Nên cố định thuế suất nhập khẩu
Theo đại diện Công ty Hóa dầu Quân đội, khi tham gia vào thị trường xăng dầu, doanh nghiệp (DN) mới thấy thị trường này như ma trận như đánh bạc vì có quá nhiều biến số ảnh hưởng đến giá như: biến động giá thế giới, thuế nhập khẩu, trích lập và sử dụng Quỹ BOGXD, giá bán lẻ… khiến DN cảm thấy khó trong kinh doanh. Do đó, cơ chế chính sách cần phải đơn giản đừng để quá nhiều biến số. Chẳng hạn như nên quy định thuế nhập khẩu ổn định 6 tháng hoặc một năm đảm bảo ngân sách vừa bớt một ẩn số để DN có thể dễ dàng hơn trong tính toán kinh doanh.
Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA, cũng cho rằng, thuế nhập khẩu nên ổn định trong một năm vì Quốc hội quyết định giá bình quân xăng dầu của cả năm thì cũng có thể áp thuế tuyệt đối và sẽ biết số tiền ngân sách thu được trong một năm là bao nhiêu. Việc áp thuế như vậy sẽ không còn khiến nhiều thời điểm thuế nhập khẩu can thiệp vào bình ổn giá một cách khó hiểu. Việc ấn định thuế suất cũng không vi phạm nguyên tắc của WTO và hiện nhiều nước như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Singapore đang áp dụng. Khi thuế đã ổn định không còn biến động trong giá thì quyền quyết định giá của DN sẽ minh bạch, dễ kiểm soát và hải quan cũng không lo DN tìm cách trốn thuế.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho biết, kiến nghị áp thuế suất tuyệt đối đã được DN này kiến nghị lên Bộ Tài chính gần 10 năm trước và Bộ Tài chính cũng thấy hợp lý nhưng không có thay đổi. Cái lợi của việc này là hàng năm ngân sách ấn định được khoản thu và điều quan trọng là tất cả những bất cập liên quan tạm nhập tái xuất xăng dầu sẽ không còn. Điều ngạc nhiên là việc này sẽ giảm thiểu cơ chế hành chính nhưng lại không làm.
Giá xăng cần được điều chỉnh sát với giá thị trường thế giới. Ảnh: Cao Thăng |
Lạm dụng quỹ khiến xăng dầu tăng nhanh, giảm nhỏ giọt?
Theo ông Phan Thế Ruệ, việc vận hành Quỹ BOGXD vừa qua khiến nhiều người nghĩ sai theo hướng là phải dùng để bình ổn giá một thời gian trong khi việc bình ổn nên được thực hiện theo nguyên tắc chỉ bình ổn khi giá xăng dầu vượt quá biên độ mong muốn. Nếu giá xăng chỉ tăng thêm 10 USD mà đã dùng là lạm dụng Quỹ BOGXD và như thế là “chết doanh nghiệp, người dân”. Việc hình thành, quản lý quỹ này hiện nay, ở góc độ người dân là không minh bạch. Thể hiện ở việc trong khi giá xăng phải giảm 1.000 đồng/lít nhưng chỉ giảm 700 đồng vì 300 đồng còn phải trích quỹ. Còn khi tăng, giá xăng thật ra chỉ có thể tăng 1.000 đồng/lít nhưng lại tăng 1.300 đồng/lít. Bộ Tài chính, Bộ Công thương hướng dẫn vấn đề này chưa đến nơi đến chốn. Nếu sắp tới vẫn duy trì quỹ này thì nghị định cần quy định cụ thể, rõ ràng mà không cần hướng dẫn, bởi nếu không là chết cơ chế.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dầu khí Đồng Tháp, cũng cho rằng, cách điều hành với quỹ vừa qua cần phải xem xét lại. Mức trích quỹ thì 300 đồng/lít nhưng khi sử dụng luôn phải 1.200 đồng/lít để kiềm chế giá gây ra quỹ tại nhiều DN bị âm. Do vậy, cần xem xét việc sử dụng ở mức độ nào khi thế giới có biến động. Nếu xăng dầu đã theo nguyên tắc thị trường thì nên chăng không phải lúc nào cũng trích quỹ khiến giá bán lẻ tăng lên.
Chỉ nên để giá biến động vài trăm đồng/lít
Trong 3 phương án về giá, theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), khi đưa ra lấy ý kiến, nhiều quan điểm ủng hộ phương án 1 dựa trên Nghị định 84 hiện hành và có cải tiến. Theo phương án này, thời gian điều chỉnh giá là 15 ngày (tối thiểu đối với tăng giá và tối đa với giảm giá), thay vì 10 ngày như hiện nay.
Việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu thực hiện khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành thì thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế nhập khẩu, Quỹ BOGXD... thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần giảm giá.
Về tăng giá, trường hợp yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 5% đến 10% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5%, cộng thêm 60% phần tăng thêm của mức giá cơ sở tăng trên 5% đến 10%, 40% còn lại được sử dụng Quỹ BOGXD để bù đắp. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Cơ bản đồng tình với phương án 1 nhưng đại diện VINPA và một số DN cho rằng nên quy định mức biến động giá cơ sở trong khoảng 3% so với giá bán lẻ hiện hành thì DN được quyền chủ động tăng giá ở mức thấp và như vậy người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn và không ảnh hưởng nhiều đến giá cả tiêu dùng như mức 5%. Cùng với đó là thời gian điều chỉnh tối thiểu đối với tăng giá và tối đa với giảm giá là 10 ngày để giá theo sát diễn biến thị trường hơn.
HÀ MY
theo sggp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;