Vấn đề giống
Từng có nhiều kỳ vọng vào đàn cá tra bố mẹ hậu bị thế hệ F1, khoảng 101.000 con, được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chuyển giao cho 63 trại giống ở ĐBSCL từ năm 2011. Cuối năm 2016, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận xét, đàn cá đó “ước chiếm 60% số lượng cá bố mẹ đang cần. Tuy nhiên, về hiệu quả của chương trình này chưa được tổng kết đánh giá nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”.
Tỉnh Đồng Tháp nhận nhiều nhất, 82.960 con cá bố mẹ trong năm 2011 và đầu năm 2012. Đến nay, hao hụt mất 32.851 con (39,6%), còn lại 50.109 con đang nuôi ở 36 cơ sở. Những cơ sở này chưa được kiểm tra đánh giá cụ thể mà qua kiểm tra chung tất cả các cơ sở sản xuất giống, theo Chi cục Thủy sản tỉnh này, còn nhiều hạn chế. Năm 2016, kiểm tra chất lượng con giống ở 76 cơ sở sản xuất, kinh doanh phát hiện người quản lý nhiều cơ sở chưa có bằng cấp chuyên môn và chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa về giống thủy sản.
Tỉnh Hậu Giang nhận 1.216 con, giao cho một cơ sở tư nhân và Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, hao hụt mất gần 20%. Quá trình nuôi, không đầu tư chăm sóc riêng được nên cơ sở tư nhân đã nhập đàn cá hậu bị vào đàn cá hiện có nên không đánh giá được hiệu quả. Còn 802 con ở Trung tâm Giống cũng không nuôi được, phải chuyển cho một doanh nghiệp đưa về tỉnh Đồng Tháp nuôi.
Tỉnh An Giang nhận 9.986 con, bắt đầu cho sinh sản từ năm 2013. Hiện đàn cá đã rất lớn, bình quân 7 - 8 kg/con, cá biệt có con nặng tới 13 kg. Theo quy định, cá sinh sản giống phải trong 3 - 8 tuổi, vì vậy một số cơ sở đã loại bỏ dần những con cá lớn và cá đực. Đàn cá nay còn 3.969 con (bằng 39,7% số lượng nhận về) đang sinh sản giống. Tỷ lệ quá nhỏ so với tổng đàn cá bố mẹ đang sinh sản giống ở An Giang là 17.300 con.
Bộ NN&PTNT cho biết, các địa phương, doanh nghiệp đều phản ánh hiện nay chất lượng giống cá tra rất kém so với trước đây. Tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lên đến 30 - 40%, đặc biệt hao hụt nhiều ở tháng nuôi đầu tiên.
Liên kết yếu
Năm 2016, thành phố Cần Thơ nuôi cá tra ở 698 ha mặt nước. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Thanh Hải cho biết: “Đến nay, trên địa bàn thành phố có 6 hợp tác xã nuôi cá tra với diện tích trên 132,5 ha, 43 hộ liên kết với các nhà máy nuôi 144 ha; 8 doanh nghiệp nuôi 175,2 ha. Còn 80 hộ nuôi đơn lẻ nuôi diện tích 246,3 ha”. Như thế, diện tích nuôi chưa liên kết chiếm 35,2% tổng diện tích nuôi cá.
Tỉnh Bến Tre nuôi 760 ha, trong đó, các doanh nghiệp nuôi 94,6%; còn lại của 9 hộ. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội than thở: “Các hộ nuôi 41 ha khá nhỏ lẻ so với các doanh nghiệp nên vận động xây dựng lại chuỗi liên kết gặp rất nhiều khó khăn”.
Ở tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang còn yếu hơn. Vĩnh Long nuôi 257 ha, trong đó, 177 hộ nuôi 198 ha (77% tổng diện tích) không liên kết với nhà máy chế biến. Hậu Giang có gần 95 ha, trong đó, 6 doanh nghiệp nuôi hoặc liên kết nuôi 29 ha, còn 178 hộ nuôi gần 66 ha (hơn 69% tổng diện tích) không có hợp đồng liên kết.
Hai tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL là Đồng Tháp và An Giang, thực hiện thí điểm tín dụng cho vay theo chuỗi sản phẩm từ năm 2014, đến nay chưa tổng kết đánh giá hiệu quả. Ở tỉnh Đồng Tháp, ngân hàng cho nhóm Công ty Hùng Cá vay đến ngày 31/12/2015, lũy kế 4.537 tỷ đồng, dư nợ 1.207 tỷ đồng và từ tháng 1/2016, kết thúc cho vay thí điểm chuỗi. Còn ở tỉnh An Giang, ngân hàng cho Công ty Thuận An vay 234,7 tỷ đồng để liên kết với 8 hộ nuôi 40 ha, nay đang mở rộng ra 30 hộ nuôi 72 ha với tiền vay 416 tỷ đồng, còn ít so với nhu cầu của địa phương.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, liên kết giữa nhà máy với người nuôi cũng còn kém bền vững; có doanh nghiệp sau khi thu hoạch xong, không đầu tư lại cho người nuôi vụ tiếp theo. Thực trạng liên kết yếu, năm 2016 có nhiều tháng giá cá nguyên liệu dưới giá thành nên các hộ nuôi rất khó khăn.
Sản phẩm đơn điệu
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện, khoảng 11,43% sản lượng cá tra tiêu thụ trên thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu có 35 loại, trong đó, cá tra đông lạnh chiếm 98,89%, cá tra chế biến (cá tra tẩm gia vị, tẩm bột, cuộn hoa hồng, xiên que) chỉ chiếm 1,11% tổng giá trị xuất khẩu. Điều nàyđặt ra yêu cầu bức bách cho ngành sản xuất cá tra thoát khỏi tình trạng xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô như hiện nay, mà phải đa dạng sản phẩm, có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Để có sản phẩm mới cần đầu tư công nghệ chế biến và thị trường, đòi hỏi vốn không nhỏ.
Nhưng vốn lại đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Hiệp hội Cá tra cho biết, khó khăn kéo dài từ các năm qua đã làm cho một số doanh nghiệp đến nay gần như cạn kiệt, thiếu vốn hoạt động, sản xuất cầm chừng. Các nỗ lực tái cấu trúc sản phẩm cá tra, ứng dụng công nghệ cao chế biến sản phẩm mới ở các doanh nghiệp dẫn đầu ngành vẫn tự thân vận động tài chính để dần chuyển đổi. “Chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khoa học công nghệ không đi vào thực tiễn đối với ngành cá tra”, báo cáo cuối năm 2016 của Hiệp hội Cá tra viết.
Giải pháp cho năm 2017:
- Nâng cao chất lượng giống cá tra: Đánh giá về đàn cá tra chọn giống của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã đưa về địa phương; tiếp tục nghiên cứu chọn giống theo hướng tăng trưởng, kháng bệnh và khả năng chịu mặn để đưa nhanh vào sản xuất.
- Khuyến khích phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao để cải thiện hình ảnh và giá trị của sản phẩm cá tra Việt Nam
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;