Học tập đạo đức HCM

Tìm căn nguyên dịch bệnh trên tôm

Thứ tư - 04/07/2012 10:51
Trong 2 năm gần đây, tình trạng tôm chết đã diễn ra ở nhiều địa phương và ngày càng có chiều hướng phức tạp. Vấn đề đáng nói ở đây là các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra được nguyên căn của dịch bệnh. Các nhà khoa học chuyên môn trong nước và quốc tế đã được huy động để phân tích, đánh giá tìm ra lời giải của bài toán nan giải này.
Diễn biến phức tạp

Theo Tổng cục Thủy sản, thống kê tại 16 tỉnh trọng điểm nuôi tôm nước lợ ven biển đến hết tháng 6/2012 thì diện tích đã thả giống là 614.000 ha. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên 39.800 ha (chiếm 6,5% diện tích nuôi), trong đó tôm sú 37.000 ha (chiếm 6,4% diện tích nuôi), tôm thẻ chân trắng 2.670 ha (chiếm 8,9% diện tích nuôi). So với cùng kỳ năm ngoái, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại có phần ít hơn (cùng kỳ năm 2011 là 65.500 ha), song năm ngoái chỉ xuất hiện ở khu vực Đông Nam bộ, năm nay đã lan ra Tây Nam bộ, thậm chí cả các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Nhiều tỉnh bị thiệt hại nặng như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An, Cà Mau.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ đang diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan rộng, gây thiệt hại lớn, đe dọa ngành nuôi tôm của nước ta. Phần lớn diện tích tôm bị chết nuôi thâm canh, bán thâm canh là do hội chứng teo gan tụy. Một số nước trong khu vực gọi đó là hội chứng chết sớm. Tuy nguyên nhân đầy đủ chưa có kết luận cuối cùng nhưng không có nghĩa là không xác định được nguyên nhân tác động dẫn đến dịch bệnh tôm. 

Ông Tuấn cho rằng, việc sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt trong việc xử lý giáp xác ở các ao nuôi tôm đã gây sự tồn đọng cao các chất đó. Tuy nhiên, các số liệu cũng chỉ ra đây không phải là nguyên nhân chính. Bởi ở một số nước trong khu vực, một số vùng trong nước không có sự hiện diện của chất bảo vệ thực vật Cypermethrin (chất dùng xử lý giáp xác ở các ao nuôi) mà dịch bệnh vẫn lây ra diện rộng. Ngoài ra, trong một số nghiên cứu đã tìm thấy một vi khuẩn hiện diện ở các mẫu tôm bị bệnh, cho nên các tác nhân hữu sinh cũng có liên quan. 

Yếu kém trong quản lý

Đến các vùng nuôi có thể dễ nhận thấy dường như những yếu kém, tồn tại trong quản lý, trong tập quán sản xuất của một bộ phận nông ngư dân cùng với xu hướng sản xuất không tuân thủ quy hoạch, lịch thời vụ, kỹ thuật, chạy theo lợi nhuận tối đa đã góp phần tạo ra những diễn biến phức tạp về dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi. 

Thời vụ hoạt động của các cơ sở sản xuất tôm giống tập trung nhiều nhất vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm, đây là thời gian các cơ sở tập trung nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất để sản xuất. Do nhu cầu giống lớn chỉ trong một thời nhất định nên một số cơ sở ương giống mua con giống của những cơ sở sản xuất tôm giống lớn về trộn với tôm của mình sản xuất hoặc với tôm chợ rồi lại lấy bao bì, nhãn mác của công ty làm thương hiệu của mình. Điều này dẫn đến chất lượng giống không đồng đều và đương nhiên sẽ pha trộn cả tôm bệnh.

Trong khi tôm giống chưa được kiểm dịch, kiểm tra chặt chẽ thì tôm sú bố mẹ, chủ yếu được khai thác từ vùng biển Rạch Gốc, tỉnh Cà Mau. Do khai thác từ vùng nước gần bờ nên hệ số thành thục không cao, phương pháp khai thác chủ yếu là giã cào, làm tôm bị xây xát, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và dễ dẫn đến nhiễm các loại bệnh. Phần lớn tôm bố mẹ khai thác cũng không qua kiểm dịch, không xét nghiệm các bệnh nguy hiểm.

Bên cạnh đó, sự buông lỏng trong việc quản lý các sản phẩm, chế phẩm sản xuất thức ăn nuôi trồng, chế phẩm sinh học cũng là một trong những yếu tố không kém phần quan trọng gây bệnh trên tôm. Tại các địa phương, hầu hết các sản phẩm đều có ghi “Nhập khẩu nguyên liệu 100%” nhưng công đoạn phối trộn, đóng gói cần được kiểm tra và công nhận chất lượng trước khi đưa ra thị trường lại bị bỏ ngỏ. Thậm chí có sản phẩm được khẳng định là theo "công nghệ Mỹ" nhưng thực tế lại được sản xuất tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, đi kiểm tra phải đến 90% là sai phạm. Các đơn vị chức năng không kiểm soát được vật tư đầu vào nên ở những vùng nuôi hiện đang bị ô nhiễm cái gì, bị ngộ độc cái gì, tôm chết vì cái gì không xác định được. Đó còn chưa kể năng lực kiểm tra của cán bộ địa phương còn hạn chế, cán bộ kiểm tra cũng chỉ kiểm tra điều kiện kinh doanh có đạt yêu cầu hay không, chứ không kiểm tra được chất lượng sản phẩm có đúng với đăng ký hay không.

Tổng cục Thủy sản cũng thừa nhận về những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành như: chưa thực hiện tốt vấn đề quản lý sản xuất theo chuỗi, theo vùng tập trung; việc quan trắc cảnh báo môi trường tại các khu vực, vùng nuôi tập trung chưa được trú trọng, do đó khi có dịch bệnh là bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong quản lý thú y thủy sản tại các địa phương còn nhiều bất cập, do đó việc triển khai phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản chưa theo kịp diễn biến thực tế sản xuất. Ngoài ra, việc xây dựng quy hoạch phát triển, quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi theo các vùng, miền còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch ở một số địa phương còn chậm và thiếu phối hợp giữa các ngành, tổ chức liên quan, công tác chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. 

Tìm nguyên nhân là nhiệm vụ ưu tiên số một

Trong tình hình hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng người nuôi tôm nên thả với mật độ thấp hơn. Những vùng nuôi thâm canh nếu có điều kiện tốt sẽ tiếp tục nuôi còn không nên chuyển sang bán thâm canh hoặc quảng canh cải tiến để hạn chế rủi ro. Các cơ sở nuôi phải dành một số ao trong vùng nuôi làm ao chứa, ao lắng, xử lý môi trường ao chứa, ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi. Cypermethrin là một tác nhân gây tôm chết, Bộ NN và PTNT đã cấm sử dụng chất này và các thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản. 

Bên cạnh đó, Bộ NN và PTNT đã kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ cho người nuôi vì mức hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 142/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quá thấp với thiệt hại của người nuôi; đồng thời tăng vốn đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi do hạ tầng xấu, bởi hạ tầng không tương xứng thì dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho rằng nhiệm vụ nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh, đề ra các biện pháp phòng chống dịch, hỗ trợ người dân đối phó với dịch bênh tôm là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên số một của Bộ NN và PTNT. Do đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, 2, 3, Viện Môi trường Nông nghiệp, Cục Thú y phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên số một, huy động mọi nguồn lực nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây bệnh một cách sớm nhất làm cơ sở khoa học phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Trong khi chờ kết quả, các sở NN và PTNT chỉ đạo các ngành chức năng giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến từng thôn ấp, khi phát hiện ao/đầm có dấu hiệu bị bệnh phải báo ngay cho cơ quan quản lý thú y thủy sản địa phương, tổ chức bao vây và xử lý ngay ổ bệnh không để lây lan; đồng thời xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên các vùng nuôi tôm để phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh.
Theo Tamnhin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập760
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại796,531
  • Tổng lượt truy cập93,174,195
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây