Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay.
Biểu thuế bảo vệ môi trường với một số hàng hoá xăng, dầu:
Tuy nhiên, so với đề xuất Chính phủ đưa ra hồi tháng 5 thì thuế môi trường với mặt hàng dầu hoả đã giảm một nửa, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu madut cũng tăng lên 2.000 đồng một lít, từ mức 900 đồng hiện hành.
Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019, nhằm giảm tác động tăng giá các mặt hàng này tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay, đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% năm 2018 của Chính phủ.
Góp ý kiến, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại vẫn giữ mối băn khoăn như cuộc thảo luận cách đây hai tháng, khi cho rằng việc tăng thuế với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng, dầu sẽ tác động tới giá cả đồng loạt trên thị trường. Đồng ý thông qua dự thảo Nghị quyết biểu thuế môi trường xăng dầu, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị, với những mặt hàng có tác động tới thị trường, Chính phủ nên có đánh giá tác động đầy đủ cả hiệu ứng xã hội sẽ bao quát, đầy đủ hơn.
Còn theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu điều chỉnh loại thuế này mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, có nguồn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường. Ông đề nghị dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho bảo vệ môi trường, người dân "mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác".
Trước lo lắng việc tăng thuế môi trường với xăng, dầu - những nguyên liệu đầu vào thiết yếu của sản xuất, sẽ tác động tới lạm phát, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, Chính phủ đã tiếp thu và có báo cáo tác động đánh giá bổ sung đầy đủ.
Ông Hải phân tích, việc Chính phủ đề nghị chuyển thời điểm hiệu lực của Nghị quyết từ 1/1/2019 sẽ không tác động làm tăng CPI năm 2018, đảm bảo dư địa cho Chính phủ điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động tới đời sống người dân, hoạt động nền kinh tế.
Giá xăng dầu chỉ tác động 0,07 - 0,09% CPI năm 2019 do xăng dầu chỉ là 1 trong 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ tính CPI và quyền số chỉ chiếm 4% mặt hàng giá.
Chưa kể, giá bán lẻ xăng Việt Nam ngày 10/9 ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á, như thấp hơn Lào 5.318 đồng một lít, Campuchia 1.773 đồng một lít, Trung Quốc 1.499 đồng một lít...
Mặt khác, với phương án tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng một lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng các nước trong khu vực, như Campuchia 49%, Lào 56,5%, Trung Quốc 52%...
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho biết, việc điều chỉnh tăng thuế môi trường với xăng, dầu chỉ khiến giá cước vận tải tăng khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Với mặt hàng điện, sản xuất kính, gốm... cơ bản không tác động.
Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã từng được Chính phủ đưa ra tại cuộc họp giữa tháng 7 nhưng thảo luận sau đó các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất thông qua do lo ngại việc tăng thuế các mặt hàng này trong năm nay sẽ tác động, làm tăng lạm phát. Vì vậy cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ hơn để trình xem xét, quyết định tại phiên họp sau.
Tại phiên thảo luận lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo đánh giá tác động bổ sung của Chính phủ đã đầy đủ hơn.
Ngoài xăng dầu, Nghị quyết lần này còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường, như than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi ni lông, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng...
Theo baohatinh.vn