Học tập đạo đức HCM

Hạn hán và đầu ra cho nông sản làm "nóng" phiên họp Chính phủ

Chủ nhật - 26/04/2015 01:32
Ngày 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4/2015, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư và bốn tháng đầu năm 2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

Hạn hán và đầu ra cho nông sản làm `nóng` phiên họp Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)



Chính phủ cũng đã nghe Báo cáo về phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2015; Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 làm cơ sở xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về bảo hiểm y tế cho người nghèo và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội trong tháng Tư và bốn tháng đầu năm 2015 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định, tạo đà cho những bước phát triển cao hơn trong thời gian tới.

Các thành viên viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian thảo luận, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, đề ra nhiều giải pháp thúc thúc đẩy phát triển nông nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh; nâng cao năng lực, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai thi công các công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa, vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, hai vấn đề khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là hạn hán và thị trường. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hết sức tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả tiêu cực do hạn hán gây ra cũng như phối hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên xảy ra khô hạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát mong muốn cùng với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cũng như các Bộ ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có những tác động cần thiết trong hoạt động mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây,…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, thời gian qua, những kết quả đạt được về tăng trưởng là một dấu hiệu rất đáng mừng. Tăng trưởng đạt được chủ yếu là do tăng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo; đây là một động lực quan trọng và là sự tăng trưởng vững chắc; theo dự báo khoa học, tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức khoảng từ 6,35-6,63%. Cùng với đà tăng trưởng, lạm phát tiếp tục được kiểm soát và điều hành theo mục tiêu; các hoạt động về đầu tư, thu hút đầu tư cũng phát ra những tín hiệu tích cực, nhất là trong thu hút đầu tư nước ngoài; xuất khẩu được phục hồi và duy trì đà tăng trưởng…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; giữ vững sự ổn định của thị trường ngoại hối; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn, bảo đảm tín dụng cho nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững;… Thống đốc cũng bày tỏ đồng tình với các nội dung trong dự thảo Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020, khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành hữu quan trong triển khai thực hiện chủ tương phát hành trái phiếu Chính phủ.

Tại phiên họp, bên cạnh hối thúc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong làm ăn, sinh sống, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành chuẩn bị tốt các tài liệu phục vụ cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần quan tâm nhiều hơn nữa tới các hoạt động mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập siêu cũng như có các giải pháp hiệu quả trong phát triển thị trường vốn; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản…

Phân tích một số khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó có tình trạng được mùa rớt giá, thu nhập của người nông dân thấp, tăng trưởng nông nghiệp thấp, xuất khẩu nông sản không ổn định, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cần tìm các giải pháp hiệu quả trong giải quyết bài toán khó khăn này, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp; từng bước khắc phục tình trạng hộ sản xuất riêng lẻ, hình thành các hộ sản xuất có liên kết qua hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức đăng ký lại, hình thành các Hợp tác xã theo Luật hợp tác mới, theo phương thức hợp tác kiểu mới để liên kết sản xuất, thực hiện các dịch vụ mới, qua đó tăng thu nhập cho nông dân; đề nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Mặt trận, các đoàn thể xây dựng cuốn sách với khoảng 30 mô hình hợp tác xã kiểu mới làm tài liệu tập huấn và phổ biến rộng rãi ở các tỉnh thành. 

Ngoài ra, việc xem xét điều chỉnh về giá vắc-xin; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xử lý các nút thắt trong việc cấp thị thực cho du khách vào Việt Nam; thúc đẩy thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; công tác bảo đảm vệ sinh, cảnh quan môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm;… cũng là những vấn đề lớn được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều thành viên Chính phủ đề cập.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhìn lại 4 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính,… đều có những chuyển biến, những kết quả tích cực; đà phát triển là tốt; các dự báo về tình hình khá lạc quan.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ, qua triển khai thực hiện nhiệm vụ, một số khó khăn nổi lên, đó là xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; nhập siêu tăng; du lịch có khó khăn nhất định; tình hình nắng nóng khô hạn kéo dài diễn ra gay gắt ở miền Trung và Tây Nguyên đã tác động tiêu cực đến sinh hoạt, đời sống và các hoạt động sản xuất của nhân dân; nguy cơ cháy rừng lớn; thị trường xuất khẩu nông sản giảm sút…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tinh thần chung là phải tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra. 

Các Bộ, ngành địa phương tiếp tục tập trung ưu tiên cho tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,… phải rà soát kỹ để thấy xuất hiện khó khăn gì và phải tìm cách xử lý, tháo gỡ kịp thời- Thủ tướng chỉ đạo.

“Về nông nghiệp, nổi lên 2 vấn đề khó khăn là hạn hán và thị trường. Về hạn hán, chúng ta phải đi thật sát, thấy được phải giải quyết cái gì ở cả trước mắt và lâu dài; chuyển đổi cây trồng thế nào; bảo vệ cái hiện có thế nào; các biện pháp để không cháy rừng… về thị trường, những giải pháp tháo gỡ cũng phải cụ thể như thế nào, kể cả trước mắt và lâu dài,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Trên cơ sở kết quả, đà tăng trưởng đã đạt được, tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo...Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, hiện kinh tế đã khá lên, thị trường bất động sản đang ấm lên, song phải kiểm soát tốt thị trường, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của thị trường này, không để tái xuất hiện tình trạng bong bóng bất động sản như trước đây.

Về lĩnh vực xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Công Thương tìn mọi cách thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời kiểm soát tốt nhập khẩu, có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ sản xuất trong nước theo thông lệ và cam kết quốc tế.

Đối với du lịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong phiên họp thường kỳ tháng tới có báo cáo kiểm điểm 6 tháng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an, Bộ ngoại giao có Báo cáo đề xuất về tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó nêu rõ việc thực hiện Nghị quyết kết quả gì đã đạt được, những gì còn vướng mắc, khó khăn, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy.

Nhấn mạnh việc duy trì khá tốt sự ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó là tiếp tục giữ vững ổn định tỷ giá; kiểm soát chặt chẽ bội chi; có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất phù hợp theo chiều hướng giảm của lạm phát đối với nông nghiệp.

Một nhiệm vụ lớn nữa được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu kinh tế. Trước hết là quyết liệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, cổ phần hóa không phải để thu về một số tiền mà cái quan trọng là tạo ra một cơ chế quản trị hiệu quả; hoạt động hiệu quả hơn, tốt hơn. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu theo hướng những gì vướng mắc theo thẩm quyền xử lý ngay; cái nào vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ xem xét xử lý để kiên quyết tái cơ cấu, không để tồn tại các ngân hàng yếu kém, hoạt động không lành mạnh. 

Trong tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần khẩn trương làm Kế hoạch trung hạn cho 5 năm tới (2016-2020) để Chính phủ thảo luận, Báo cáo Trung ương và Quốc hội; trong Kế hoạch cần hết sức quan tâm đến thúc đẩy giải ngân vốn ODA; tính toán đề xuất vốn đối ứng để đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, nhất là ODA đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông sản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn nữa công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; kịp thời hỗ trợ đồng bào nghèo ở những vũng khó khăn, vùng thiên tai, khô hạn, trong hỗ trợ phải đảm bảo công bằng, hỗ trợ theo đúng đối tượng, đúng địa chỉ. Không ngừng củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại hình tội phạm, đảm bảo cho cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc nhở các Bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; không để "nợ nghị định, thông tư". Yêu cầu Văn Phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp thường xuyên đôn đốc, phối hợp với với các Bộ, ngành trong xây dựng nghị định, thông tư.

Thủ tướng lưu ý, “trong xây dựng thông tư, nghị định, bên cạnh quyết liệt về thời gian, số lượng cũng phải đi liền với chất lượng, không nên đưa ra rồi lại sửa liền, nhưng ngược lại mà làm dở, không phù hợp thì cũng phải dũng cảm sửa, đừng nghĩ rằng để tránh khuyết điểm này mà cứ giữ thì sẽ có hại cho đất nước.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin về mọi mặt kinh tế-xã hội cho báo chí, dư luận, góp phần tạo đồng thuận, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.

Theo TTXV

 Tags: chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập165
  • Hôm nay75,312
  • Tháng hiện tại906,039
  • Tổng lượt truy cập92,079,768
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây