Học tập đạo đức HCM

Tài nguyên đất đai đang được sử dụng như thế nào?

Thứ hai - 02/07/2012 22:04
LTS: Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, không thể thiếu các giải pháp đột phá về quản lý và sử dụng một trong những tài nguyên quan trọng nhất: đất đai, đặc biệt là những vấn đề tăng hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong sử dụng đất, đảm bảo công bằng về quyền lợi đối với đất đai và vấn đề sở hữu đất. Sài Gòn Tiếp Thị xin lược giới thiệu bài viết của TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn về vấn đề này, trong khuôn khổ hội thảo Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2012 do uỷ ban kinh tế của Quốc hội tổ chức.

BÀI 1: Lãng phí khủng khiếp!

Một số vấn đề bất cập liên quan tới đất đai đang là cản trở đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp – nông thôn.

Doanh thu/vốn = 0,61; lợi nhuận/vốn = 0,07

Nguồn tài nguyên đất đai của đất nước chưa thực sự được huy động hiệu quả nhất để trở thành động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong phát triển công nghiệp và đô thị, nhiều dự án phát triển các khu dự án mới được mở ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhưng tỷ lệ lấp đầy thấp, hiệu quả sử dụng lãng phí. Tình trạng đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư nhưng chậm sử dụng, hoặc không đưa vào sử dụng, vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

 

 
Khu đất công trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 được sử dụng làm bãi đậu xe. Ảnh: Tùng Quang

 

Hiệu quả sử dụng đất trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản còn thấp. Tốc độ tăng hệ số sử dụng đất lúa giảm từ 2,15% giai đoạn 1990 – 2000 xuống còn -0,03% giai đoạn 2000 – 2009, do đó tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng của hệ số sử dụng đất giảm từ 40,4% giai đoạn 1990 – 2000 xuống còn -1,5% giai đoạn 2000 – 2009. Ngành lâm nghiệp với diện tích lớn, chiếm gần 14 triệu ha, nhưng có đóng góp rất nhỏ cho GDP (tính giá trị kinh tế đơn thuần chỉ khoảng 1%; nếu tính cả giá trị kinh tế và giá trị môi trường thì khoảng 3 – 4%).

Một diện tích lớn đất giao cho các nông, lâm trường quản lý, sử dụng kém hiệu quả. Trước khi sắp xếp, nông lâm trường quản lý 4,6 triệu ha trong đó các nông trường quốc doanh quản lý gần 524.000ha (402.000ha đất nông nghiệp); lâm trường quốc doanh quản lý gần 4,1 triệu ha (3,9 triệu ha đất lâm nghiệp). Sau khi sắp xếp, diện tích nông lâm trường quản lý giảm xuống chỉ còn lại khoảng 4 triệu ha. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, dựa trên định mức giá của các địa phương năm 2010, tổng số đất mà các nông lâm trường quốc doanh đang nắm giữ có giá trị ít nhất khoảng 47 tỉ đôla, nhưng được sử dụng rất kém hiệu quả, làm lãng phí tài nguyên của đất nước. Bình quân tỷ lệ doanh thu/vốn là 0,61; lợi nhuận/vốn là 0,07, so với doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong cùng lĩnh vực là 1,5 và 0,14.Tuy nhiên, đây chỉ là các số liệu theo báo cáo, thực tế diện tích do các nông lâm trường quốc doanh quản lý có thể thấp hơn rất nhiều. Trong quá trình sắp xếp, đổi mới, đa số nông lâm trường quốc doanh chỉ rà soát đất đai theo số liệu trên sổ sách, rất ít đơn vị thực hiện đo đạc, cắm mốc thực địa. Theo báo cáo của ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, một diện tích lớn đất đai được tính vào sổ sách của nông lâm trường thực tế chưa thu hồi được từ những đối tượng mà nông lâm trường đã giao đất dưới hình thức cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết.

Đất trống đồi núi trọc vẫn còn chưa đưa vào khai thác phổ biến tại các vùng trên cả nước. Theo số liệu của viện Quy hoạch rừng, đến năm 2005, nước ta vẫn còn gần 6,5 triệu ha đất trống đồi núi trọc, tập trung chủ yếu ở hai khu vực là Đông Bắc (1,3 triệu ha) và Tây Bắc (1,7 triệu ha), trong khi trữ lượng rừng tại khu vực này thấp. Đây không những là lãng phí về đất đai, mà còn gây mối quan ngại cho hiểm hoạ về môi trường.

Tổng số đất mà các nông lâm trường quốc doanh đang nắm giữ có giá trị ít nhất khoảng 47 tỉ đôla Mỹ, nhưng được sử dụng rất kém hiệu quả, làm lãng phí tài nguyên của đất nước. Bình quân tỷ lệ doanh thu/vốn là 0,61; lợi nhuận/vốn là 0,07, so với doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong cùng lĩnh vực là 1,5 và 0,14.

Hệ số quay vòng sử dụng đất có xu hướng giảm

Ước tính đến năm 2007, cả nước có 9,4 triệu ha đất nông nghiệp, trung bình diện tích đất nông nghiệp trên đầu người là 0,16 ha, chưa bằng 1/3 so với Thái Lan và Campuchia. Điều tra nông thôn của dự án DANIDA năm 2010 tại 12 tỉnh cho thấy, diện tích đất canh tác trung bình của một hộ nông dân là 0,85ha, trung bình một hộ có 5,7 mảnh đất khác nhau, tổng khoảng cách từ nơi ở đến ruộng của các hộ dân là khoảng 4,7km. Ruộng đất phân tán cản trở sản xuất quy mô lớn, áp dụng cơ giới hoá và tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất. Số liệu điều tra cho thấy, hộ nông dân càng có nhiều mảnh đất, thì lợi nhuận trung bình thu được từ mảnh đất đó càng giảm và chi phí càng tăng.

Tuy nhiên, khả năng tích tụ và tập trung ruộng đất của nông dân hiện nay rất thấp. Kinh tế trang trại phát triển chậm, chỉ chiếm 1% số nông hộ. Quy mô đất trung bình của một trang trại cũng chỉ đạt 6ha. Trong khi đó, hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp rất yếu ớt. Theo kết quả điều tra, chỉ có 2,5% hộ nông thôn bán quyền sử dụng đất trong năm năm từ 2001 – 2005. Hoạt động thị trường thuê đất ở nông thôn cũng rất hạn chế. Trong khi đó, với nguồn tích luỹ hạn chế và thiếu hỗ trợ tín dụng, nên rất khó cho các nông dân giỏi có đủ khả năng mua, hoặc thuê lại đất của các nông dân khác. Kết quả là rất nhiều đất nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực ven đô được các nhà đầu tư thành thị mua hoặc thuê để đầu cơ, nhiều đất công bị sử dụng kém hiệu quả, hoặc bị giao hợp đồng lại.

Hiện nay, ngày càng nhiều lao động nông thôn ra làm việc tại đô thị, rất nhiều lao động nông thôn thu nhập chủ yếu từ các hoạt động phi nông nghiệp, phi chính thức, nhưng do không có hệ thống an sinh xã hội chính thức tại nông thôn, nên vẫn phải giữ đất để đề phòng rủi ro, đất nông nghiệp ở quê không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những người ở lại, nên không tăng được hiệu quả sử dụng đất. Đất bị bỏ hoang hoá, hoặc không chăm sóc, đất nhận khoán bị nông dân trả lại, tạo ra sự lãng phí rất lớn. Hệ số quay vòng đất lúa từ năm 2000 đến nay có xu hướng giảm. Trong khi hệ số quay vòng sử dụng đất tăng từ 1,33 năm 1985 lên 1,82 năm 2000, năm 2006 hệ số này giảm xuống còn 1,74 và năm 2009 là 1,81.

TS ĐẶNG KIM SƠN
VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm155
  • Hôm nay45,722
  • Tháng hiện tại955,747
  • Tổng lượt truy cập92,129,476
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây