Học tập đạo đức HCM

Phát triển mắc ca tại Việt Nam tới năm 2020: Giống là yếu tố quyết định hiệu quả

Thứ ba - 21/04/2015 04:47
Thời gian qua, cây mắc ca đã trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người.
Không ít ý kiến cho rằng, định hướng chỉ trồng 10.000 ha mắc ca từ nay đến 2020 của Bộ NN&PTNT là hợp lý và có căn cứ. Song nhiều ý kiến khác lại cho rằng tầm nhìn như vậy hạn chế, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển diện tích cây mắc ca tới 200.000 ha mắc ca trong 5 năm tới, thời điểm này chúng ta nên quan tâm và tập trung vào cái gì là có lợi, khi nào nên xây dựng nhà máy chế biến hay như mua giống ở đâu thì đạt chất lượng… Về vấn đề này, phóng viên HNMO đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc- nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây.
 

PV: Mắc ca được xem là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong văn bản của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị quy hoạchchỉ trồng 10.000ha mắc ca từ nay đến năm 2020. Là người nhiều năm nghiên cứu về cây mắc ca, ông đánh giá thế nào về định hướng này của Bộ?

- Trước hết, tôi khẳng định rằng đến thời điểm này vẫn chưa có một quy hoạch nào về việc trồng mắc ca được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung báo cáo của Bộ NN&PTNT chỉ là ý kiến của Bộ và chưa có quyết định pháp lý. Và ý kiến này chỉ mang tính chất định hướng. Nói về chủ trương trồng 10.000ha mắc ca ở những vùng đã khảo nghiệm thành công, dưới cái nhìn của những người nghiên cứu về mắc ca theo tôi đây là định hướng đúng và con số này là có cơ sở tính toán. Bởi lẽ, mắc ca phải được trồng trong những vùng có điều kiện phù hợp thì mới đảm bảo hiệu quả và nên trồng ở những vùng đã khảo nghiệm thành công là Tây Bắc và Tây Nguyên. Tôi nhấn mạnh đây là định hướng, còn nếu có điều kiện mở rộng hơn thì chúng ta vẫn có thể mở rộng diện tích. Mặt khác, chúng ta còn 5 năm nữa để thực hiện và nếu đạt được điều đó thì Việt Nam đã đứng trong top 5 quốc gia có diện tích mắc ca lớn nhất thế giới rồi. Vì vậy, chúng ta không nên bàn nhiều đến những con số mà nên bàn đến vấn đề làm cách nào để trồng cây mắc ca sau 3-5 năm nữa có kết quả chứ không phải trồng rồi lại phải nhổ đi.

PV: Như Tiến sĩ vừa chia sẻ, sau 5 năm nữa Việt Nam hoàn toàn có khả năng lọt vào top 5 quốc gia có diện tích mắc ca lớn nhất thế giới. Điều này đã được tính toán như thế nào thưa ông?

- Đúng như vậy. Hiện tại trên thế giới mới chỉ có khoảng hơn 10 quốc gia có diện tích phù hợp để trồng mắc ca trong đó nổi bật là các quốc gia như: Úc, Nam Phi, Kenya, Mỹ, Guatemala, Malawi, Brazil, Trung Quốc, Colombia, NewZeland, Việt Nam… Các nước như: Úc, Mỹ, Nam Phi và Kenya đang dẫn đầu về diện tích mắc ca, nhưng hơn 10 năm qua diện tích mắc ca ở các quốc gia này vẫn giậm chân tại chỗ. Không phải các nước này không muốn đẩy mạnh trồng mắc ca, mà bởi mắc ca là cây trồng khá “khó tính”, kén đất và kén khí hậu, không phải vùng đất nào của họ cũng trồng được. Mặt khác, quỹ đất trồng mắc ca có giá rất cao ở những nước này. Tính về kinh tế thì với những nước có ngành công nghiệp rất phát triển thì việc tập trung phát triển diện tích trồng mắc ca chưa hẳn đã là có lợi nhất. Điều này lại là một lợi thế đối với Việt Nam khi chúng ta mới chỉ bắt đầu cho ngành công nghiệp non trẻ này và Việt Nam còn quá nhiều diện tích phù hợp để trồng và phát triển mắc ca chưa được khai thác ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Như vậy, trong vòng 5 năm nữa, với diện tích quy hoạch trồng mắc ca chỉ 10.000 ha như Bộ NN&PTNT chỉ đạo thì không khó để Việt Nam lọt vào top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về diện tích trồng mắc ca.

PVVề vấn đề trồng và phát triển bền vững cây mắc ca tại Việt Nam, theo Tiến sĩ yếu tố nào là quan trọng nhất?

- Theo tôi để phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng chiến lược, có giá trị kinh tế cao thì trước hết, công tác giống xác định là then chốt, quyết định hiệu quả. Mắc ca là cây ăn quả dài ngày, nếu trồng bằng giống thực sinh (tức là trồng bằng chính hạt của nó) thì khả năng thích ứng và năng suất kém hẳn so với giống trồng bằng phương pháp ghép và chiết. Vì vậy muốn trồng mắc ca bắt buộc phải dùng bằng giống ghép và chiết. Do đó, các cơ sở làm giống phải có vườn cây đầu dòng. Trước đó, Bộ NN&PTNT đã ra thông tư hướng dẫn quản lý vườn cây đầu dòng để xem xét, quản lý làm cơ sở truy xuất nguồn gốc giống cây trồng xuất ra, xác định giống chuẩn mực. Hiện nay, giống cây mắc ca trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Không ít nông dân đã mua phải giống kém chất lượng, giống có mắt ghép từ cây không phải cây đầu dòng, cây kém chất lượng hoặc giống thực sinh. Những cây mắt ghép kém chất lượng nhân rất nhỏ có giá khoảng 30.000 đồng/mắt ghép, mắt ghép tốt có giá 70.000 đồng/mắt ghép. Cây được ghép mắt đủ tiêu chuẩn chỉ sau 3 năm là cho trái trong khi mắt ghép kém có thể tới 5-7 năm mới cho trái, trái nhỏ và ít. Vì vậy, nhiều hộ dân trồng tới 5-7 năm không có trái, vốn lại vay ngân hàng, 5 năm không có thu nhập. Như vậy là coi như mất trắng.

Trong số hơn 2000 ha mắc ca chúng ta đang có, nhiều chuyên gia khoa học nhận định, có đến quá nửa diện tích trồng bằng cây thực sinh. Nếu điều đó là đúng thì đến một lúc nào đó, vườn cây phải nhổ đi vì không có quả. Thiệt hại kinh tế là rất lớn. Vì vậy, theo tôi để phát triển cây mắc ca, việc quan trọng nhất là phải quản lý chặt chẽ giống cây trồng. 

P.V: Nhưng thực tế, để phân biệt cây mắc ca thực sinh và cây ghép bằng mắt thường thì rất khó. Vậy làm thế nào để người dân phân biệt giống chất lượng tốt mà không mua phải giống giả?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc: Muốn vậy, không có cách nào khác là người nông dân phải mua những giống cây mắc ca ở những cơ sở có uy tín, năng lực. Mà những cơ sở này phải đảm bảo cam kết với nông dân giống chất lượng đến khi cây mắc ca cho ra quả. Ngược lại, thì người dân cũng phải cam kết trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Tuyệt đối không mua cây giống từ các cơ sở không có tên tuổi

PV: Trước những luồng thông tin trái chiều về cây mắc ca hiện nay khiến không ít người nông dân trồng mắc ca đang hoang mang, lo lắng, ông có lời khuyên gì dành cho họ?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc: Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết hiện nay. Tại sao nông dân trồng mắc ca lại hoang mang, lo lắng như vậy. Trên thực tế, nhiều nông dân trồng mắc ca theo phong trào, vì nghe đó là cây “tỷ đô” mà chưa hiểu hết về giá trị cũng như trang bị những kiến thức trồng và phát triển nó. Vì vậy, khi có luồng thông tin trái chiều sẽ dẫn đến tâm lý lo sợ. Đây là xu hướng chung và do ảnh hưởng của tâm lý đám đông mang lại. Vì vậy, với người nông dân, khi bắt tay tham gia vào việc trồng cây mắc ca theo tôi phải nắm bắt được quy trình kỹ thuật, tuân thủ các tiêu chuẩn để đảm bảo từ khâu chọn giống, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm đạt chất lượng, có tính cạnh tranh cao. Mặt khác, người nông dân nên thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng ứng phó với các điều kiện xảy ra với cây mắc ca dưới tác động biến đổi của khí hậu, môi trường, thị trường…để từ đó chủ động, thích ứng, hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!




 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập635
  • Hôm nay82,518
  • Tháng hiện tại818,628
  • Tổng lượt truy cập93,196,292
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây