Người nuôi tôm Cà Mau đang phải đối mặt với giá tôm giảm mạnh. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Qua tìm hiểu từ thực tế tại nhiều vùng nông thôn thì hiện nay bà con nông dân đang tích cực tổ chức sản xuất, vùng nuôi trồng thủy sản thì đã phủ kín vụ nuôi với trên 250.000 ha được thả con giống, đang trên đà phát triển tốt. Vùng trồng lúa bà con cũng đã hoàn tất khâu gieo sạ xong gần 50.000 ha. Tuy nhiên, nhiều bà con nông dân than phiền rằng bà con đang đối mặt với một vụ mùa lỗ khó tránh khỏi.
Trước hết là giá tôm nguyên liệu giảm 60% so với cùng kỳ năm trước; giá lúa giảm 13%. Các loại cây trồng chủ yếu là cây ăn trái, hoa màu giảm 15%. Vật nuôi, chủ yếu là thực phẩm như các loại cá, lợn, gà, vịt cũng giảm giá mạnh. Ngược lại, 4 mặt hàng quan trọng đối với nhà nông, đó là điện, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu; học phí học đường lại tăng liên tục, nhất là xăng dầu cứ tiếp tục tăng như thời gian qua đã tác động tiêu cực tới nông dân.
Bà Trần Thị Thới, ở ấp Tân Phong, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cho biết, chi phí đầu tư cho nuôi tôm quảng canh cải tiến khoảng 7 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi xấp xỉ 5 triệu đồng/ha. Nhưng với giá cả hiện nay thì mức đầu tư cho mỗi ha nuôi tôm là 12 triệu đồng, trừ chi phí sẽ không có lãi, thậm chí lỗ nếu tôm nuôi bị chết. Đối với nuôi tôm công nghiệp, nếu tính giá điện hiện nay thì chi phí đầu tư sẽ tăng từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Lời hay lỗ đối với nuôi tôm công nghiệp còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đối với trồng lúa, nếu năng suất bình quân 4 tấn/ha, so với giá lúa cách đây 3 tháng thì sau khi trừ chi phí nông dân sẽ còn lãi 15 - 20 triệu đồng/ha. Nhưng giá lúa hiện đang giảm, trong khi giá phân bón tăng như hiện nay thì sẽ lỗ khoảng 5 triệu đồng/ha.
Một vấn đề khác có liên quan tới cuộc sống của người nông dân, đó là việc tăng học phí tại các điểm trường. Tăng học phí là chủ trương chung nhưng đối với người nghèo nông thôn thì đây là vấn đề nan giải. Có một thực tế là người nông dân nông thôn sinh con đông, mỗi cặp vợ chồng thường là 2-3 con nên việc lo cho con ăn học là rất tốn kém. Việc tăng học phí năm học này sẽ tác động trực tiếp tới chuyện học hành của con em họ.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đang tập trung triển khai thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, theo đó sẽ giảm viện phí, học phí cho đối tượng nghèo, gia đình chính sách. Hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản bằng cách tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ cho hộ nghèo. Chính quyền địa phương đang tạo mọi điều kiện cho nông dân sản xuất, không bị ảnh hưởng nhiều trước thực trạng “bốn tăng” và "ba giảm" như hiện nay.
Trần Thành Nên
Nguồn:baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã