10kg muối = 1kg gạo, diêm dân lao đao Giữa cái nắng như nung của ngày hè oi ả, trên các cánh đồng muối, diêm dân vẫn oằn mình làm muối. Ông Nguyễn Xuân Tự ở thôn Lộc Tiến, xã Hải Lộc chia sẻ: “Nghề này chỉ có thể tranh thủ lúc trời nắng to. Thanh niên trai tráng còn có thể thoát ly chứ già như chúng tôi không làm muối biết lấy gì mà sống”. Đi dọc cánh đồng với những ô muối trắng tinh, thấp thoáng bóng dáng liêu xiêu của những phận già, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mặc dù phương thức sản xuất đã cải tiến, không còn manh mún như xưa, năng suất, chất lượng hạt muối tăng nhưng diêm dân vẫn phải sống trong cảnh bữa đói bữa no. Giải thích về tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ nhiệm HTX Hải Lộc cho hay: “Nguyên nhân chính vẫn là do đầu ra của hạt muối quá bấp bênh. Mặc dù HTX đã cố gắng bao tiêu hết sản lượng muối của bà con nhưng do giá bán thấp nên lao động gắn bó với nghề bây giờ đa số là người già và trẻ nhỏ”. Anh Trịnh Cao Sơn, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hậu Lộc, cho biết: “Những năm 1990, nghề làm muối ở Hậu Lộc rất “thịnh”, bởi khi ấy ngành muối được bao cấp hoàn toàn. Nhưng từ khi người dân phải tự lo tìm đầu ra cho sản phẩm thì rất khó khăn, giá cả lên xuống thất thường”. Khi được hỏi về nghề làm muối, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Trường Nam, xã Hải Lộc ngao ngán nói: “Có lẽ không ai khổ như người làm muối. Vất vả là thế nhưng 10kg muối mới đổi được 1kg gạo. Cứ tình hình này thì chẳng mấy người còn muốn gắn bó với nghề muối”. Dự án đầu tư từ văn bản…đến thực thi Trong khi diêm dân huyện Hậu Lộc hầu hết sống dựa vào nghề muối thì dự án cải tạo đồng muối ở đây vẫn nằm trên... giấy. Từ năm 2000, tỉnh đã cho lập dự án cải tạo, nâng cấp đồng muối Hải Lộc và Hoà Lộc nhưng đến nay đã hơn 10 năm dự án vẫn chưa được triển khai. Và, năm 2004, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phê duyệt dự án cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối xã Hải Lộc, với nguồn vốn trên 12 tỷ đồng, đã cấp vốn chuẩn bị đầu tư 100 triệu đồng nhưng hiện vẫn đang chờ thực thi. Sự chậm chạp của các dự án cải tạo đồng muối, cộng thêm giá muối trên thị trường biến động thất thường, hệ thống hạ tầng sản xuất muối xuống cấp đã tác động không nhỏ đến năng suất, sản lượng muối. Thiết nghĩ, mục tiêu đặt ra có thể đạt được nếu ngay từ bây giờ các ban, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa sớm triển khai thực hiện các dự án cải tạo đồng muối. Mới đây, HTX Hải Lộc đưa ra sáng kiến không sản xuất theo phương thức truyền thống dùng xe đẩy cát từ cồn ô ra sân phơi mà theo phương pháp chuyển ô cát ra giữa ruộng, nhằm đỡ công vận chuyển cát ra sân phơi rồi lại đưa cát vào ô chạt lọc. “Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện việc chuyển kho muối từ trong khu dân cư ra ngoài đồng, nhằm giảm chi phí vận chuyển”, ông Hùng cho biết. Song song với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cho nghề muối, Nhà nước cần ban hành chính sách bình ổn, hỗ trợ về giá, giá sàn; tạm trữ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Trịnh Bồng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã