Mô hình do Sở Công Thương Thanh Hoá chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT, Liên minh HTX, Hội ND tỉnh triển khai ở vùng sản xuất tập trung huyện Hậu Lộc, với sản phẩm ớt, ngô ngọt, dưa, và ở vùng sản xuất không tập trung huyện Yên Định với sản phẩm lúa.
Cơ sở xay xát gạo của hộ kinh doanh Hoàng Văn Thuyết. |
Ổn định đầu ra
Ông Trần Thanh Tú- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, huyện Hậu Lộc đánh giá: "Tham gia mô hình, ND được tập huấn nâng cao trình độ về thâm canh các loại nông sản hàng hóa, yên tâm trong quá trình sản xuất, vật tư mua về đảm bảo chất lượng, nông sản sản xuất ra được bao tiêu, giá ổn định và năng suất".
HTX Phú Lộc có tới hơn 1.500 hộ ND tham gia mô hình. HTX là đơn vị trực tiếp thu mua ớt, ngô ngọt và dưa cho ND. Theo ông Tú, khi triển khai mô hình, Sở Công Thương Thanh Hóa đã hỗ trợ HTX trong việc xây dựng hợp đồng để ký kết với ND; ND được tiếp cận với quy trình sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị nông sản hàng hóa của các hộ theo hợp đồng đạt từ 200-300 triệu đồng/ha. ND yên tâm sản xuất ổn định đầu ra cho sản phẩm...
Chị Hoàng Thị Sỹ - hộ tham gia mô hình ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc cho hay: "Chúng tôi được HTX phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng chuyển giao KHKT, giá bán nông sản cao hơn. Gia đình tôi trồng ngô, dưa và ớt trên diện tích 3 sào, cuối vụ được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, thanh toán tiền đầy đủ theo giá cam kết trong hợp đồng”.
Hợp đồng còn lỏng lẻo
Bên cạnh những ưu điểm, việc tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp giữa doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân vẫn còn tồn tại bất cập, đó là việc ký kết hợp đồng với ND còn lỏng lẻo. Ông Hoàng Văn Hùng- Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho rằng: "Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng vẫn chưa có sự thống nhất và đồng bộ. Nguyên nhân do mô hình liên kết 4 nhà trong thời gian qua chủ yếu dựa trên tính trách nhiệm nhiều hơn là lợi ích. Vì thế, việc ký kết hợp đồng chỉ là thủ tục chứ chưa có tính pháp lý".
Anh Hoàng Văn Thuyết -chủ hộ kinh doanh ở Yên Định, bày tỏ: "Khi tham gia mô hình sản xuất không tập trung ở Yên Định, hộ kinh doanh không ký kết hợp đồng với ND mà thông qua chủ nhiệm HTX thu mua sản phẩm. Nhiều ND cũng không muốn ký hợp đồng mà chờ giá cao hơn mới bán sản phẩm”.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Tú cho biết: "Một số hộ ND Phú Lộc chưa thực hiện đầy đủ những điều khoản đã ký kết, tự ý phá vỡ hợp đồng. Khi giá thị trường tăng thì phá giá bán ra bên ngoài, khi giá thấp thì quay sang bán cho HTX".
Về những bất cập này ông Nguyễn Đình Tuấn- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Đối với những hộ ND vi phạm hợp đồng thì Hội tuyên truyền vận động họ nghiêm chỉnh thực thi hợp đồng, chứ không thể xử phạt được". Ông Tuấn đưa ra giải pháp: "Cần mở rộng mô hình liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, gắn với tiêu thụ, chế biến nông sản. Các doanh nghiệp nhà nước cần tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ nông sản cho ND, không để tư thương thao túng. Muốn vậy cần phải đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa ND và doanh nghiệp, hợp đồng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của các bên khi tham gia ký kết".
Lan Dương
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã