|
Các mô hình giảm nghèo bền vững đã góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo Ghi nhận từ các mô hình Các mô hình giảm nghèo bền vững, đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-4%/năm, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho những vùng có tỷ lệ nghèo cao nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thành công theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, cách thức vận hành chính sách giảm nghèo hiện vẫn còn những tồn tại, bất cập. Đó là việc có quá nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước đã tạo sức ỳ, tâm lý trông chờ hướng dẫn từ trung ương của các tỉnh, huyện, xã và bản thân các hộ nghèo. "Tập trung rà soát, loại bỏ những chính sách trùng lặp. Chuyển từ chính sách bao cấp cho không sang hỗ trợ để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên từng bước thoát nghèo bền vững... là yêu cầu cấp thiết của chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm yêu cầu. Về các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006-2010, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng-Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Có nhiều mô hình được triển khai ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông-lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Đó là mô hình trồng mía công nghiệp ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, mô hình trồng cây thuốc lá ở Cao Bằng, cây chè ở các tỉnh miền núi-trung du phía Bắc, trồng cây bông ở các tỉnh phía Nam Trung bộ...với tổng số 393 xã thuộc 35 tỉnh. Trong đó có 230 xã thuộc 17 tỉnh do UBND các xã tổ chức, vận hành, 87 xã thuộc 6 tỉnh do các Đoàn kinh tế quốc phòng thuộc địa bàn các quân khu I, II, II, IV phối hợp với các xã triển khai, thực hiện. Các dự án đã thu hút 37.566 hộ tham gia, trong đó có 28.926 hộ nghèo (chiếm 77%). Kết quả sau 5 năm, thu nhập bình quân các hộ nghèo tăng khoảng 15%, số hộ tham gia dự án thoát nghèo hàng năm khoảng 10-15%, cao gấp 3 lần so với các hộ không tham gia dự án, tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng dự án giảm bình quân 3-4%/năm. Số hộ dân tham gia các mô hình đã có chuyển biến tốt về cơ cấu kinh tế hộ, đa dạng nguồn thu nhập trên cùng một địa bàn, trên cùng một diện tích. Với các dự án liên kết người nghèo với các đơn vị quân đội tại các Khu kinh tế-quốc phòng vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa không chỉ giảm mạnh đói nghèo, mà còn tạo ra kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất, tạo vùng chuyên canh hàng hóa thương mại, gắn đoàn kết quân dân, đảm bảo an ninh trật tự xã hội vùng biên..., ông Ngô Trường Thi cho biết. Trăn trở bài toán nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững Đó là tâm trạng chung của các đại biểu tham gia hội nghị. Bên cạnh việc chưa có nhiều số xã tham gia dự án, số hộ tham gia chưa nhiều thì "Việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo còn thiếu sự linh hoạt, đôi khi chưa xuất phát từ nhu cầu của người nghèo. Trong khi trên thực tế, tiềm năng đa dạng hóa việc làm, thu nhập cho các hộ nghèo tại các địa phương còn rất lớn. Người dân cũng chưa thực sự chủ động tham gia mô hình, chủ động sáng tạo trong xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhận định từ ông Ngô Trường Thi. Nguyên nhân khiến các mô hình giảm nghèo bền vững còn hạn chế, chưa thể nhân rộng là do khi thiết kế, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 mới chỉ tập trung vào 2 dạng mô hình mang tính phổ biến: Mô hình do xã tự chủ và mô hình giảm nghèo có sự liên kết của các doanh nghiệp, ngân hàng. Theo ông Ngô Trường Thi, giai đoạn này đã có những mô hình giảm nghèo có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị nghiên cứu như: Viện nghiên cứu thủy sản, Viện giống cây trồng, Viện chăn nuôi, Công ty Bông Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình lại chưa có cơ chế hỗ trợ cho chính các tổ chức này, mới dừng ở việc tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Chè, Thuốc lá, Mía đường... cùng một số đơn vị kinh tế-quốc phòng vùng biên, nguồn kinh phí cũng hạn hẹp. Việc nhân rộng mô hình giảm nghèo phải bắt đầu từ nhận đa chiều của người dân về giảm nghèo. Hiện, đồng bào các DTTS đã ở một trình độ phát triển cao hơn so với trước. Do đó nhu cầu của họ cần mở rộng hơn và hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn, không chỉ là tăng thu nhập, mà còn là thụ hưởng văn hóa, giáo dục, y tế có chất lượng, ông Hoàng Xuân Thành-đại diện Tổ chức Oxfam lưu ý. Theo ông Thành, về mặt nhận thức thì việc nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững có sức lan tỏa rộng chính là nhân rộng những phương pháp tiếp cận, qui trình dựa trên sự tôn trọng, đa dạng văn hóa và phát huy tính chủ thể tích cực của họ ở mỗi thôn bản. Vì vậy, các mô hình giảm nghèo ở mỗi vùng DTTS cũng mang những đặc trưng thôn, bản riêng biệt. Không có hai mô hình giảm nghèo giống nhau. Cần những người (chủ hộ) mang tính tiên phong trong tự chuyển dịch kinh tế, tự mình biết chấp nhận rủi ro, không phụ thuộc quá nhiều vào nhà nước và "Việc lựa chọn họ không chỉ với người nghèo mà có thể là các cán bộ xã, thôn, bản, thậm chí là hộ khá giả để nhân rộng cách làm”. Cộng đồng người dân được tham gia tiếp cận các chương trình, dự án ngay từ đầu, trao quyền để họ tự quyết định phương thức đầu tư, vận hành các dự án, cấp chính quyền chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ, điều phối chung. Đó là ý kiến từ nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đề xuất. Thanh Phúc |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;