Hãy viết nên câu chuyện về chè
Trao đổi tại hội thảo, ông Wisal Hin, chuyên gia tư vấn quốc tế ngành chè xanh Hoa Kỳ cho rằng, khâu tiếp thị sản phẩm rất quan trọng. Việt Nam cần phải viết nên câu chuyện về chè với việc giới thiệu rõ nguồn gốc xuất xứ, phương thức trồng cũng như sản xuất chè, văn hóa uống chè tới người tiêu dùng. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên, đơn vị đạt giải Bạc Cuộc thi chè đặc sản quốc tế Bắc Mỹ khẳng định: Ngay tại cuộc thi, chúng tôi cũng tham gia thuyết trình về chè Việt Nam, từ việc chúng tôi đã chọn đất trồng chè ra sao, cách thu hái chè như thế nào, chè được đem vào sản xuất trong điều kiện nào… Khách hàng Bắc Mỹ tỏ ra bất ngờ khi thưởng thức chè Việt Nam và nghe chúng tôi thuyết trình. Họ cho rằng, chè Việt Nam rất ngon, nhưng lại hoàn toàn chưa có thông tin gì nhiều tại thị trường này. Và giờ đây, khi họ đã biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của chè, biết được phương thức sản xuất chè an toàn thì họ rất yên tâm sử dụng sản phẩm. Rõ ràng, việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm chè của chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa.
Ảnh minh họa. Nguồn: thainguyentv.vn.
“Danh tiếng chè Việt Nam tại Hoa Kỳ chưa được biết đến nhiều, hầu như trong suy nghĩ của người tiêu dùng tại đây, chè Việt Nam là loại chè giá rẻ và sản xuất đại trà”, ông Wisal Hin dẫn ra ví dụ về việc khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm chè của Việt Nam còn chưa được chú trọng tại thị trường nước ngoài. Muốn công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm đạt hiệu quả, ông Wisal Hin đưa ra kinh nghiệm cần nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng. Ví dụ, với thị trường Hoa Kỳ, người tiêu dùng có thị hiếu tiêu thụ lượng lớn chè ướp hương và chè có vị hoa quả. Thị hiếu cũng thay đổi theo từng mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông hay theo từng dịp lễ lớn như: Lễ Tạ ơn, Lễ Giáng sinh… Việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng sẽ giúp cho khâu tiếp thị đạt hiệu quả cao hơn.
Đồng nhất quan điểm với chuyên gia nghiên cứu chè xanh Hoa Kỳ, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, có rất nhiều tiềm năng, giá trị của ngành chè mà chúng ta chưa khai thác được. Chúng ta đang bán chè có kim ngạch tương đối lớn, nhưng cách làm của chúng ta chủ yếu thiên về số lượng, đặc biệt khâu nghiên cứu thị trường và làm thương hiệu chè chúng ta đang bỏ quên.
Một sản phẩm không thể đứng vững nếu không có thương hiệu. Muốn sản phẩm chè thâm nhập vào các thị trường khó tính, rõ ràng, khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu vô cùng quan trọng. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên tự hào nhận xét, ngay bản thân tôi cũng như những khách hàng khó tính tại thị trường Bắc Mỹ khi thưởng thức chè Việt Nam đều có chung nhận xét, rõ ràng, chè của chúng ta rất ngon so với chè của nhiều nước khác trên thế giới, thế nhưng tại sao chè các nước khác lại có chỗ đứng trên thị trường trong khi chè Việt Nam lại chưa được nhiều khách hàng biết đến. Rõ ràng, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu.
Chú trọng chất lượng để thỏa mãn thị trường khó tính
Một câu chuyện muôn thuở của nông sản Việt Nam xuất ra thị trường thế giới là chất lượng sản phẩm của chúng ta còn thấp, khó thỏa mãn được thị trường nước ngoài với những yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm. Vậy nên, muốn sản phẩm chè thực sự chiếm lĩnh được thị trường thế giới, không có cách nào khác, các doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất chè đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Doanh nghiệp chúng tôi phải theo dõi chất lượng sản phẩm chè rất kỹ. Muốn cho ra đời loại chè sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chè phải được trồng trên đất sạch, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, nói cách khác, chè được trồng theo cách hữu cơ, cho nên đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với việc trồng và sản xuất theo phương thức này, số lượng sản phẩm sẽ không thể đạt nhiều, tuy nhiên, thay vào đó, chất lượng sản phẩm được chứng thực, có thể thỏa mãn cả những thị trường khó tính nhất.
Rõ ràng, người tiêu dùng nói chung cũng như người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như: Châu Âu, châu Mỹ… nói riêng luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Để các sản phẩm trong đó có nông sản Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài, sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mức dư lượng tối đa (MRLs) của thuốc trừ sâu trong thực phẩm…
Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, chúng ta phải thay đổi về cách làm chè hiện nay, từ chủ yếu thiên về số lượng sang thiên về chất lượng để tạo ra những sản phẩm chè cao cấp, vào được những thị trường cao cấp. Chỉ khi chất lượng chè được đảm bảo, khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu chè mới dễ dàng hơn. Bởi một sản phẩm tốt sẽ luôn lấy lòng được người tiêu dùng. Từ đó, thương hiệu, hình ảnh chè Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã