Vườn chanh gia đình ông Vi Văn Thiết, bản Yên Sơn đang thu hoạch, dự kiến đạt 1,8 tấn. |
Ký ức về 'con đường xấu nhất Ðông Dương'
Mười năm về trước, tôi có dịp ngược suối Nậm Quàng, leo lên 'mường Chè Lè', tên gọi xưa của Tri Lễ, xã cực tây của huyện rẻo cao Quế Phong. Theo các già bản, ông cha xưa truyền lại có câu: 'Mường Chè Lè đin xủng, phà tẳm' - nghĩa tiếng Thái là vùng 'đất cao, trời thấp'.
Nhớ đận đầu tiên vừa ra khỏi xã Châu Kim, cách thị trấn Kim Sơn năm cây số đã phải gian nan bò qua những tảng đá to như ông voi leo dốc Pu Chổng Cha dài hơn 8 km. Tụt hết dốc xuống trung tâm xã Châu Thôn đã mất nửa ngày. Tiếp tục lội suối Nậm Quàng, leo dốc Pu Kém Phăng bở hơi tai, tối mịt mới tới nơi 'đất cao, trời thấp', mệt bã người. Lần sau trở lại Quế Phong, nghe rủ lên Tri Lễ đã giật mình. Khi nghe đã 'vần' được một số 'ông voi', xe u-oát đã bò qua được dốc
Pu Chổng Cha, Pu Kèm Phăng... lại háo hức. Nhưng vật vã, quăng quật, ì ạch, vừa đi vừa đẩy, kéo xe, mất hơn nửa ngày mới lên tới bản Chiềng. Thương các thầy cô giáo miền xuôi đi xe ôm, đẩy nhiều hơn ngồi. Tới nơi, người lấm lem bùn đất như người đi rừng về mà ngậm ngùi mở ví trả 200 nghìn đồng, mất hơn nửa tháng lương hồi đó. 'Bà Tây' thuộc một tổ chức phi chính phủ theo cán bộ huyện ngồi xe u-oát lên khảo sát tài trợ chương trình nước sinh hoạt cho dân vùng bản, sau khi về huyện đã thốt lên: 'Như vậy mà cũng gọi là đường à! Có lẽ đây là con đường xấu nhất Ðông Dương?'.
Rồi khi thực hiện dự án phát triển khu kinh tế mới Minh Châu, đưa người Mông rời nơi có loài độc dược anh túc xuống núi lập bản dựng mường mới, tôi lại có dịp trở lại với 'con đường xấu nhất Ðông Dương'. Trong căn nhà mới dựng ở bản mới Minh Châu, tôi được gặp ông Hờ Xai Hờ, bản Huồi Xai, nổi tiếng với chuyện cười ra nước mắt, vì cái lần Tòa án nhân dân huyện Quế Phong xử phạt chín tháng tù treo do đốt rừng già làm rẫy, nhưng ông 'xin ân giảm' được 'tù ngồi' vì 'tù treo ta không chịu được'.
Dự án ổn định dân cư và xây dựng vùng kinh tế mới Minh Châu hồi đó có vốn đầu tư hơn chín tỷ đồng nhằm triển khai thực hiện với mục đích, tạo ra một vùng dân cư tập trung có đầy đủ các điều kiện ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần giúp bà con dân tộc Mông vùng cao ổn định cuộc sống, giải quyết triệt để vấn nạn di dịch cư tự do trái phép khu vực biên giới. Năm 2001 bắt đầu triển khai dự án, những tưởng sau 5 năm bà con người Mông, Khơ Mú bản Huồi Mới, Huồi Xai, Nậm Tột... rời bỏ cây anh túc trên núi cao về bản mới suôn sẻ. Nhưng khó khăn mới lại đến do một số hạng mục như cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và một số hạng mục thiết yếu khác không đáp ứng được. Mặt khác, cán bộ chỉ đạo dự án và các cấp chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình với dân. Mặt thiếu sót do công tác khảo sát, tính toán không chu đáo và quản lý thiếu trách nhiệm cho nên hệ thống nước sản xuất dẫn nguồn từ đập Kẽm Ải cao trình không bảo đảm đưa nước về tới chân ruộng. Hệ thống nước sinh hoạt cũng vậy... Ðó là chưa kể đến việc khảo sát các hạng mục phát triển sản xuất để bố trí cây trồng hợp lý như độ cao, đất hở không phù hợp với ruộng nước bậc thang... Một dự án mang nhiều ý nghĩa có nguy cơ bị đổ vỡ do triển khai thiếu đồng bộ trong khâu quản lý sẽ thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ðảng bộ Quế Phong ngày đêm trăn trở, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng phải quyết tâm làm đổi thay vùng đất mới.
Và chuyện vui 'nơi đất cao, trời thấp'
Ông Trần Quốc Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách thủy sản được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng quyết định tăng cường lên 'cắm bản'. Ðại hội Ðảng bộ huyện Quế Phong khóa 20, nhiệm kỳ 2010-2015, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy của huyện nằm trong tốp nghèo nhất nước. Ông tâm sự: 'Từ nghề thủy sản sông nước mênh mông quen với con tôm, cá, mới đầu lên rừng cũng bỡ ngỡ lắm. Từ bỡ ngỡ đến trăn trở và khát vọng phải làm sao giúp huyện rẻo cao thoát khỏi tốp nghèo nhất nước? Thời gian ngắn nhập cuộc, nhiều lần lên Tri Lễ kiểm tra, vận động người Mông bỏ tập tục cũ phát nương làm rẫy, di cư tự do, trồng cây anh túc xuống vùng đất bằng khai hoang làm ruộng nước, chọn cây, con, trồng, chăn nuôi để thoát nghèo. Ðến các vùng bản: Na Niếng, Yên Sơn, bản Xan của người Thái, bản Tà Pàn... người Khơ Mú ở Tri Lễ, thấy lác đác trong vườn một số hộ ở đây có cây chanh leo phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu phát triển tốt và cho nhiều quả. Theo người dân bản địa, 'mạc lọt tay' (cây chanh leo) đã có mặt trên này từ lâu. Và từ đây ý tưởng chanh leo, một loại cây giúp đồng bào các dân tộc nơi đây đang có cơ hội thoát nghèo, giàu lên bắt đầu nhen nhóm và thống nhất tập thể ra chủ trương. Ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe chuyện loại cây mới trồng có hiệu quả, đang được nhân rộng sẽ giúp bà con các dân tộc miền rẻo cao này thoát nghèo nhanh.
Ðầu tiên, vận dụng lồng ghép Chương trình 30a, 135/CP, trích thêm ngân sách, huyện chỉ đạo xã Tri Lễ chọn 20 hộ các bản Yên Sơn, Na Niếng, Tà Pàn, bản Xan, trong đó có 16 hộ dân tộc Thái, hai hộ người Khơ Mú và hai hộ người Mông trồng thí điểm hai ha. Nguồn giống do Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods), cung ứng và ký kết bao tiêu sản phẩm. Các hộ được tập huấn kỹ từ cách làm giàn, trồng, chăm bón. Cây chanh leo hợp đất phát triển xanh tốt, sau sáu tháng, đến tháng 7-2010, chanh bắt đầu ra quả, giàn nào cũng trĩu quả, năng suất đạt 40 đến 45 tấn/ha. Ai cũng mừng vui!
Theo giới thiệu của Thiếu tá Ðàm Thiên Thương, sĩ quan Bộ đội Biên phòng Nghệ An tăng cường về làm Phó Bí thư Ðảng ủy xã Tri Lễ, chúng tôi đến bản Yên Sơn để mục sở thị những giàn chanh trĩu quả. Ðến vườn chanh của ông Vi Thanh Xuân, Bí thư chi bộ, kiêm Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp và Phát triển chanh leo, ông đang cùng con gái Vi Thị Xoan, sinh viên năm thứ tư Ðại học Y Dược Thái Bình về nghỉ hè đang phụ giúp thu hoạch chanh. Ông Xuân cho biết, vườn đã trồng 73 gốc, năm đầu tiên trồng thí điểm cho thu nhập hơn 16 triệu đồng, mới ba tháng đầu năm 2012 này đã thu hoạch khoảng 1,8 tấn. Hiện nay gia đình thực hiện mô hình: chanh leo trên giàn, nuôi gà, ba ba, trồng gừng phía dưới. Tới đây sẽ mở rộng diện tích cây chanh leo lên cả vườn đồi. Nhiều gia đình trong bản thấy được hiệu quả kinh tế của cây trồng này đã học làm theo. Hiện đã có 39 trong số 59 hộ trồng và 15 hộ đã có thu nhập, mỗi hộ hàng chục triệu đồng. Ông Xuân cho biết thêm, từ trước đến nay, trên đất Tri Lễ này chưa có cây trồng nào hiệu quả kinh tế cao và nhanh như chanh leo. Bà Lô Thị Liên vui mừng nói: 'Học theo các hộ trong bản, gia đình tui mới trồng được một sào, quả to lắm, khoảng 6 đến 7 quả là được 1 kg. Nhà máy thu mua tận bản, 10 nghìn đồng/kg. Trong bản, nhà có chanh bán gần hai tấn là gia đình ông Vi Văn Nhân, Vi Văn Thiết... Từ ngày có chanh bán, có tiền chi tiêu trong gia đình, ai cũng vui'.
Theo Thiếu tá Ðàm Thiên Thương, để trồng một ha chanh leo, đầu tư ban đầu từ làm giàn, phân bón đến cây giống... khoảng 100 triệu đồng, Hiện giá cây giống 40 nghìn đồng/cây, do Công ty Nafoods cung ứng. Huyện có chính sách hỗ trợ 100% tiền cây giống cho bà con bằng nguồn vốn của Chương trình 30a, 135/CP. Sau hai năm trồng thử nghiệm, cho thấy cây chanh leo đã khẳng định trên đất Tri Lễ, cây phát triển tốt, quả nhiều và chất lượng cao, nên đến năm 2012 bà con đã trồng được tám héc-ta. Nếu bán giá tám nghìn đồng/kg, thì một héc-ta thu về không dưới 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Với mức thu nhập đó thì trên đất Tri Lễ nói riêng, huyện Quế Phong nói chung chưa có cây trồng nào đạt hiệu quả kinh tế cao như vậy. Ðây là cơ hội cho bà con nơi đây có thể xóa nghèo vươn lên làm giàu bằng trồng cây chanh leo. Theo khảo sát của Nhà máy Dứa cô đặc Quỳnh Châu, thuộc Công ty Nafoods, diện tích quy hoạch để trồng cây chanh leo trên đất Tri Lễ là 800 ha. Mục tiêu của địa phương cũng như phía nhà máy đặt ra là đến năm 2015 sẽ có 800 ha chanh leo. Xã đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An về tiêu thụ hết sản phẩm. Xã cũng đang đề xuất với công ty, nếu diện tích chanh leo được mở rộng thì công ty nên tổ chức sơ chế tại địa phương.
Về huyện, Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thành hồ hởi: 'Kết quả khảo nghiệm đã được khẳng định, cây chanh leo phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của đồng bào tại Tri Lễ và Nậm Giải, năng suất có thể ngang bằng với vùng Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng. Quế Phong hoàn toàn có khả năng trở thành vùng nguyên liệu cung cấp chanh leo cho Công ty Nafoods. Sau thí điểm thành công, huyện Quế Phong đã có tờ trình xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng vùng trồng chanh leo nguyên liệu quy mô một nghìn ha, trong đó Tri Lễ 800 ha và Nậm Giải 200 ha để cung cấp nguyên liệu cho Nafoods và các nhà máy xuất khẩu nước hoa quả trong nước. Huyện cũng đang làm quy trình để tạo điều kiện thuận lợi nhất đưa doanh nghiệp vào cuộc nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm...'.
Trở lại Tri Lễ lần này, con đường đã được mở rộng, trải thảm nhựa, vượt dốc Pu Chổng Cha, Pu Kèm Phăng, đến bản Minh Châu chỉ mất khoảng 35 phút, ô-tô lướt êm ru. Ghé thăm, thấy bà con người Mông, Khơ Mú đã biết làm ruộng nước, cấy giống lúa mới chịu lạnh, biết 'bón phân dúi', trồng chanh leo, có của ăn của để... Bà con đã dần quên hình ảnh nàng 'phù dung' mỹ miều quyến rũ nơi vùng đất 'quanh năm ngủ trong mây'. Và chúng tôi cũng thật sự mừng vui cùng mường Quế với Bí thư Trần Quốc Thành. Hy vọng với tâm huyết của mình, đến hết nhiệm kỳ, ông sẽ cùng Ðảng bộ và nhân dân Quế Phong vượt khó, thoát khỏi tốp nghèo nhất nước.
Theo các nhà khoa học, quả chanh leo còn được gọi là lạc tiên trứng, chanh dây, mác mắt... có tác dụng bổ, mát, thanh nhiệt, tiêu khát, an thần, nhuận tràng, lợi tiểu; có thể phối hợp với các loại quả khác như dứa, mãng cầu xiêm, sầu riêng... làm thành nước sinh tố hỗn hợp cũng rất tốt. Nước ép chanh leo, đặc biệt là lá chanh leo có chứa chất alkaloids giúp làm hạ huyết áp, an thần, giảm đau, và chống lại tác động của các cơn co thắt. Trái chanh leo không chứa cholesterol, giàu vitamin A và vitamin C, là nguồn cung cấp ka-li và chất sắt dồi dào, nguồn chất xơ tuyệt hảo, và giúp làm dịu các cơ đang bị căng cứng... Nhiều quốc gia trên thế giới dùng lá chanh leo để bào chế thuốc. Cành, lá chanh leo có tác dụng an thần, gây ngủ (nhẹ), giảm sự lo âu hồi hộp, hạ huyết áp (nhẹ), dịu các cơn co giật (trong động kinh), giảm cơn đau bụng cơ năng và đau bụng kinh... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã