Bà nói tiếp: "Nhà tôi có mẫu tư (1,4 mẫu ruộng), giờ cho thuê vài mẫu tôi cũng nhận tất."
Vụ xuân 2014, được sự giúp sức của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm KN-KN tỉnh Bắc Ninh, HTXNN xã Phú Lâm đã mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa (CGH) SX lúa.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết, để thực hiện CGH, từ năm 2013 địa phương đã mạnh tay dồn điền đổi thửa. Tiếp tục CGH đồng bộ. Chương trình hỗ trợ người nông dân các loại máy từ máy cấy, cày, gặt và máy phun thuốc trừ sâu. Đến nay, một số khâu trong CGH được hoàn chỉnh như làm đất, gieo mạ và gặt. Diện tích CGH toàn xã Phú Lâm đạt 4,2 ha.
Theo ông Thắng, lợi ích lớn nhất của CGH là giảm chi phí lao động, tăng nguồn thu nhập cho nông dân. Nếu như không dồn điền đổi thửa, chúng ta sẽ rất khó thực hiện CGH. Bên cạnh đó, khâu giống cũng rất quan trọng. SXNN chuyên canh theo vùng, chắc chắn hiệu quả, năng suất sẽ tăng cao. Trong thời gian tới, qua mô hình, xã sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, phấn đấu đến 2016 đạt CGH đồng bộ 100%.
Cái khó nhất hiện nay là xã có 5 HTX, nhưng còn 1 vài thôn chưa dồn điền đổi thửa. Khâu sau thu hoạch cũng chưa có máy sấy, người dân vẫn phơi tự do.
Đứng trên mảnh lúa nếp hơn 4 sào của gia đình, bà Nguyễn Thị Luyến phấn khởi ra mặt. Bà trầm trồ, đi từ ngạc nhiên đến thán phục chiếc máy gặt đập đang “gặm” lúa ầm ầm. Chiếc máy đi tới đâu, thóc “nhả” vào bao tới đó. Bà chỉ việc mang xe tới đầu bờ và chở thóc về nhà phơi phóng.
Bà Luyến tính nhoay nhoáy, nếu như gặt tay, mảnh này mất 1 triệu tiền công. Tiền tuốt lúa, mỗi sào 60 nghìn đồng, 4 sào mất 240 nghìn. Tổng chi phí cho khâu thu hoạch là 1 triệu 240 nghìn đồng.
“Giờ có máy gặt đập nhàn lắm chú à. 4 sào nhà tôi gặt máy chỉ mất 140 nghìn, tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng, trong khi chỉ việc đứng trên bờ và... nhìn”.
Nói đoạn, bà Luyến mở miệng bao thóc còn nóng hôi hổi, bốc một nắm cho chúng tôi xem. Thóc sau khi qua giàn thổi bụi của máy tương đối sạch. Cũng mảnh ruộng này, hằng năm bà Luyến chi 1 triệu tiền công cấy. Nhưng vụ xuân 2014, cấy bằng máy chỉ mất 620 nghìn, người lại nhàn tênh. Bà Luyến bảo, nhà có 1,4 mẫu ruộng, giờ dùng máy móc, có cho thuê thêm vài mẫu cũng nhận.
Theo Trung tâm KN-KN Bắc Ninh, khâu làm đất, hết năm 2013 tỷ lệ CGH đạt 80% diện tích gieo trồng, tăng 6,5% so với năm 2010. Trong đó, thị xã Từ Sơn và TP Bắc Ninh có tỷ lệ CGH cao, đạt 90% diện tích. Huyện thấp nhất là Lương Tài 60%. Toàn tỉnh có gần 5.000 máy kéo làm đất các loại.
TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, để triển khai tốt CGH cần có các bước triển khai cụ thể như đầu tư xây dựng mô hình trình diễn đại diện cho từng vùng sinh thái, từng loại cây trồng. Tổ chức các lớp tập huấn, thông tin tuyên truyền từ khâu tổ chức, xây dựng kế hoạch quản lý SX... |
Từ năm 2010 đến nay, Bắc Ninh đã đầu tư được 900 máy gieo rải hàng và 3 máy cấy nhãn hiệu Kubota SPW-48C của Nhật Bản. Tuy nhiên, diện tích gieo cấy bằng máy mới đạt 7.251 ha, chiếm 10% toàn diện tích SX.
Về khâu thu hoạch, Bắc Ninh có trên 7.000 máy tuốt lúa và 75 máy gặt đập liên hợp. Tỷ lệ CGH trong khâu thu hoạch đã đạt 100% diện tích. Diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 6% nhu cầu. Để bảo quản tốt nông sản sau thu hoạch, Bắc Ninh đã đầu tư 1 máy sấy cho Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh, xây dựng 54 kho lạnh, công suất bảo quản trên 2.000 tấn giống.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện, Cục Chế biến nông lâm thủy sản & nghề muối cho biết, CGH chủ yếu vào cây lúa đã góp phần giải quyết khâu lao động, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất, chất lượng và giảm tốt thất sau thu hoạch.
Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ CGH khâu làm đất toàn quốc đạt 90%, cao nhất là ĐBSCL 98%, thấp nhất là trung du miền núi phía Bắc thấp nhất 45%. Các khâu gieo, cấy đạt 30%, phun thuốc trừ sâu đạt 45%, tuốt lúa 95%, xay xát trên 95%...
Cả nước hiện có 3 DN chế tạo máy gặt đập liên hợp. Mỗi năm chế tạo được 1.000 chiếc, chất lượng ở mức khá, giá trung bình 360 triệu đ/chiếc. Về chế tạo máy tuốt lúa, ở phía Bắc chủ yếu tập trung ở cơ sở SX tại Xuân Trường -Nam Định. Mỗi năm, tại đây chế tạo được 6.000 chiếc. Những máy này không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước láng giềng.
Ông Vũ Văn Nga, TGĐ Cty CP Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình đề xuất xây dựng mô hình liên kết SX giữa nông dân và DN. Theo đó SX “cánh đồng khép kín - người nông dân làm chủ đích thực”. Mô hình SX phải có diện tích từ 20 ha trở lên, ruộng phải liền vùng, liền thửa, chủ động tưới tiêu.
Khi tham gia mô hình, người nông dân làm chủ thực hiện các khâu tiếp nhận vật tư phân bón và thuốc BVTV, chăm sóc lúa đúng quy trình kỹ thuật SX. Các khâu còn lại từ làm đất, gieo mạ, cấy, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ… là trách nhiệm của DN. Ông Nga cho rằng, mô hình sẽ giúp người nông dân giảm bớt gánh nặng, giảm công lao động và chi phí SX.
Kế Toại
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã