Ảnh : Hoàng Long Thiên tai làm khó nhà nông Chiếm 70% dân số và cũng là "xương sống” của nền kinh tế nông nghiệp, song đời sống của người nông dân lại luôn ở tình trạng bấp bênh. Nỗi lo được mùa mất giá, hoặc được giá nhưng mất mùa vì thiên tai luôn thường trực ở mỗi gia đình người nông dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu xa, miền núi. Mỗi năm, bình quân ngành nông nghiệp đóng góp trên 20% GDP của cả nước. Các sản phẩm từ nông, lâm nghiệp, thủy sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá tra… luôn giữ kim ngạch xuất khẩu đứng hàng đầu. Thế nhưng, ngược lại với những con số "được” ấy thì người nông dân – những người trực tiếp tham gia vào lĩnh vực kinh tế nông nghiệp – lại luôn là những người "mất” nhiều nhất. Dư luận hẳn chưa quên trận lũ kinh hoàng hồi cuối năm 2011 đã khiến 4.000 ha lúa tỉnh An Giang mất trắng. Gần đây nhất, những ngày đầu tháng 9 vừa qua, lũ cũng làm người nông dân các tỉnh miền Trung điêu đứng. Chỉ tính riêng tỉnh Thanh Hóa, đã có tới 10.000 ha lúa của bà con nông dân bị chìm trong nước… Những ngày gần đây mưa lớn đã làm nhiều hecta lúa sắp thu hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập. Thiên tai khiến đời sống người nông dân dễ lâm vào cảnh bần hàn. Khó khăn là thế, song theo nhận định của giới chuyên gia, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua dù không nhỏ nhưng lại đang đi lệch hướng khiến cho đời sống của hầu hết người nông dân Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chính sách chưa trúng! Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, hiện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, có đến 60% doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư chỉ đạt khoảng 0,9% so với tổng số vốn của doanh nghiệp cả nước. Những con số nói trên cho thấy, "tâm lý” của các doanh nghiệp đối với việc đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất e dè, hay nói cách khác, lĩnh vực nông nghiệp chưa có đủ sức kích cầu, thu hút vốn từ các doanh nghiệp. Kết quả một cuộc điều tra gần đầy của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp ở khu vực nông thôn có chiều hướng giảm dần trong những năm qua. Nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp ngại về vùng nông thôn đầu tư, được đánh giá là do các yếu tố khách quan, như cơ sở hạ tầng ở nông thôn lạc hậu, môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi… Tuy nhiên, nguyên nhân chính ở đây, theo nhận định của Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu do những rủi ro mà khu vực nông nghiệp gặp phải thường là thiên tai, dịch bệnh. Đây là mối lo lớn luôn đè nặng lên vai các doanh nghiệp, bởi hậu quả của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, những chính sách cấp đất cho phát triển công nghiệp cũng còn nhiều bất cập, không rõ ràng. Đặc biệt, chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp cũng chưa thực sự được chú trọng, yếu tố này làm yếu sự phát triển theo hướng hiện đại hóa cũng là một trong những nhân tố làm giảm sự thu hút đầu tư. Trên thực tế, sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực này mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế. Ngoài ra, sự khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo các chuyên gia trong ngành, để thực sự kết nối được doanh nghiệp với kinh tế nông nghiệp nông thôn, với người nông dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phải mở ra con đường nối nông dân với thị trường. Cụ thể, cơ chế chính sách phải tạo được sự hấp dẫn thực sự để thu hút các doanh nghiệp, đi kèm đó là các chính sách hỗ trợ ưu đãi với những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp không còn "e dè” khi đầu tư phát triển. Trên thực tế, dù Chính phủ đã có những chính sách nhằm ưu đãi đối với các doanh nghiệp khi tham gia vào "sân chơi” này nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn quá xa rời với nhu cầu thực của doanh nghiệp. Duy Phương |
Nguồn:daidoanket.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã