Trước mắt cần giảm ngay các yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ thịt heo tìm cách thu mua cho nông dân.
Về lâu dài, cần tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số heo nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Mục tiêu từ nay đến 2019 giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo như 4,2 triệu con. Phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật. Phát triển đối tượng khác thay thế. Không nhất thiết cứ nuôi heo, có thể thay bằng thịt trâu, thịt bò, thịt dê…
Cần tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó đứng đầu là các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi hoặc doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn, hộ trang trại vừa để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát được cung cầu thị trường.
Ngoài ra, các cơ quan cần nghiên cứu khảo sát thị trường và hoàn thiện hàng rào kỹ thuật thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi là thế mạnh của Việt Nam sang các nước, đầu tiên là các nước trong khu vực và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm mà trong nước đã đáp ứng được.
Trước mắt các hộ nuôi cần giảm nhanh đàn heo nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại ngay heo nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp. Hà Nội cần giảm đàn heo nái xuống còn 180.000 - 200.000 con.
Các doanh nghiệp giết mổ, chế biến cần hợp tác với trại chăn nuôi thực hiện hợp đồng giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thức ăn từ heo, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước. Từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng từ sử dụng thịt “nóng” giết mổ không đảm bảo ATTP, không đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc sang sử dụng các sản phẩm được giết mổ đảm bảo an toàn...
Cần phải chuyển sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tản mạn, sản xuất hàng hóa nhỏ (có nơi mới đang là sản xuất tự túc, tự cấp) sang một nền sản xuất nông nghiệp tập trung cao, liên kết chặt chẽ mang tính chất sản xuất hàng hóa lớn.
Chuyển sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng hạ tầng và kỹ thuật trung bình (có nơi là thấp kém, lạc hậu) thành nền sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng hạ tầng và kỹ thuật tiên tiến, đi đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Với một nền nông nghiệp như thế, mới có sản lượng hàng hóa nông sản lớn, chất lượng tốt, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh cả ở thị trường trong nước, thị trường khu vực và quốc tế.
Để không phải “giải cứu” thịt heo nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, cần hạn chế nhập khẩu thịt từ nước ngoài. Chính phủ cần có những biện pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn thịt bẩn qua các biên giới, xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thịt đông lạnh nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Đẩy mạnh chăn nuôi theo hợp đồng, theo chuỗi giá trị. Để vào được các hệ thống phân phối nội địa, bắt buộc nông dân phải tham gia chuỗi này. Cho các hiệp hội quyền được phân bổ hạn ngạch chăn nuôi trên cơ sở cân đối cung cầu trong nước để tránh tình trạng khan hiếm hay dư thừa thịt.
Bộ NN&PTNT cần có thông tin rõ ràng cho các nông hộ để các hộ chăn nuôi giảm đàn, từ đó sẽ giảm được đầu vào. Bên cạnh đó cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua để các doanh nghiệp này thu mua được với số lượng lớn số heo còn tồn trong dân. Đồng thời phải xiết lại, ngành chăn nuôi heo dứt khoát phải là một ngành kinh doanh có điều kiện chứ không để dễ dãi như lâu nay.
Hiện 60% lượng thịt heo nuôi trong dân để phục vụ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, chỉ nuôi 3 tháng là thịt và chất lượng không cao.
Khi giá thị trường giảm, Công ty cũng giảm giá khoảng 20% để hỗ trợ giá cho nông dân. Bên cạnh đó, Minh Hiền đã, đang và sẽ hỗ trợ giết mổ, bảo quản kho lạnh cho khoảng 17.000 con heo thịt của người nuôi tại huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức (Hà Nội). Dự kiến, sau khoảng 40 ngày, khi giá bán được cải thiện, Minh Hiền sẽ tung lượng thịt này ra để giúp người nuôi có lãi. Bằng mọi giá, Minh Hiền sẽ góp phần cùng các doanh nghiệp giữ giá thu mua cho nông dân để người nuôi không phá đàn. Nếu người nuôi không tái đàn thì chỉ khoảng tháng 8 tới, nhà phân phối sẽ không có thịt để tiêu thụ. Giá thịt heo lên cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá của nhiều mặt hàng khác.
Nuôi heo hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là việc giá giảm sâu khiến nhiều hộ phá sản, nợ nần. Trong khi, giá TĂCN còn cao. Do nguyên liệu đầu vào cao, bởi phải nhập khẩu tới 70% nên phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ; mặt khác, nguyên liệu được bán qua nhiều khâu trung gian, chi phí vận chuyển và hoa hồng nhiều. Cùng đó, chi phí sản xuất cao. Giải pháp hiện nay là cần tổ chức chăn nuôi tập trung, quy mô đủ lớn; chăn nuôi theo quy trình cùng vào, cùng ra; sử dụng thức ăn đúng quy trình theo khuyến cáo của các nhà sản xuất. Ngoài ra phải đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi; giúp khắc phục khó khăn, có điều kiện để sản xuất ổn định và hiệu quả hơn.
Giá heo giảm sâu nguyên nhân chính là do cung vượt quá cầu, đây là hậu quả của kiểu chăn nuôi tự phát và cơ hội. Hiện, Lebio đang thu mua cho người chăn nuôi là 35.000 đồng/kg heo hơi, người nông dân có lãi khoảng 500.000 đồng/con. Giải pháp, người chăn nuôi cần phải thay đổi tư duy theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giảm giá thành chi phí đầu vào và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trước mắt, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vaccine phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi, tránh tâm lý chủ quan bỏ bê đàn heo khi rớt giá, rất dễ dẫn tới nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương xem xét giãn nợ cho người chăn nuôi heo, nhưng do thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay mới vì nợ cũ chưa trả hết, nhiều hộ dân đang tiếp tục phải đối mặt với áp lực bán tháo đàn heo với giá rẻ. Gần đây nhiều đại lý, cửa hàng TĂCN không cho người dân mua chịu nữa vì họ cũng gặp khó do không thu hồi được tiền nợ trong dân và phải lấy hàng từ các công ty bằng tiền mặt. Người nuôi rất cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các nhà sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, sự chỉ đạo kịp thời của ngành chức năng, hơn thế phải quy hoạch và có chiến lược lâu dài đối với ngành chăn nuôi nói chung và riêng đối với con heo thì mới tránh được cảnh người chăn nuôi thua lỗ nặng nề như thời gian qua…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã