Học tập đạo đức HCM

Kiểm soát việc sử dụng kháng sinh hiệu quả - giải pháp bền vững cho ngành chăn nuôi

Chủ nhật - 18/09/2016 09:01
Lâu nay kháng sinh luôn được xem là “trợ thủ” đắc lực giúp người chăn nuôi kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, việc lạm dụng kháng sinh đang là tác nhân chính làm cho vật nuôi lờn hoặc kháng thuốc. Đây không những là nguyên nhân chính khiến cho chi phí sản xuất tăng vọt mà nó còn là nguyên nhân tiềm ẩn gây nguy hại đến sức khỏe con người.

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và những tác hại khó lường

Theo kết quả kiểm tra và ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, hiện nay có trên 80% số hộ chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh có sử dụng kháng sinh, đặc biệt có cả một số loại kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng trong chăn nuôi. Việc sử dụng phổ biến kháng sinh trong chăn nuôi đã trở thành tập quán và thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ của phần lớn nông dân. Hầu hết các trường hợp khi vật nuôi xảy ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe, giải pháp luôn được người chăn nuôi ưu tiên là dùng kháng sinh để can thiệp và xử lý. Bên cạnh đó, việc mua bán kháng sinh không được kiểm soát chặt chẽ cũng là nguyên nhân khuyến khích người dân sử dụng thuốc kháng sinh ngày càng “mạnh tay”.

Nếu việc lạm dụng kháng sinh kéo dài sẽ gây ra tình trạng vật nuôi lờn thuốc (kháng thuốc), để điều trị, người chăn nuôi buộc phải tăng liều hoặc sử dụng những nhóm kháng sinh có liều lượng mạnh hơn, nông dân phải tiêu tốn nhiều chi phí đầu tư, từ đó hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi sẽ rất thấp. Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn là nguyên nhân dẫn đến đến tình trạng kháng kháng sinh trên con người.

Theo Tiến sĩ Juan Carrique Mas, đại diện đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford và cũng là chủ nhiệm dự án “Nghiên cứu can thiệp trong việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà tại đồng bằng sông Cửu Long” cho biết, kháng sinh là thuốc đặc trị cho bệnh truyền nhiễm trên cả người và động vật. Trong khi số lượng kháng sinh có hạn nhưng nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, kháng sinh đang mất dần hiệu quả điều trị vì vi khuẩn đã trở nên kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc sử dụng kháng sinh gia tăng trong ngành chăn nuôi. Việc lạm dụng kháng sinh không những gây ra tình trạng kháng thuốc ở vật nuôi mà nó còn có thể truyền lây qua người thông qua việc tiếp xúc với động vật, qua nguồn nước, môi trường có nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và gen kháng thuốc hoặc việc sử dụng nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ các động vật kháng kháng sinh. Con người đóng vai trò then chốt trong việc giữ hiệu quả của kháng sinh. Do đó, bằng cách giảm sử dụng kháng sinh khi không cần thiết, những vi khuẩn kháng thuốc sẽ giảm dần và các bệnh truyền nhiễm sẽ dễ dàng được điều trị hiệu quả”.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tác hại đầu tiên của thực phẩm có chứa nhiều kháng sinh là gây dị ứng và nhiều phản ứng không có lợi cho cơ thể. Về lâu dài, việc vô tình hay cố ý sử dụng nhiều kháng sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận. Mặt khác, kháng sinh vào cơ thể con người sẽ gây kháng thuốc. Ảnh hưởng lớn nhất của việc lạm dụng kháng sinh chính là sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể, cơ thể trở nên “lờn” các loại vi khuẩn gây bệnh do “lờn” thuốc. Khi đó thì dù có uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi bệnh và sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc.

Do tác hại to lớn của vấn đề kháng kháng sinh, các nước Châu Âu (EU) đã cấm sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi từ ngày 1/1/2006.

Đồng Tháp triển khai thí điểm dự án kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Với mong muốn giúp người nông dân có những hiểu biết sâu hơn đối với việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà, đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp triển khai dự án “Nghiên cứu can thiệp trong việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà tại đồng bằng sông Cửu Long”. Thông qua dự án này, ngành chuyên môn sẽ đưa ra những cứ liệu và bằng chứng cụ thể, chứng minh hiệu quả của việc giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà sẽ không làm ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi, đồng thời với những phân tích, đánh giá đây còn là nguồn cơ sở khoa học cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách tại khu vực nghiên cứu.

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được triển khai thí điểm dự án này. Dự kiến chương trình nghiên cứu sẽ được thực hiện trong vòng 30 tháng, tại 120 trại gà ở huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, chương trình nghiên cứu chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn giám sát (thực hiện trong vòng 12 tháng) và giai đoạn can thiệp (thực hiện trong vòng 18 tháng).

Các trại gà tham gia nghiên cứu sẽ được chia ra làm 3 nhóm: nhóm I (người chăn nuôi được tập huấn và hỗ trợ tư vấn thú y, gà được sử dụng thức ăn bình thường); nhóm II (người chăn nuôi được tập huấn và hỗ trợ tư vấn thú y, gà được sử dụng thức ăn không chứa kháng sinh); nhóm III (nhóm không sử dụng giải pháp can thiệp - nhóm đối chứng).

Sau mỗi chu kỳ nuôi, các chuyên gia sẽ đưa ra những số liệu cụ thể về hiệu quả kinh tế giữa mô hình được kiểm soát sử dụng kháng sinh và mô hình đối chứng. Số liệu sẽ được thu thập và cập nhật liên tục trong suốt thời gian diễn ra dự án. Đây sẽ là những bằng chứng khoa học để đơn vị nghiên cứu có những đề xuất với ngành nông nghiệp trong việc quy định về kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Khi tham gia dự án nghiên cứu, người chăn nuôi sẽ được tập huấn, trang bị các kiến thức liên quan đến kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm, quản lý chất thải và chăn nuôi bền vững, thực hành chăn nuôi tốt và lưu trữ thông tin... Ngoài ra, đối với các hộ chăn nuôi thuộc nhóm I và nhóm II còn được hỗ trợ về kỹ thuật của đội ngũ cán bộ thú y của dự án.

Ngoài việc nâng cao được kỹ thuật chăn nuôi, tham gia dự án người chăn nuôi còn được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận chăn nuôi gà an toàn. Đây cũng là ưu thế giúp cho sản phẩm chăn nuôi dễ tiếp cận với các thị trường khó tính và cũng là nền tảng để người chăn nuôi bước vào thị trường hội nhập.

Đánh giá về sự cần thiết của dự án, ông Võ Bé Hiền - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang có chủ trương phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn - bền vững, vì vậy dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giúp nông dân thay đổi thói quen và tư duy chăn nuôi theo hướng hiện đại, giúp người sản xuất hình thành được thói quen có trách nhiệm hơn trong chăn nuôi.

Nguồn: Báo Đồng Tháp Online

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập188
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại909,312
  • Tổng lượt truy cập92,083,041
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây