Bỏ hoang “bờ xôi ruộng mật”
Đây là thời điểm vụ đông vào mùa rầm rộ nhất ở Thiên Lộc. Cũng là lẽ đương nhiên, bởi đã từ rất lâu nghề trồng rau, củ được người nông dân nơi đây xem như một nghề truyền thống và mảnh đất này cũng không phụ công người khi đưa về thu nhập “khủng” từ 150-200 triệu đồng/ha mỗi vụ từ hành tăm, cà chua và rau các loại. Mọi năm, trên cánh đồng Trại Màu, hành tăm của bà con nông dân các thôn Hòa Thịnh, Trung Thiên, Hồng Tâm đã bắt đầu xanh luống. Tuy nhiên, thay bằng hình ảnh sung túc, trù phú ấy thì những gì mà chúng tôi được chứng kiến hôm nay lại là một vùng đất rộng hơn 9 ha bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Và 80 hộ dân bỗng dưng phải nghỉ sản xuất vụ đông năm nay.
Đồng đất “bờ xôi ruộng mật” 9,12 ha cỏ dại mọc um tùm nằm chờ dự án. |
Ông Võ Nhân Ninh - Trưởng thôn Hòa Thịnh bức xúc: “Trong khi người dân các làng khác đã ra đồng làm đất, gieo trồng rau màu vụ đông thì hơn 80 hộ dân chúng tôi đứng nhìn đồng đất hơn 9 ha “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm mà xót ruột”. Còn ông Võ Văn Cảnh thì thực tế hơn khi tính toán, với 9 sào đất của gia đình, vụ đông hàng năm cho thu nhập 90 triệu đồng. Và tất cả chi phí cho con cái học hành, mua sắm trong gia đình đều trông chờ vào khoản thu nhập chính đó.
Đi tìm nguồn cơn sự việc, được biết, đây là khu đất thuộc dự án “Quy hoạch và đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ ứng dụng công nghệ cao” tại xã Thiên Lộc do Công ty TNHH Sen Vàng (thuộc Công ty CPXD Đại Việt Mỹ) đầu tư. Được khởi động từ tháng 11/2011, dự án dự định sẽ xây dựng một mô hình sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ chất lượng cao đạt tiêu chuẩn Global G.A.P nhằm phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, chế biến, bảo quản và xuất khẩu. Theo đó, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 3619/QĐ-UBND ngày 15/11/2011. Diện tích được chọn để xây dựng dự án rộng 9,12 ha tại vùng Trại Màu, xóm Võ Quế, Thiên Lộc với tổng vốn đầu tư lên tới 30 tỷ đồng. UBND tỉnh hỗ trợ 50% chi phí bồi thường GPMB thực hiện dự án. Đây là một trong chuỗi các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh do công ty này đầu tư. Cùng thời điểm, chủ đầu tư cũng cho khởi động dự án “Khảo nghiệm, sản xuất các loại giống lúa và xây dựng khu liên hợp sấy, tồn trữ, nhà máy chế biến lúa gạo xuất khẩu”.
Ban đầu không phải đơn giản để tìm được sự đồng thuận của nhân dân nhường đất cho dự án. Nhưng qua tuyên truyền vận động, người dân cũng hiểu và nhận thấy mảnh đất “vàng” này nếu được đầu tư về công nghệ thì chẳng khác nào “như cá gặp nước, như rồng gặp mây”. Mặt khác, dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng chất lượng cao, công nghệ mới, phát triển chuỗi giá trị của sản phẩm lúa hàng hóa, rau củ thực phẩm và từng bước đưa công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Thế nhưng, sau gần 1 năm khởi động, dự án vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Người dân bị động trong sản xuất
Theo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tại buổi làm việc với Công ty TNHH Sen Vàng (thuộc Công ty CPXD Đại Việt Mỹ) về các dự án nông nghiệp công nghệ cao số 364/ TB-UBND ngày 6/9/2012 thì các dự án nông nghiệp tại Thiên Lộc chậm tiến độ so với yêu cầu. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù vụ đông 2012 đã chuẩn bị triển khai nhưng dự án “Quy hoạch và đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ ứng dụng công nghệ cao” vẫn chưa được phê duyệt, việc huy động nguồn lực và công nghệ của nhà đầu tư chưa thống nhất. Song song với việc thống nhất đồng ý cho chủ đầu tư lùi thời gian thực hiện bồi thường, GPMB đến trước ngày 15/12/2012 và thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư đến cuối tháng 12, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Can Lộc kịp thời thông báo cho xã Thiên Lộc để người dân tổ chức sản xuất vụ đông 2012 bình thường trên phần diện tích đất đã quy hoạch và phải thu hoạch xong trước ngày 31/12/2012 để phục vụ cho công tác bàn giao mặt bằng dự án. Tuy nhiên, có vẻ như thông báo này đã đến hơi muộn.
Ông Nguyễn Phúc Vượng - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: “Lâu nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của bà con nông dân. Chính bởi vậy, vụ đông ở đây bắt đầu rất sớm, tranh thủ thời tiết khô ráo từ tháng 6, tháng 7, bà con đã xuống đồng làm đất, trỉa hạt cho cây trồng chính là hành tăm rồi. Có như vậy, cây hành mới phát triển an toàn mà không lo bị mưa làm bầm dập, chết thối”. Dù đã được phép sản xuất trở lại nhưng so với truyền thống vùng này, thời vụ gieo trỉa đã chậm gần 2 tháng. Kinh nghiệm lâu năm trong nghề đã khiến người nông dân không còn mặn mà với vụ đông 2012.
Cũng theo ông Vượng, nguyện vọng thiết tha nhất của địa phương hiện nay là nhà đầu tư sớm GPMB để dự án mau chóng được triển khai. Bởi đây là cơ hội để địa phương phát huy thế mạnh của mình; quan trọng hơn chính là tiếp cận được công nghệ tiên tiến nhằm đưa nền sản xuất rau, củ, quả vốn đã nhiều tiềm năng sẽ càng phát triển hiện đại, bền vững và phù hợp với xu thế. Bên cạnh đó, nếu việc đền bù, GPMB kéo dài đến cuối năm sẽ tạo ra tâm lý chờ đợi giá đất mới của không ít người dân. Hệ lụy của nó sẽ gây không ít trở ngại cho dự án.
Chờ chuyên gia kiểm tra, đánh giá chất đất?!
Trao đổi với chủ đầu tư, bà Phạm Thị Hoa - Phó Tổng giám đốc Công ty CPXD Đại Việt Mỹ cho biết: “Để thực hiện được dự án này, chúng tôi đã huy động các nguồn lực đầu tư, các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao để ứng dụng trên đồng đất Hà Tĩnh. Ngoài một số thủ tục thì một trong những lý do chậm trễ là đến cuối tháng 9/ 2012, chúng tôi mới nhận được dự án khả thi do GS Trần Kim Quy - Đại học Nông nghiệp I thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Hiện nay, chúng tôi đang chờ đoàn chuyên gia của Đài Loan sang để lấy mẫu kiểm tra, đánh giá chất đất rồi mới khởi công dự án được”.
Chẳng lẽ nhà đầu tư lại hoàn toàn bị động trước dự án do chính mình bỏ tiền ra! Và việc lập dự án cũng như quy hoạch đất dự án được thực hiện trước khi kiểm tra, đánh giá mẫu đất phải chăng là hành động “cầm đèn chạy trước ô tô”?! Dẫu sao, trên vùng đất này người nông dân vẫn ngày đêm mỏi mắt chờ trông một dự án với hình thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đổi mới hình thức canh tác ngày càng hiện đại để tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương.
Nhóm PV Kinh tế
Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã