Trở về cuộc sống đời thường, đa số CCB gặp nhiều khó khăn về sức khỏe, kinh nghiệm, kỹ thuật, đặc biệt là nguồn vốn để phát triển kinh tế… Vượt lên khó khăn, thử thách, bằng trí tuệ và khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, các thế hệ CCB đã chịu khó tìm tòi học hỏi, chọn hướng làm ăn phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương. Cùng đó, CCB cũng thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của Trung ương Hội CCB Việt Nam, các cấp hội trong tỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, địa phương tạo điều kiện bồi dưỡng kiến thức thông qua các lớp tập huấn; có nhiều chính sách khuyến khích làm kinh tế nên giành nhiều kết quả bước đầu trong SXKD.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.974 mô hình CCB làm kinh tế giỏi, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, công ty TNHH, HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại, kinh doanh dịch vụ với doanh thu hàng năm hơn 4.000 tỷ đồng; thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước gần 400 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 7.000 lao động, trong đó có nhiều con em CCB. Cùng với phát triển kinh tế, các CCB còn tích cực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tham gia chương trình an sinh xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh...
Tiêu biểu trong đó phải kể đến CCB - Đại tá Lê Văn Đàm, năm nay gần 80 tuổi, là Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng miền Trung. CCB Lê Văn Đàm cùng với CCB Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng miền Trung vừa tư vấn xây dựng hàng trăm công trình trong và ngoài tỉnh, vừa mở rộng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn (450 con lợn nái; 5.000 con lợn thịt/lứa) với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, doanh thu đạt từ 120 - 150 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm từ 7 - 8 tỷ đồng. 2 CCB ở TP Hà Tĩnh này cũng tích cực hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, xây dựng NTM với số tiền mỗi năm hơn 3 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 200 lao động với lương bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/ người/tháng.
Mô hình HTX Nga Hải do CCB Lê Văn Bình - hội viên CCB xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) làm giám đốc với quy mô 120 ha đất dưới chân núi Hồng Lĩnh, SXKD dịch vụ đa ngành nghề; liên kết chăn nuôi lợn thịt mỗi năm xuất chuồng từ 400 - 450 tấn, có hàng trăm con bò, dê, lợn rừng, 5 ha ao cá. Từ năm 2017, CCB Bình còn đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau sạch, du lịch trải nghiệm NTM, lãi ròng gần 2 tỷ đồng/năm.
Công ty cổ phần Sao Mai do CCB Nguyễn Xuân Hải làm Chủ tịch HĐQT, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bao bì với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia; doanh thu hàng năm từ 240 - 250 tỷ đồng, thu hút 350 lao động, lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Địa phương nào cũng có nhiều gương CCB tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, khai thác dịch vụ, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp CCB còn một số hạn chế như: Tiếp cận thiếu kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước; thiếu một tổ chức đại diện để giúp tham mưu tư vấn kỹ thuật, liên doanh, liên kết, giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải… Do đó, việc thành lập Hội Doanh nhân CCB Hà Tĩnh là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp, doanh nhân CCB.
Thực hiện kế hoạch của Trung ương Hội, sau quá trình vận động, hơn 500 hội viên là chủ doanh nghiệp, công ty TNHH, HTX, trang trại, gia trại đã có đơn xin gia nhập Hội Doanh nhân CCB Hà Tĩnh. Hội ra đời với mục đích phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, gắn bó tình đồng đội, hỗ trợ giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả SXKD, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hội viên. Không ỷ lại, trông chờ, tìm hướng đi đúng, năng động, sáng tạo, gắn bó tình đồng đội, không cam chịu đói nghèo, đổi mới hội nhập và phát triển là định hướng hoạt động của Hội Doanh nhân CCB Hà Tĩnh thời gian tới.