Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH N.N.H, đơn vị đang sở hữu trang trại nuôi heo rừng khá quy mô (diện tích 2,5ha, với 1.000 con heo rừng lai) ở xã Ea Dar (Ea Kar - Đắk Lắk) cho biết, việc nuôi heo rừng tự nhiên bắt trực tiếp từ rừng là rất khó, chỉ sau một thời gian ngắn là chết bởi chúng không thể thích nghi với điều kiện nuôi nhốt. Vì vậy, nói là heo rừng nhưng thực tế, các cơ sở nuôi hiện nay đều nuôi heo rừng lai. Để có được loại heo rừng lai có chất lượng thịt thơm ngon, sạch bệnh, người ta thường cho heo ăn cỏ, lá cây và bổ sung thêm một ít tinh bột như cám gạo, bột mì… Heo rừng sinh sản gần như heo nhà; đối với heo giống, nuôi khoảng 4 tháng thì xuất bán (10 - 15kg/con), heo thịt nuôi 8 - 8,5 tháng (35- 40 kg/con). Với giá bán 150.000-180.000 đồng/kg heo thịt, 330.000 đồng/kg heo giống như hiện nay thì mỗi năm, trang trại của anh Hiếu lãi 3 - 4 tỷ đồng. Chị Trần Thị Hương, chủ một trang trại nuôi khoảng 20 con heo rừng lai ở đường Nguyễn Trường Tộ (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) cho biết: "Nhiều nhà hàng, khách sạn trong thành phố thường tìm đến trang trại đặt mua thịt heo rừng, vì vậy đầu ra luôn ổn định, mỗi năm gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng". Trước thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhu cầu của người dân khá cao nên trên địa bàn Đắk Lắk bắt đầu xuất hiện thịt heo rừng giả. Trên một số tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột, thường xuyên có người bày bán thịt heo rừng công khai trên vỉa hè hoặc rao bán tới tận nhà dân. Mục sở thị vài điểm bán dạo thịt heo rừng trên một số tuyến đường ở TP.Buôn Ma Thuột như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, hay đường Hùng Vương ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)…, hầu hết người bán hàng đều khẳng định: đó là thịt heo rừng thật, mới săn được trong rừng về, hoặc là thịt heo rừng của gia đình tự nuôi.
Tuy nhiên, loại thịt này đều được người bán hàng xẻ thành nhiều miếng nhỏ, nhìn bề ngoài rất khó phân biệt đâu là thịt heo rừng tự nhiên, heo rừng lai hay thịt giả heo rừng. Chị Kiều Lê ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) than thở: "Mấy hôm trước tôi mua 1kg thịt heo rừng của người bán dạo trên đường Lê Duẩn, nhưng nấu xong thì không thể ăn được bởi thịt rất dai mà còn có mùi khét của nhựa, hóa ra là thịt heo nái già".
Tìm hiểu mới biết, công nghệ làm giả thịt heo rừng của các đối tượng trên hết sức tinh vi. Họ thường găm các mảnh đạn chì vào thớ thịt heo, đồng thời dùng máy bắn lông giả bằng sợi cước vào da heo, do đó dễ dàng đánh lừa người mua, ngay cả các cơ quan chức năng khi kiểm tra cũng khó phân biệt. Ông Đỗ Ngọc Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk) cho hay: "Khi kiểm tra các điểm bán dạo heo rừng trên đường thì họ đều xuất trình giấy tờ mua heo rừng từ các trại nuôi heo hợp pháp. Tuy nhiên, cũng không thể xác định được thịt heo họ đang bán có ứng với giấy tờ mua heo trên hay không. Để xử lý và ngăn cấm cũng rất khó, vì họ thường bày bán thịt heo rừng thật giả lẫn lộn, mà các ngành chức năng cũng chưa có máy móc hỗ trợ để kiểm tra độ chính xác". Để đảm bảo sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng nên chọn mua thịt heo rừng tại những cơ sở đáng tin cậy, có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh do Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp), có giấy phép nuôi động vật hoang dã do Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp…
Bá Thăng Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã