Học tập đạo đức HCM

“Đỏ mắt” chờ giá sàn

Thứ bảy - 25/08/2012 11:27
Có giá sàn, người nuôi đảm bảo được lợi nhuận, doanh nghiệp chế biến có lãi, tránh cạnh tranh không lành mạnh làm giảm uy tín và hình ảnh của cá tra Việt Nam. Thế nhưng, việc thiết lập giá sàn cho cá tra lại không hề đơn giản như mong muốn, dù đây gần như là sản phẩm do Việt Nam độc quyền.

Bệnh nan y

Theo VASEP, trong 10 năm qua, sản lượng cá tra của Việt Nam đã tăng 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần và hiện đang chiếm tới 99,9% thị phần thế giới. Tuy được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia nhưng kể từ khi hình thành và phát triển, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra vẫn thiếu sự bền vững. Cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu luôn bị đe dọa. Người nuôi thì thấp thỏm lo âu về giá cả bấp bênh, chất lượng con giống không đảm bảo, chi phí đầu vào liên tục tăng cao... còn doanh nghiệp thì phải hứng chịu làn sóng cạnh tranh bán phá giá lẫn nhau trên thị trường quốc tế...

Trong 10 năm qua, diện tích và sản lượng cá tra Việt Nam không ngừng tăng lên - Ảnh: Phan Thanh Cường

Thực ra, chuyện phá giá cá tra xuất khẩu không phải là mới, mà đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhất là sau mỗi kỳ doanh nghiệp tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế. Ở những hội chợ này, để giành được mối hàng, nhiều doanh nghiệp đã đua nhau giảm giá. Hậu quả là cứ sau mỗi lần tham gia hội chợ quốc tế, giá cá tra Việt Nam không những không tăng lên, mà lại bị kéo xuống.

 

>>  Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu các tỉnh, thành ĐBSCL, so với cuối tháng 7/2012, giá cá tra nguyên liệu được các nhà máy thu mua hiện đang tăng chút ít, lên mức 20.000 - 22.500 đồng/kg. Tuy nhiên, so với giá thành, người nuôi cá cầm chắc lỗ ít nhất 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Trước khi tham gia tham dự Hội chợ Thủy sản châu Âu 2009, VASEP đã phải nhóm họp 25 doanh nghiệp cá tra để cùng thống nhất rằng, chỉ được chào bán tại hội chợ với mức giá sàn là 3 USD/kg cá tra. Khi họp, đồng tâm nhất trí là vậy, nhưng đến khi Hội chợ kết thúc, vẫn có những đơn hàng cá tra được một số doanh nghiệp Việt Nam ký với khách hàng châu Âu mà giá chỉ khoảng 2,4 - 2,6 USD/kg.

 

Tại Hội chợ Thủy sản Quốc tế Boston 2012 (Mỹ), một doanh nghiệp vừa thỏa thuận xong hợp đồng 20 container cá tra cho một khách hàng Mỹ. Doanh nghiệp còn chưa kịp mừng thì ngay lập tức thỏa thuận đã bị hủy bỏ bởi có một doanh nghiệp Việt Nam khác chào bán với giá thấp hơn. Còn ở Hội chợ Thủy sản châu Âu 2012, diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, một doanh nghiệp đã thỏa thuận được với nhà nhập khẩu châu Âu về lô hàng 20 container cá tra, giá 3,4 USD/kg. Doanh nghiệp đó cứ tưởng đã cầm chắc mối hàng trong tay. Nhưng bất ngờ đến ngày cuối của Hội chợ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đua nhau giảm giá chào bán cá tra xuống còn 3 USD/kg, mối hàng vượt khỏi tầm tay.

Mới đây nhất, tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam 2012 (Vietfish 2012) trong khi giá cá tra xuất khẩu sang thị trường EU đang ở mức 2,6 - 2,7 USD/kg, thì có doanh nghiệp đã chào bán với giá chỉ còn 2,2 USD/kg.

 

Chữa nhưng không lành

Việc các doanh nghiệp chế biến cá tra không tìm được tiếng nói chung về giá xuất khẩu không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, từ đó quay ra ép giá nông dân, mà còn khiến cho hình ảnh của cá tra Việt Nam mất dần uy tín trên thị trường quốc tế. Trước tình trạng đó, ngày 27/6/2012 trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2012, VASEP đã đề nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành giá sàn thu mua và xuất khẩu cá tra.

Tình trạng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra bán phá giá ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích của cá tra Việt Nam - Ảnh: Hoàng Vũ

Thiết lập giá sàn cho cá tra là điều cần thiết, góp phần ổn định đầu vào cũng như đầu ra cho cá tra, thế nhưng, điều này hoàn toàn không hề đơn giản. Đề xuất lần này liệu có được áp dụng và thành công hay cũng sẽ thất bại như hai lần trước đó.

 

>>  Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, muốn giải bài toán bán phá giá thì doanh nghiệp phải liên kết lại tạo sức mạnh để tránh tình trạng nhà nhập khẩu ép giá. Đã đến lúc phải tổ chức và đưa ngành cá tra thành ngành sản xuất có điều kiện và phải xây dựng giá sàn, chất lượng sàn… không để tự phát như thời gian qua.

 
Câu chuyện thiết lập giá sàn cho cá tra đã từng được đề cập từ năm 2010, khi nhiều nông dân đòi “treo ao”, “bỏ nghề” vì giá thấp khiến nguồn nguyên liệu cá thiếu hụt trầm trọng. Doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, mỗi người một giá. Các doanh nghiệp nháo nhác đòi phải có giá sàn.

 

Cuối năm 2010, nhiều doanh nghiệp đồng thuận ký cam kết áp dụng giá sàn xuất khẩu cho năm 2011 là 3 USD/kg đối với cá tra thịt trắng (tăng 0,3 USD so với tháng 9/2010) và cá tra thịt đỏ là 2,05 USD/kg. Đến tháng 7/2011, giá sàn cá tra xuất khẩu lại được điều chỉnh thành 3,3 USD cho cá tra thịt trắng và 2,3 USD cho cá tra thịt đỏ (trừ thị trường Mỹ). Và giá sàn đối với việc thu mua nguyên liệu cá tra là 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân sẽ có lãi khoảng 3.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra tại thời điểm đó hoàn toàn khác với tuyên bố được đưa ra. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu đều mua cá của dân dưới giá sàn, kể cả cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hay cá quá lứa. Và chưa hết năm 2011, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đã phải thừa nhận, về cơ bản, giá sàn cho xuất khẩu cá tra đã thất bại.

 

Cần một “liều thuốc” hiệu quả

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Sản phẩm cá tra là thế mạnh của ĐBSCL, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, thế nhưng, người nuôi cá và doanh nghiệp luôn gặp khó. Nguyên nhân chính là do tình trạng bán phá giá liên tục xảy ra. Nhiều doanh nghiệp chào bán với giá thấp nên đã đẩy giá xuống tận đáy”.

Còn theo ông Mai Đăng Hòa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Saigon - Mekong, hiện nay, các doanh nghiệp ngoài chuyện thiếu vốn, còn tự cạnh tranh, giảm giá bán tạo ra phản ứng dây chuyền làm khó cả ngành chế biến cá tra.

Nguồn: Vasep

Hiện nay, cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi đang trông chờ vào việc thiết lập giá sàn trong thu mua và xuất khẩu. Ông Võ Văn Lượng - một hộ nuôi cá tra lâu năm ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, hầu hết các hộ nuôi cá tra đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì càng nuôi thì càng lỗ, nhưng nếu bỏ nghề thì lấy tiền đâu mà trả nợ. Nếu như, giá sàn chính thức được đưa ra thì có lẽ người nuôi cá như chúng tôi sẽ bớt khổ.

Mới đây, trước tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ngày càng giảm, hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu (chiếm trên 80% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam) đã thống nhất giá sàn định hướng để đưa giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đạt 2 - 2,2 USD/pound trong những tháng cuối năm.

Đây có thể được xem là thành công bước đầu trong việc thiết lập giá sàn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả việc áp dụng giá sàn thì cần phải có biện pháp chế tài hữu hiệu, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đề xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu thấp hơn giá sàn cần phải xử lý bằng cách bắt các doanh nghiệp này nộp khoản tiền chênh lệch âm giữa giá sàn với giá bán, và khoản tiền này nên dùng để bổ sung Quỹ hỗ trợ phát triển cá tra.

 

>>  Năm 2009, một số chuyên gia đã đưa phương pháp định ra giá sàn với mức đề xuất cho giá sàn xuất khẩu cá tra fillet tại thị trường Mỹ là 3,3 USD/kg cho 100% net. Thị trường châu Âu được đề xuất ở mức thấp hơn là 2,75 USD/kg và thị trường Australia cũng tương tự giá như tại EU với 100% net. Tại thị trường Nga, giá sàn được đề xuất ở mức 1,75 USD/kg cho 100% net, bao gồm cả sản phẩm đóng gói nhỏ vào các siêu thị. Các nước khác theo sản phẩm tương tự để vận dụng như Ai Cập, Ukraina sản phẩm gần giống với thị trường Nga nên mức giá sàn cũng xấp xỉ như vậy.

- Tháng 9/2010, giá sàn xuất khẩu đối với cá tra thịt trắng là 2,7 USD/kg.

- Cuối năm 2010, nhiều doanh nghiệp đồng thuận ký cam kết áp dụng giá sàn xuất khẩu cho năm 2011 là 3 USD/kg đối với cá tra thịt trắng (tăng 0,3 USD so với tháng 9/2010) và 2,05 USD/kg cho cá tra thịt đỏ.

- Tháng 7/2011, giá sàn cá tra xuất khẩu lại được điều chỉnh thành 3,3 USD cho cá tra thịt trắng và 2,3 USD cho cá tra thịt đỏ (trừ thị trường Mỹ). Và giá sàn đối với việc thu mua nguyên liệu cá tra là 26.000 đồng/kg.


 

Hải Băng
Nguồn: thuysanvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập191
  • Hôm nay28,172
  • Tháng hiện tại981,984
  • Tổng lượt truy cập92,155,713
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây