Ông Chương Văn Khanh (Út Anh) ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, có lẽ là một trong số ít người đoán trước được tình huống này, nói rằng mấy tháng cuối năm 2017, thị trường xuất khẩu tốt nên người mua làm hàng xuất, người nuôi cá để bán đều được hàng, được giá. Giá dẫn dắt số đông trở lại cuộc chơi.
Ông Út Anh có 5ha nuôi cá tra cung ứng theo hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI, phương thức nuôi gia công nên con giống có ý nghĩa số một trong chuỗi cung ứng. Cá tra đang giá cao kỷ lục 29.000 đồng/kg, người nuôi có lãi từ mức 6.000 đồng/kg trở lên. Từng được mệnh danh là “cù lao cá”, người nuôi cá tra ở Tân Lộc đã chịu đựng cảnh lên bờ xuống ruộng thăng trầm, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần bỏ ao chuyển sang nghề khác. Út Anh thuộc số bám trụ thực hiện hợp đồng gia công với doanh nghiệp tiêu thụ. Khi thị trường cá tra “sống lại”, ông biết cái khó nhất là làm sao tìm mua được cá giống đạt chất lượng tốt, nên từ lâu mắt xích con giống là giềng mối mà ông luôn giữ gìn.
Cá tra giống sẽ không theo kịp nhu cầu và khâu này cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: TL
Tháng trước, giá cá giống 50.000 đồng/kg (cỡ cá 30 con/kg) đến nay tăng vọt lên 70.000 đồng/kg.Nhiều người nuôi cá tra mới trở lại không tìm mua đủ cá giống nên vẫn còn ao để không, thà như vậy còn hơn. Nếu không sẽ khốn khó với con giống chất lượng kém.
Lâu nay, nguồn cung cá giống chủ yếu từ các cơ sở ương nuôi cá ở hai tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang, khi đắt hàng lúc dội chợ, vì khó đoán để bắt nhịp nguồn cung, nên thường xảy ra tình trạng cá giống mất cân đối cung – cầu. Có lúc cá tra giống dư thừa, từ cá bột ương nuôi tới lớn 2 – 3 phân mà không có người mua. Một chủ cơ sở ương nuôi nói: yếu tố chất lượng con giống phụ thuộc rất lớn vào đàn cá bố mẹ khoẻ và nguồn nước. Nếu con giống khoẻ mà nguồn nước ô nhiễm tỷ lệ hao hụt sẽ cao.
Ông Trần Ngọc Hải, từng sản xuất, cung ứng ổn định 100 tấn cá tra giống/năm (5 – 10 tấn/tháng) cho biết tỷ lệ ương nuôi cá bột lên cá giống hiện đạt rất thấp, khoảng 5 – 7%, và có đạt lắm cũng từ 10% trở xuống. Thông thường vào mùa khô tỷ lệ cá ương nuôi đạt cao hơn vào những tháng mùa mưa.
Khi người nuôi than phiền về tỷ lệ hao hụt tới 30 – 50%, thì nhu cầu hình thành trung tâm sản xuất, tạo nguồn cung cá giống chất lượng cao được đặt ra. Các nhà chuyên môn lĩnh vực thuỷ sản nước ngọt phân tích, muốn đảm bảo chất lượng con giống tốt cần có nhiều yếu tố. Trước tiên là thị trường tiêu thụ cá tra giống tương đối ổn định theo quy hoạch, kế hoạch sản xuất từ vùng nuôi. Từ đó có thể dự đoán, cân đối nguồn cung. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu thuỷ sản, để cung cấp nguồn con giống bố mẹ khoẻ và thiết kế vùng ao nuôi, ương cá có nguồn nước ao tốt, sạch...
Ông Út Anh, nuôi cá ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ.
Ông Trần Thái Nghiêm, giám đốc trung tâm Giống cây trồng vật nuôi, thuỷ sản TP Cần Thơ cho biết: hiện nay trung tâm có vùng sản xuất giống rộng 20ha, vừa nhập giống cá tra bố mẹ từ viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 về cho sinh sản, ương nuôi. Dự kiến từ tháng 5 – 6.2018 sẽ cung ứng giống ra thị trường. Năng lực sản xuất ước khoảng 8 triệu con giống/năm. Theo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), dự kiến năm 2018 xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch khoảng 1,85 tỷ USD. Năm 2017 xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so năm 2016. Nhu cầu giống vẫn là con số khó đoán định khi diện tích co dãn, hiện nay 100 cơ sở sinh sản nhân tạo cá tra và 1.900 hộ ương dưỡng ca giống với diện tích 1.500ha, sản lượng cá bột sản xuất khoảng 16 tỷ con/năm. Đến năm 2025, nhu cầu cá giống sẽ tăng 2,45 – 2,8 tỷ con. Trong khi hệ thống cung cấp của nhà nước không đáp ứng, thì mạng lưới nhân giống tư nhân rất cần được hỗ trợ, nâng cấp, chuẩn hoá; nhưng một số địa phương chưa coi tác nhân này là khúc ruột, dù ai cũng nói xã hội hoá.
Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Hùng Vương, từng nhận định: một điểm yếu của ngành hàng này chưa được quan tâm nhiều là số lượng và chất lượng con giống. Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn lời ông Minh: “Mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)cần hơn 30 tỷ cá tra bột để ươm giống để phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu; nhưng khâu này chưa được quan tâm, dẫn đến mạnh ai nấy làm, chất lượng con giống không bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu”.
Tuy nhiên, theo phân tích của các doanh nghiệp, tình trạng cá tra đang khan hiếm cả con giống lẫn nguyên liệu, nếu người nuôi không tỉnh táo, tập trung đầu tư phong trào như cách đây hai ba năm về trước, sẽ rất rủi ro. Hiện nay, việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang gặp thuận lợi, nhưng thị trường này luôn đầy bất trắc tiềm ẩn. Bằng chứng là tuy Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhập cá tra Việt Nam, nhưng có ít doanh nghiệp bán trực tiếp vào đây, còn lại chủ yếu là thương nhân Trung Quốc sang tận vùng nuôi, bỏ tiền thuê các nhà máy đi mua gom, sau đó làm gia công cho họ xuất về. Hiện tượng mua bán theo kiểu này, dễ dẫn tới tình trạng đến một lúc nào đó, các thương nhân Trung Quốc bắt tay nhau làm giá, chèn ép người nuôi.
“Chúng tôi có nhiều khách hàng là người Đài Loan, người Trung Quốc, họ ăn, ở TP.HCM. Hàng ngày đi về giữa ĐBSCL và TP.HCM để thu mua cá tra. Tôi nghĩ nếu chúng ta không tỉnh táo, một ngày nào đó họ sẽ khiến người nuôi lỗ nặng”, giám đốc một doanh nghiệp khẳng định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;