Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, giá lợn (heo) hơi hôm nay tương đối ổn định, không có biến động nhiều so với ngày hôm qua, nhưng nếu so với cùng kì tháng 9 thì giá lợn hơi cả nước đã giảm trung bình từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giảm tới 5.000 đồng/kg.
Theo các chủ trang trại ở Ninh Bình, với giá lợn hiện tại khoảng 27.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg. Ảnh: Phạm Quân
Cụ thể, giá lợn hơi hôm nay tại các tỉnh miền Bắc dao động ở mức 26.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá heo hơi bình quân hôm nay tăng khoảng 500 đồng. Trong đó có Bình Định và Hà Tĩnh giá heo tăng lần lượt là 1.000 đồng và 500 đồng/kg. Hiện tại giá heo hơi ở khu vực này đang dao động ở mức 26.000 đồng đến 30.000 đồng.
Giá heo hơi tại miền Nam hôm nay cũng chỉ dao động ở mức 25.000 - 27.000 đồng/kg. Trong vài ngày qua, giá heo hơi tại thị trường Đồng Nai - địa phương cung ứng thịt heo lớn nhất cho TP.HCM xuống ở mức thấp, chỉ đạt 25.000 đồng/kg đối với heo thường, còn heo đẹp loại 1 cũng chỉ đạt khoảng 27.000 - 28.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Bá Tân, chủ trang trại heo Tân Tiến tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, những ngày qua thương lái liên tục ép giá heo. Với 100kg heo hơi, người nuôi đang phải chịu lỗ gần 1 triệu đồng. “Họ nói do lò mổ Xuyên Á bị tạm dừng hoạt động, phải chuyển heo sang lò mổ khác nên chi phí tăng lên. Dù biết bị ép giá nhưng tôi cũng phải bán mấy chục con tới lứa, chứ nếu để nuôi tiếp thì chỉ thêm lỗ”, anh Tiến lo lắng.
Như vậy, so với thời điểm trước khi xảy ra vụ hàng ngàn con heo bị phát hiện chích thuốc an thần chờ giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, TP.HCM, giá heo hơi hiện tại ở Đồng Nai đang giảm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Một trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai đạt tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh. Ảnh: I.T
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, so với tháng 9.2017, giá lợn hơi trong tháng 10.2017 có xu hướng giảm tại nhiều vùng trên cả nước. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg xuống còn 26.000 - 30.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg, hiện dao động từ 28.000 – 29.000 đồng/kg.
Tương tự, tại miền Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm sau sự kiện cơ quan chức năng phát hiện lợn bị tiêm thuốc an thần tại TP Hồ Chí Minh khiến giá lợn hơi ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An… giảm từ 2.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn trung bình từ 25.000 – 28.000 đồng/kg.
Theo lí giải của Bộ NNPTNT, do giá thịt lợn trong tháng vẫn ở mức thấp, chưa đủ để hòa vốn, trong khi các chi phí chăn nuôi không giảm khiến người chăn nuôi lợn khó khăn và nhiều hộ nhỏ lẻ đã phải treo chuồng. Các gia trại, trang trại vẫn tiếp tục nuôi nhưng đều có xu hướng giảm quy mô đàn. Đàn lợn cả nước ước tính đến tháng 10 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Muốn xuất khẩu thịt lợn, Việt Nam cần những điều kiện gì?
Theo TS.Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, việc xuất khẩu thịt lợn chúng ta có nhiều tiềm năng, nhưng không thể trông chờ vào hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà phải do các doanh nghiệp lớn đảm đương. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi heo của Việt Nam hiện nay mới chủ yếu tập trung khâu sản xuất, chưa quan tâm đầu tư tới khâu giết mổ, chế biến nên rất bấp bênh. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Trong đó, để xuất khẩu chính ngạch được sang thị trường Trung Quốc cũng không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Thậm chí họ có thể yêu cầu chúng ta phải đánh đổi bằng việc mở cửa cho họ xuất khẩu vào nước ta một số loại nông sản khác. Với các vùng chăn nuôi, không thể tăng đàn ồ ạt được. Các nước có nền sản xuất tiên tiến trên thế giới đều quy định: Để mở một trong trại chăn nuôi lợn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe, nhất là về môi trường và họ khống chế số lượng gia súc trên một đơn vị diện tích. Trong khi ở nước ta, việc chăn nuôi hầu như tự phát, chỗ nào có đất là nông dân xây chuồng, nuôi bao nhiêu cũng được" - ông Sơn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, trước mắt ngành chăn nuôi không nên lao vào xuất khẩu sản phẩm thịt tươi sống ngay, kể cả với thị trường Trung Quốc vì ngay cả Thái Lan cũng chưa làm được, mà nên tập trung vào thịt chế biến, cấp đông. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng cần nhanh chóng sát cánh cùng doanh nghiệp, đơn vị nào có nhu cầu xuất khẩu thật sự thì sau khi có đàm phán của Cục Thú y với các nước, các doanh nghiệp có thể làm đề án gửi cho Cục và xử lý từng vấn đề một.
Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Chăn nuôi lợn của Việt Nam còn nhiều yếu kém và con đường xuất khẩu vẫn còn quá xa vời nếu không tổ chức lại toàn bộ khâu sản xuất. Theo đó, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, cụ thể là sản phẩm thịt lợn, cần đáp ứng 3 điều kiện: Chứng minh được rõ ràng nguồn gốc; đảm bảo không có dịch bệnh; chất lượng tốt và giá bán cạnh tranh.
"Nhìn lại ngành chăn nuôi lợn Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được các điều kiện này. Ví dụ giá thành thịt lợn hơi của nước ta hiện đang cao hơn Thái Lan 8.000 đồng/kg; cao hơn Trung Quốc 7.000 đồng/kg; cao hơn gấp 1,5 lần so với Hoa Kì, Đan Mạch..." - đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà cho hay.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;