Đầu năm đã có nhiều đơn hàng mới
Trong số 40 tỷ USD kim ngạch mục tiêu của năm 2018, Bộ NNPTNT dự kiến các mặt hàng nông sản chính sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD, dựa trên cơ sở tình hình XK trong năm 2017 tương đối thuận lợi. Điển hình có thể kể đến là mặt hàng điều nhân. Năm 2017, ngành điều Việt Nam đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, XK nhân điều.
Riêng mặt hàng tôm, kim ngạch XK trong năm 2017 đã đạt 3,9 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2016.
Ảnh: Nguyễn Huế
Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, năm 2018 Hiệp hội sẽ áp dụng nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất điều xanh và sạch hơn, giải quyết các vấn đề về sâu bệnh trên cây điều, thúc đẩy chế biến sâu, phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ XK để đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 3,5 - 3,7 tỷ USD.
Đáng chú ý, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, hiện nay nhiều đơn hàng tiêu thụ hạt điều đã được ký cho đến giữa tháng 4.2018. Tại thị trường Mỹ, hạt điều được đánh giá là đồ ăn nhẹ lành mạnh, đang được các DN nước này tích cực chế biến để trở thành sản phẩm thay thế cho bơ và sữa.
Tại Ấn Độ - nơi tiêu dùng hạt điều lớn nhất, một bộ phận tầng lớp trung lưu cũng rất ưa thích việc thêm hạt điều vào các loại bánh, kẹo và đồ ngọt phục vụ các buổi tiệc.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo ngay trong tháng 1.2018 đã có những bước tăng trưởng nổi bật. Theo Bộ NNPTNT, ước tính khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1 đạt 524.000 tấn với giá trị 249 triệu USD, tăng 56,5% về khối lượng và tăng tới 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu. Ảnh: T.L
Giá gạo XK cũng có dấu hiệu tăng đáng kể. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng 45 USD/tấn trong tháng 1, từ mức 390 – 395 USD/tấn lên 420 – 430 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn). Mức tăng này còn cao hơn cả mức tăng đối với gạo XK của 2 đối thủ lớn là Ấn Độ và Thái Lan, do Việt Nam đang có nhiều triển vọng thương mại gạo với Philippines, Indonesia và Trung Quốc.
Cụ thể, trong đợt mở thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo hồi giữa tháng 1.2018 của Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia, Việt Nam đã trúng thầu với khối lượng lớn nhất là 141.000 tấn, tiếp đó là Thái Lan với 120.000 tấn, Pakistan 65.000... Giá trúng thầu (giá C&F) của Việt Nam là 466 USD/tấn (lô 70.000 tấn) và 464 USD/tấn (lô 71.000 tấn).
Mặc dù XK gạo không còn là “con át” chủ bài đối với kim ngạch XK nông sản của nước ta như trước, nhưng sự tăng trưởng trên đã mang đến những luồng gió tích cực cho sản xuất trong nước. Theo đó, giá gạo XK tăng đã kéo theo giá lúa gạo nguyên liệu tại vựa lúa ĐBSCL tăng khoảng 350-650 đồng/kg từ đầu năm đến nay.
Lúa khô tại kho loại thường hiện dao động từ 6.150– 6.250 đồng/kg (+450 đồng), lúa dài khoảng 6.350 – 6.450 đồng/kg (+350 đồng); gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm 8.300 – 8.400 đồng/kg (+500 đồng), loại làm ra gạo 25% tấm là 7.900 – 7.800 đồng/kg (+650 đồng).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 sẽ có những khó khăn, thách thức từ những diễn biến khó lường, bất ổn của tình hình quốc tế. Cụ thể như: Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU... có thể thay đổi nhanh và tác động đa chiều; căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi... Nguồn cung nông sản toàn cầu tiếp tục tăng, trong khi nhiều nước đang hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng,... |
Nhiều kỷ lục mới
Năm 2017 cũng là năm ngành nông nghiệp đã xác lập nhiều dấu mốc kỷ lục mới: XK thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8,32 tỷ USD, XK đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch XK ngành hàng rau quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 40,5%, bỏ xa mặt hàng gạo (khoảng 2,6 tỷ USD).
Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2017.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) phân tích: “Nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới được dự báo tăng tích cực. Chính vì vậy, kỳ vọng đạt kỷ lục mới về XK rau quả có tính khả thi trong điều kiện nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu bền vững theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển các loại rau và hoa không dùng đất, nông sản không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, tăng cường bảo quản và chế biến...”.
Tương tự, đối với thuỷ sản, nếu như đầu năm 2017 ngành này còn dè dặt đặt mục tiêu XK đạt 7,4 tỷ USD thì cuối năm 2017 đã cán mốc 8 tỷ USD khi nhiều thị trường XK mới ghi nhận sự tăng trưởng đột phá.
Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,3% tổng giá trị XK thủy sản.
Xuất khẩu tôm, cá tra, rau quả, đồ gỗ và sản phẩm gỗ... được dự báo sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2018. Ảnh minh hoạ
Kết quả này là nhờ các doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm sạch, đồng thời đẩy mạnh việc tìm kiếm thêm các thị trường mới đối với những mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra…
Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định: “Thời tiết thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản, với sản lượng và khai thác đều tăng. Riêng cá tra hiện nay diện tích nuôi khoảng 5,1 nghìn ha cho sản lượng hơn 1,2 triệu tấn, đem về kim ngạch khoảng 1,7 tỷ USD”.
Ngoài rau quả, thuỷ sản, nhiều mặt hàng cũng ghi nhận XK tăng trưởng cao trong năm 2017 và còn nhiều dư địa phát triển trong năm 2018 như: XK cao su đạt 2,26 tỷ USD; XK sắn và các sản phẩm từ sắn; XK cà phê, hồ tiêu…
Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Có giải pháp với nhóm cây trồng chủ lực Năm 2018, Cục Trồng trọt đã vạch ra các giải pháp cũng như kế hoạch sản xuất đối với từng nhóm cây trồng chủ lực. Cụ thể, với lúa gạo sẽ tập trung sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao để nâng chất lượng, giá bán tại thị trường trong nước lẫn XK; tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với một số cây công nghiệp khác như cà phê, điều, chè, hồ tiêu..., quan điểm cơ bản là giữ ổn định diện tích hiện tại, riêng cây cao su, giảm dần diện tích tại những vùng đất không phù hợp và duy trì diện tích đến năm 2020 khoảng 950.000ha. Với cây hồ tiêu, Bộ NNPTTN, chú trọng phát triển theo hướng nông lâm kết hợp, trồng xen để tiết kiệm nước tưới và phát triển bền vững; kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm trên hồ tiêu, đặc biệt là các nhóm thuốc cấm không được sử dụng.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Tình hình xuất khẩu rất khả quan Ngay từ cuối quý IV.2017, các doanh nghiệp chế biến, XK gỗ đã ký được 50-60% đơn hàng trong năm 2018. Do đó, tôi cho rằng XK gỗ và sản phẩm gỗ năm nay rất khả quan, ít nhất phải đạt khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. Năm 2018, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc chắc chắn sẽ tăng lên. Cụ thể, XK sang thị trường Mỹ dự kiến đạt 2,8 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 1,1-1,2 tỷ USD, Hàn Quốc và EU đều đạt khoảng 700-800 triệu USD. Ngoài ra, XK gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường mới như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nhiều triển vọng, chưa kể nhiều thị trường khác như Nga, các nước Trung Đông, Bắc Âu… cũng bắt đầu nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;