỏi kỹ thuật hẳn hoi. Tôi ở vùng khác đến đây lập nghiệp, phải tìm hiểu tập quán sản xuất, rồi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật mới bắt tay vào nuôi”.
Nương theo tự nhiên, nhưng phải làm chủ được nó, theo kinh nghiệm của chú Nguyễn Thành Sương (ấp Đại Thôn A), tháng 1- 2 âm lịch thả tôm nhưng phải canh con nước để lấy nước vô ao, rồi phải biết mật độ thả bao nhiêu, điều kiện tự nhiên ra sao.
Nhờ vậy mà chú Sương tự tin “nông dân tụi tui giàu kinh nghiệm, như là cán bộ khoa học thủy sản vậy. Vì thất bại chỗ nào là nghiên cứu, tìm tòi khắc phục chỗ đó.
Người ở phương xa đến đầu tư mà “nuôi đại” rất dễ thất bại. Sau khi thu hoạch tôm 1 tháng, muốn sạ lúa thì phải “lọc nước” thường xuyên. Nhờ có phân tôm, tép mà lúa tốt mịt.
Xen canh tôm- lúa vừa cải thiện môi trường, đất có thời gian nghỉ ngơi, lại hạn chế được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ môi trường cải thiện nên nguồn hải sản ở đây rất dồi dào”.
Từ kinh nghiệm thích ứng hiệu quả của người dân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) Nguyễn Thanh Thưởng, cho biết xã cù lao xác định thủy sản là nguồn sản phẩm chủ lực là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ đó kéo theo phát triển các ngành nghề khác.
Địa phương quy hoạch khu vực nuôi thủy sản, với những mô hình phù hợp điều kiện “thuận thiên” của từng ấp, như nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, công nghệ cao ở các ấp Đại Thôn A, Đại Thôn B, Giồng Giá, Bà Liêm, Thông Lưu, Ông Yển; các ấp Long Hưng 1, Long Hưng 2 có thể nuôi tôm sú, tôm thẻ thả xen kẽ cua biển, nuôi tôm càng xanh hay tôm công nghiệp.
Riêng ấp Cồn Chim duy trì mô hình kinh tế bền vững chuyên nuôi thủy sản vào mùa nước mặn, xen canh thủy sản- lúa vào mùa nước ngọt. Hơn nữa, còn tính tới chuyện phát triển du lịch, mà Khu du lịch sinh thái Cồn Chim hình thành đang trở thành điểm đến rất thu hút.
Đi một vòng quanh cù lao trên con đường trải nhựa, chúng tôi hỏi cách thích nghi với mặn- ngọt ở cái xứ giữa sông lại giáp biển này? Ai cũng cười cười “chuyện thường, tự nhiên, không có gì đáng kể đâu”.
Bởi bao năm sống ở vùng đất này, chứng kiến không biết bao sự thay đổi của thiên nhiên, nhưng vẫn sống khỏe re bởi họ rành hai mùa nước mặn- ngọt. Hiểu được chuyện nắng mưa, hiểu được đặc tính cây trồng- vật nuôi mới để đặt chúng đúng mùa, đúng con nước mới được.
Nhờ “bà con nhóc hết trơn” của anh Mi Sil, chúng tôi được nghe tường tận câu chuyện sống chung ngọt- mặn, mà còn được đãi nhiều đặc sản.
Là dân Vĩnh Long, theo chồng về cù lao Hòa Minh lập nghiệp với nghề nuôi tôm hơn 4 năm, chị Nguyễn Thị Nhi bảo “lúc đầu lạ lắm, nhưng dần đã quen môi trường ở đây”.
Theo chị Nhi, với cách nuôi thêm cua biển tận dụng được thức ăn thừa của tôm nên giúp cải tạo đáng kể nguồn nước, môi trường đáy ao, giảm sử dụng thuốc lại cho thu nhập cao và ổn định”. Cua biển ở Hòa Minh “nhỏ con” roi roi vậy chớ thịt chắc, rất ngọt và chị Nhi bảo đảm không bao giờ bị “ốp”.
Trong khi câu chuyện làm ăn con tôm ôm cây lúa, cua biển “chưa qua mề”, anh Nguyễn Thanh Phong nhiệt tình biểu chúng tôi “phải ăn thử à nghen”- cá ngát sông Cổ Chiên nấu canh chua bần, và quả quyết “chưa ăn cá ngát coi như chưa tới Hòa Minh”.
Khó thể diễn tả mùi vị cá ngát thơm ngọt thế nào, nhưng chúng tôi phải công nhận là “rất ngon”. Và màn tiếp thị được đẩy lên cao trào “ai chưa có người yêu ăn cá ngát vào sẽ có đôi”- khiến mấy anh kỹ sư nông nghiệp trẻ tỏ ra rất hào hứng, đòi muốn “cắm rễ” ở lại cù lao này luôn.
Được gợi hứng, anh Phong tiếp tục giới thiệu cá ngát có quanh năm, nhưng nhiều nhất và ngon nhất vào mùa tháng 7- 8 âm lịch.
Loại cá ngát ngon vậy mà hồi đó “người ta hổng thèm ăn”, nhưng bây giờ, “cá ngát đã trở thành đặc sản, là món ăn đãi khách đến đây và giá không hề rẻ”.
Cũng nhờ con người hồn hậu, bảo vệ thiên nhiên thuận hòa, loài cá ngatf này tự tìm về cù lao Hòa Minh ở, sinh sôi rất nhiều.
Hơn thế nữa, để khai thác tiềm năng tự nhiên sẵn có đó, anh Phong còn ngỏ ý mời chúng tôi “quay lại ăn cá ngát đặc sản ở điểm du lịch sinh thái sắp mở của tui nghen”.
Theo danviet.vn
https://danviet.vn/tra-vinh-vung-dat-la-nuoi-tom-cang-xanh-con-to-dung-cua-bien-khong-bi-op-ca-ngat-nha-ngheo-len-ngoi-dac-san-20210520160903618.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã