Lãnh đạo Bộ TNMT đã lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về các TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ảnh:VGP/Thu Cúc |
Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lí 7 lĩnh vực gồm: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, thuỷ văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo; có tới 212 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lí của Bộ. Sau khi triển khai Đề án 30 của Chính phủ, Bộ đã thực hiện đơn giản hoá trên 30% thủ tục hành chính.
Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai đã bãi bỏ một số giấy tờ không cần thiết, qui định giảm thời gian thực hiện một số thủ tục (đăng kí cấp giấy chứng nhận lần đầu không quá 30 ngày, cấp đổi giấy chứng nhận không quá 10 ngày)… Trong lĩnh vực môi trường, đã bỏ cam kết bảo vệ môi trường, giới hạn các đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… Trong lĩnh vực khoáng sản, đã giảm số thủ tục hành chính từ 52 xuống còn 34, bãi bỏ giấy phép khảo sát, giấy phép chế biến khoáng sản…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ ra những điểm bất cập trong công tác cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thủ tục hành chính dù đã được cải cách khá sớm, nhưng vẫn gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí và phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của VCCI, hiện nay, có 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp là đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường.
Trưởng ban Pháp chế VCCI, Đậu Anh Tuấn cho biết, tài nguyên môi trường là cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên thứ 4 (sau cơ quan thuế, quản lý thị trường và an toàn phòng chống cháy nổ), nhưng thực tế lĩnh vực này lại thường gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính về đất đai.
Cụ thể, nếu như năm 2010, tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 36% thì đến năm 2013 con số này đã lên tới 55%.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, thủ tục hành chính đang là trở ngại chính đối với các doanh nghiệp khi mở rộng mặt bằng sản xuất. Cùng với đó, thủ tục tiến hành đánh giá tác động môi trường nhiều khi cũng mang tính hình thức mà chưa thực chất.
Ví dụ như thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại chưa thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp không ký được hợp đồng với bất kỳ một doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại nào (do không có doanh nghiệp loại này hoạt động trên địa bàn), vì thế họ phải mang đi tỉnh khác xử lý, khiến chi phí gia tăng.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng, hiện nay các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai gây khó cho doanh nghiệp, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Để có quyết định giao đất, doanh nghiệp phải lo thủ tục ở 6 sở, ngành, trong đó tỉ lệ các thủ tục lặp lại là gần 100%.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Tuấn kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những "đột phá" trong việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa đánh giá tác động môi trường và duy trì ổn định chính sách, có biện pháp kiểm soát hoặc điều chỉnh giá thuê đất, tránh tăng quá nhanh hoặc đột ngột.
Thu Cúc
Nguồn: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã