Học tập đạo đức HCM

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế qua phân tích của chuyên gia

Thứ bảy - 09/06/2012 05:26
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế; nó là sự kế thừa các đột phá chiến lược và gắn liền với an sinh xã hội.

TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là một số điểm nhấn trong ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung khi phân tích thêm về Đề án tái cơ cấu kinh tế trong cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng cần phải tính toán chi phí, nguồn lực và dự trù ngân sánh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng?

TS.Nguyễn Đình Cung: Mục đích trực tiếp của tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế, không phải là gói cứu trợ nền kinh tế để vượt qua khủng hoảng.

Nguồn lực mà chúng ta dựa vào đó để tái cơ cấu nền kinh tế là tổng nguồn lực xã hội hiện có và nguồn lực được bổ sung hàng năm. Để tái cơ cấu kinh tế, Nhà nước chủ yếu xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế, tạo ra hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình  cơ cấu lại danh mục tài sản, danh mục đầu tư và các hoạt động kinh doanh. Tác động của chính sách này cũng vận động theo thị trường, các chính sách ưu tiên, cách thức thiết kế ưu tiên, chương trình hỗ trợ...là tạo động lực mới thúc đẩy DN có lợi từ chính sách này sẽ làm theo chính sách để mình đạt được mục tiêu.

Như vậy, quá trình  phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chủ yếu do khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình trực tiếp thực hiện, các chi phí điều chỉnh, nếu có đều do các doanh nghiệp tự trang trải. Còn hoạt động của cơ quan Nhà nước để triển khai đề án tái cơ cấu về cơ bản đều nằm trong chức năng, phạm vi, thẩm quyền và hoạt động bình thường trong quản lý nhà nước và trong phạm vi kế hoạch ngân sách được Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Tuy nhiên, đối với một số đề án thành phần hay chính sách cụ thể có thể phát sinh một số chi phí nhất định. Ví dụ, để khuyến khích, thúc đẩy hoặc hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành hay vùng kinh tế, Nhà nước phải có những ưu đãi hơn về thuế, tín dụng, hoặc phải thực hiện một số chương trình hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp liên ngành, liên vùng… Số chi phí cần thiết đó phụ thuộc vào phạm vi, đối tượng và công cụ chính sách cụ thể, và được xác định khi xây dựng các chính sách liên quan.

Một số ý kiến cho rằng Đề án tổng thể cơ cấu kinh tế không có khâu đột phá. Ý kiến của ông về vấn đề này? 

TS.Nguyễn Đình Cung: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã xác định ba khâu đột phá. Để thực hiện đột phá về hạ tầng, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành  Trung ương khóa XI đã thông qua Nghị quyết 13/NQ-TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chính phủ đang triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết nói trên cũng như chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020…

Như vậy, Đề án tái cơ cấu kinh tế kế thừa các đột phá chiến lược, thực hiện các đột phá chiến lược sẽ tạo tiền đề và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Thay vì tìm kiếm thêm các khâu đột phá, Đề án tái cơ cấu nhấn mạnh đến tính “ưu tiên”, “trọng tâm”, “đồng bộ” trong các nội dung và giải pháp tái cơ cấu kinh tế. Tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm khởi động cho cả quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đó là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.

Phải nói rằng hệ tư duy hiện chính sách đang được chi phối bởi quan điểm hiện hành, với hàng loạt hệ thống văn bản pháp luật. Đề án này đặt trong bối cảnh hiện tại, bổ sung những cái đang có chứ không thể hoàn toàn thay thế. Đề án này không nêu tất cả mà nêu ra những “vấn đề có thể giải quyết được”, có tính khả thi.

Thực tế hiện nay, nước ta có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhiều thành phần, đa đạng hóa các hình thức sở hữu, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay chủ yếu là thay đổi động lực của tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu dựa vào tăng quy mô các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên) sang gia tăng hiệu quả , năng suất lao động,  và năng suất các yếu tố tổng hợp để các yếu tố này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, đề án tập trung chủ yếu vào thay đổi vai trò tương đối của các nhân tố  sản xuất trong tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong Đề án có đề cập một số ngành mũi nhọn mà đó là những ngành mà có ý kiến cho rằng tiêu hao nhiều năng lượng (chẳng hạn đóng tàu, luyện kim) thay vì ưu tiên phát triển cho các ngành dệt may, da giày? Ông có thế nói thêm điều gì?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trong Đề án có 2 cấp độ ưu  tiên, giai đoạn 2011- 2015 dệt may, da giày vẫn được ưu tiên. Nhưng đây là ngành có giá trị gia tăng thấp, có thể hiện nay có năng lực canh tranh nhờ lao động rẻ (nhưng  trong 5 năm nữa có thể không còn rẻ). Nhưng chúng ta cũng không nên quá dựa vào khả năng cạnh tranh về chỉ số này. Vì tiền lương thấp, thu nhập thấp, sẽ khó có khả năng phát triển thêm kỹ năng. Trong 10-20 năm nữa phải có hệ thống ngành mới thay thế cho những ngành hiện nay. Lúc đó mới tính đến những ngành như điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm, luyện kim, đóng tàu, du lịch, logistic...

Nói về luyện kim, đây là ngành công nghiệp cơ bản, một nước có công nghiệp cơ khí, điện tử... phát triển thì không thể thiếu những ngành công nghiệp cơ bản như luyện kim, hóa dầu làm nguyên liệu đầu vào… Vấn đề là  chất lượng phải cao mà  chi phí rẻ. Thực ra, khó có nước nào có thể làm tốt ngày từ đầu khi phát triển công nghiệp, vì đi sau nên phải qua quá trình vừa làm vừa học, vấn đề là làm sao học được nhanh nhất.

Các nước phát triển đang có xu hướng đẩy một số  ngành công nghệ không quá cao, không làm nữa, trong khi Việt Nam có  lợi thế thì vẫn có thể thu hút. Ta hãy thử đặt lại câu hỏi, trừ những nước như Singapore đi theo con đường riêng thì trên thế giới, có quốc gia nào có nền công nghiệp phát triển mà không có luyện kim?

Về đóng tàu, Việt Nam, cho đến năm 2008, là một trong những quốc gia có đơn đặt hàng tăng nhanh nhất. Từ 0,25% thị phần năm 2006 thì năm 2008, chúng ta chiếm 2,6%, thuộc loại tăng rất nhanh. Thực tế, ngành đóng tàu đang có vị trí không kém, do nước ta có lợi thế về đường bờ biển dài, chiến lược biển, kỹ năng của lao động. Đặc thù riêng của ngành đóng tàu, công nghệ không lỗi thời nhanh như công nghệ tin học, sử dụng nhiều lao động, hoàn toàn tiếp cận được công nghệ. Hơn nữa, những công nghệ không phải “đỉnh cao” thì các nước phát triển dễ dàng chuyển giao hơn.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng ngành thép, xi măng đang có vấn đề về thừa, hay vấn đề về ngành đóng tàu. Nhưng đây là do một vài vấn đề quản lý đầu tư chứ không phải lỗi của ngành nghề.

Thưa ông, lại có ý kiến lo ngại tái cơ cấu kinh tế sẽ làm gia tăng thất nghiệp và các vấn đề xã hội?

TS Nguyễn Đình Cung:  Tôi cho rằng nguyên tắc chỉ đạo là tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với an sinh xã hội. Theo đó, bên cạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong điều hành và chỉ đạo kế hoạch hàng năm Chính phủ luôn nỗ lực đạt được mức tăng trưởng hợp lý để  đảm bảo an sinh xã hội. Thực tế, các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển sẽ tạo được việc làm cho người lao động, bao gồm số lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc bị mất việc do cải cách, thu hẹp quy mô tương đối của các doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, tái cơ cấu kinh tế sẽ cải thiện an sinh xã hội, không làm phát sinh thêm chi phí.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo baodientu.chinhphu.vn

 Tags: kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập436
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại860,598
  • Tổng lượt truy cập92,034,327
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây