Trước khi rời Việt Nam để tới Nepal nhận nhiệm vụ mới, ông đã dành cho NTNN cuộc trao đổi thú vị về nông dân, nông thôn và Hội NDVN.
Ông Bjorn Jensen cho biết, năm 1998, ADDA lần đầu có mặt tại Việt Nam. Thời điểm này, ADDA chưa lập văn phòng đại diện mà mới chỉ có bước hợp tác ban đầu với Hội NDVN, Hội ND TP.Hà Nội qua dự án hỗ trợ ND áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây rau (rau an toàn).
Năm 2006, ADDA mới chính thức thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và hợp tác với Hội NDVN triển khai thực hiện một số dự án lớn, trong đó đáng kể nhất phải kể tới dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam…
Khi quyết định đến Việt Nam, cá nhân ông cũng như Tổ chức ADDA đặt ra mục tiêu gì? Sau 15 năm, mục tiêu đó đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Mục tiêu mà ADDA đặt ra là hỗ trợ ND nghèo ở vùng nông thôn Việt Nam. Mối quan hệ với Hội NDVN là phương tiện, chìa khóa quan trọng để chúng tôi đạt được mục tiêu đó và mối quan hệ cũng như mục tiêu này chưa bao giờ dừng lại. Sự hợp tác giữa ADDA và Hội NDVN đã đạt được một số kết quả mà tôi cho là khá thành công.
Điển hình là sự ra đời và nhân rộng mô hình dùng ND tập huấn cho ND. Tại Dự án phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam, ADDA, Hội NDVN đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các địa phương, từ đó đưa ra các tiêu chí đối với 1 tiểu giáo viên là ND (TOT).
Các địa phương dựa trên tiêu chí này về lựa chọn những ND đủ tiêu chuẩn để đưa đi đào tạo thành TOT với sự tài trợ chi phí của dự án. Thời gian đào tạo tập trung 18 tuần mà trọng tâm là kiến thức, kỹ năng áp dụng IPM trên cây trồng. Các TOT khi về địa phương đứng ra mở lớp tập huấn cho bà con. Qua khảo sát cho thấy, thu nhập của ND vùng dự án, đã qua tập huấn có thu nhập tăng 40% so với trước kia.
Ông Bjorn Jensen cùng tham gia lao động với ND vùng dự án ADDA tại Việt Nam. |
Lấy ND tập huấn cho ND có phải là phương pháp, sáng kiến mới do ADDA đưa ra?
- Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng như tập huấn cho ND áp dụng kỹ thuật này được ADDA kế thừa từ Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO). Nhưng cùng là IPM trên cây trồng, nhưng ADDA và Hội NDVN có sự tiếp cận khác với FAO. Nếu FAO lấy các kỹ sư nông nghiệp để tập huấn cho ND thì chúng tôi lấy ND tập huấn cho ND. Thông qua kinh nghiệm lấy ND tập huấn cho ND ở Việt Nam, đến nay ADDA đã "xuất khẩu" phương pháp này ra nước ngoài như Tanzania, Nepal…
Ông từng nhiều lần nói, ND, Hội NDVN rất có tiềm năng, nhưng tiềm năng đó chưa nhiều người biết tới?
-Hội NDVN rất có tiềm năng cũng như năng lực trong hợp tác giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội có tổ chức rất lớn mạnh, từ cấp T.Ư cho tới thôn, ấp, bản làng, lực lượng hội viên rất đông đảo. ADDA và bản thân tôi nhận thấy, Hội là tổ chức duy nhất có thể tiếp cận từ cấp cao xuống tới tận hộ gia đình.
Đó là tiềm năng rất lớn để Hội hoạt động, nhất là hoạt động tập huấn, chuyển giao KHKT. Ở Việt Nam, mỗi huyện chỉ có vài người làm khuyến nông thì làm sao có thể xuống tận thôn, bản được. Thông tin khuyến nông đưa lên loa đài thì đâu phải là tập huấn. Khi nói chưa nhiều người biết tới Hội - ý tôi là các tổ chức khác nên nhận thấy tiềm năng của Hội NDVN. 15 năm công tác tại Việt Nam, và sau này vẫn thế, dù ở bất cứ đâu, tôi đều quảng bá về tiềm năng của Hội NDVN…
Ông Bjorn Jensen
Sắp tới, Chính phủ Đan Mạch cũng như Tổ chức ADDA có những điều chỉnh chính sách tài trợ ở Việt Nam. Những điều chỉnh này có tác động gì tới các dự án mà ADDA đang hợp tác với Hội NDVN?
- Không có thay đổi về tài trợ nhưng có thay đổi về cách thức vận hành. Thay vì vận hành theo các dự án đơn lẻ, tới đây ADDA đưa vào một chương trình mà ở đó có sự liên kết đồng bộ giữa các dự án đơn lẻ. Trước mắt, việc thay đổi này chưa thấy ảnh hưởng tới các dự án đang thực hiện.
Nhiều người nói ông là một trong số ít người phương Tây ăn được nhiều món ăn Việt Nam?
- Nhiều vùng nông thôn Việt Nam có những món ăn rất ngon. Ví như món cá nướng bọc trong lá của ND Tây Bắc, hay món nộm trái xoài xanh hay quả sầu riêng ở miền Nam... Tôi không thể quên được những lần đến các địa phương miền núi Việt Nam. Ở đó, tôi thấy nhà nào cũng có mùi rất giống nhau, đó là mùi nấu rượu ngô, rượu gạo (cười)…
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Công (thực hiện)
danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã