Khu kinh tế Vũng Áng - “Thỏi nam châm” thu hút đầu tư. Trong ảnh là lãnh đạo Hà Tĩnh dẫn Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Xỏn Xay Xỉ-phăn-đon tham quan cảng Vũng Áng. Mục tiêu rõ, cơ chế hấp dẫn... Theo nhiều chuyên gia, trong chiến lược phát triển bền vững, Hà Tĩnh đã sớm xác định rõ các mục tiêu: Thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng sớm trở thành KKT động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế; tập trung thu hút đầu tư vào KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo...; phát triển nhanh các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực. Cùng với đó, từ sự tham mưu có hiệu quả của các ban, ngành..., Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách trong thu hút, hỗ trợ đầu tư; phát triển doanh nghiệp (DN) và khuyến khích SXKD. Chính sách về hỗ trợ thành lập mới DN, hỗ trợ tín dụng, các chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ đầu tư ngoài hàng rào dự án, chính sách thu hút đầu tư vào các KKT, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…, trong thời gian qua của tỉnh đã tạo sức hút lớn đối với nhiều nhà đầu tư.
Một góc lò cao số 1 của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Theo ông Trần Tú Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, việc thành lập và đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh vào hoạt động trong năm 2017 đã góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và người dân... Mùa xuân và trái ngọt Đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước đã đầu tư vào Hà Tĩnh. Các tập đoàn: Dầu khí quốc gia Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Dabaco, Formosa (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản)… đã tin tưởng chọn Hà Tĩnh để đầu tư và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Hà Tĩnh tăng cường cải cách hành chính tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp trong khâu hồ sơ, thủ tục Nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả kinh tế cho DN, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I; Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh công suất 70 triệu lít/năm; Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh; Trung tâm Thương mại, Văn phòng và nhà ở Vincom Hà Tĩnh; tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót; các cầu cảng tại cảng Vũng Áng... là những ví dụ điển hình. Các dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa; Nhà máy Sản xuất gỗ ván ép MDF, HDF và gỗ ván thanh - Thanh Thành Đạt… đang triển khai đúng tiến độ. Trong năm 2017, nhiều dự án lớn, điển hình được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Hà Tĩnh: Nhà máy điện mặt trời (có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.458 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất phân bón Hoành Sơn tại KKT Vũng Áng (1.445 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái biển Xuân Hội (1.261 tỷ đồng); Trung tâm thương mại, khách sạn Villa BMC - Việt Trung (1.230 tỷ đồng); khôi phục bến Giang Đình và chợ Giang Đình (256,5 tỷ đồng); khu chăn nuôi lợn giống DABACO Hà Tĩnh (280 tỷ đồng); quần thể du lịch sinh thái Xuân Thành (306 tỷ đồng);… phần nào cho thấy sức hấp dẫn của Hà Tĩnh đối với các nhà đầu tư. Chỉ trong năm 2017, Hà Tĩnh đã thu hút được 82 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 8.800 tỷ đồng, tương đương 400 triệu USD. Hiện Hà Tĩnh có trên 746 dự án, trong đó có 677 dự án trong nước với số vốn đầu tư hơn 101.600 tỷ đồng và 69 dự án FDI với số vốn trên 11,631 tỷ USD. Với những chiến lược dài hơi này, Hà Tĩnh hiện có 17 nước và vùng lãnh thổ vào đầu tư và là tỉnh đứng thứ 8 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo Trọng Tuệ/baohatinh.vn |