Học tập đạo đức HCM

Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ Liên kết, hợp tác, cùng phát triển

Thứ sáu - 05/12/2014 08:36
Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản, thuỷ hải sản cho người nông dân các địa phương này tại Hà Nội. Ngược lại, Hà Nội sẽ đưa hàng hóa của các doanh nghiệp về vùng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đây là nội dung được thống nhất sau chuyến thăm của Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu tại ba tỉnh từ ngày 29-11 đến 1-12.

 

Ba địa phương mà đoàn lãnh đạo TP Hà Nội đi thăm lần này đều có thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực, là đầu mối giao thông quan trọng trong nước và kết nối với nước bạn Lào, có bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu... Với diện tích tự nhiên 16.487 km2 lớn nhất cả nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh…, tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung khai thác thế mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối tháng 11, tỉnh hoàn thành 24 trong số 27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; GDP ước tăng 7,24%, thu ngân sách đạt 7.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người, tăng 8,9% so với năm 2013. Trong quá trình phát triển, Nghệ An và Hà Nội đã có mối quan hệ gắn kết đặc biệt. Chỉ riêng giai đoạn 2010-2014, có 53 dự án của các doanh nghiệp Hà Nội đầu tư tại Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 20.354 tỷ đồng, chủ yếu ở các lĩnh vực: thủy điện, trồng rừng, bất động sản, thương mại, siêu thị, hạ tầng giao thông, y tế, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi… Trong đó, các đơn vị thuộc Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội đã xây dựng, đưa 1.550 căn hộ, 120 nghìn m2 sàn xây dựng vào sử dụng tại địa phương; Tổng công ty Dệt may Hà Nội góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 800 công nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, khu kinh tế Vũng Áng của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt là một trong năm khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia. Với diện tích 22.781ha, khu kinh tế này được xác định là nền tảng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Hà Tĩnh và từng bước trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả khu vực cũng như quốc gia, với các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: nhiệt điện, thép, lọc hóa dầu, dịch vụ cảng biển. Đến nay, đã có hơn 220 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 25 tỷ USD. Hà Tĩnh còn có khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo… Đây chính là những tiềm năng, lợi thế, lĩnh vực mà Hà Nội có thể đẩy mạnh hợp tác, đầu tư. Từ năm 2010 đến nay, hoạt động hợp tác đầu tư giữa Hà Nội và Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện tại, các nhà đầu tư Hà Nội đã đầu tư 39 dự án tại Hà Tĩnh với số vốn gần 28 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án lớn mang dấu ấn Hà Nội đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh như: Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng của Tổng công ty Dầu Việt Nam; Tổng khu Khí hóa lỏng Bắc Trung Bộ của Công ty cổ phần Khí hóa lỏng miền bắc; chợ Hội - Cẩm Xuyên; Nhà máy que hàn; Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh… Thời gian tới, sau khi hai địa phương đã thống nhất chủ trương, cụ thể hóa bằng các kế hoạch hợp tác, Hà Tĩnh hy vọng sẽ đón ngày càng nhiều doanh nghiệp Thủ đô vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20 nghìn km2. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên đã hình thành trên mảnh đất này nhiều danh lam, thắng cảnh nhất là di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cùng một hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ngoài ra, đường biên giới dài với nước bạn Lào, hai khu kinh tế: Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và biển Hòn La, tám khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt hứa hẹn sẽ tạo nên những lợi thế cho Quảng Bình bứt phá. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh đề nghị TP Hà Nội mời gọi các doanh nghiệp Thủ đô, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nhất là đầu tư khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các thành viên trong đoàn đã đến thăm Xí nghiệp May Hà Quảng - một đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty May 10. Hiện xí nghiệp có hơn 1.000 lao động và sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn hai, dự kiến sản xuất mỗi năm hơn 10 triệu sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản. Năm 2014, Xí nghiệp đạt doanh thu 107 tỷ đồng, thu

nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả đầu tư, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đến từ Thủ đô trên mảnh đất quê hương mẹ Suốt.

Việc Thủ đô Hà Nội tăng cường liên kết, hợp tác với khu vực này có ý nghĩa quan trọng, sẽ kích cầu tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mỗi địa phương. “TP Hà Nội luôn mong muốn mở rộng liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm huy động các nguồn lực xây dựng, phát triển Thủ đô, đồng thời góp phần vào sự phát triển của các địa phương” - Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định. Trong thời gian tới, Hà Nội và ba tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa; xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất khai thác và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa; tăng cường trao đổi hai chiều các mặt hàng nông sản, nhất là rau sạch và thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về truyền thông...

Trên cơ sở thống nhất chủ trương tăng cường liên kết, hợp tác, lãnh đạo TP Hà Nội và ba tỉnh giao các ngành chức năng sớm cụ thể hóa những nội dung hợp tác trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định quan điểm, điều gì có lợi cho các tỉnh, TP Hà Nội sẽ cố gắng làm hết sức, làm tốt để tham gia góp phần vào sự phát triển chung của các địa phương và đất nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Chắc chắn sau chuyến đi này sẽ có nhiều kế hoạch, nhiều cuộc làm việc để cụ thể hóa nội dung liên kết, hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước và các tỉnh Bắc Trung Bộ ngày càng giàu đẹp, hiện đại.

Hương Hà
Nguồn nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập443
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại871,458
  • Tổng lượt truy cập92,045,187
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây