Theo dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, người lao động thời vụ hoặc có thu nhập ở nơi thứ hai trở lên, sinh viên làm thêm... cứ có thu nhập 1 triệu đồng trở lên vẫn bị khấu trừ 10% dù từ ngày 1.7 tới mức giảm trừ của người nộp thuế đã được nâng lên 9 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc được tăng lên mức 3,6 triệu đồng.
Tính toán đơn giản cũng thấy được rằng ứng với mức giảm trừ mới từ ngày 1.7, người lao động phải có thu nhập trên 108 triệu đồng/năm chưa kể người phụ thuộc mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1, với tỉ lệ khấu trừ 5%. Còn mức khấu trừ 10%, tương đương với người có thu nhập ở bậc 2, tức phải trên 14 triệu đồng/tháng trở lên, tương đương 168 triệu đồng/năm trở lên chưa tính giảm trừ cho người phụ thuộc.
Trong khi thực tế số người thu nhập vãng lai có thu nhập đến mức này rất ít vì đa số lao động vãng lai có thu nhập thấp và không thường xuyên. Nếu cứ chặn trừ trước 10% mỗi khoản thu nhập trên 1 triệu đồng để đảm bảo chắc ăn thu được thuế thì sẽ thiệt thòi cho người làm công ăn lương vì thu nhập ít, không đủ sống nhưng một phần thu nhập lại bị chiếm dụng suốt một năm. Cuối năm lại phải vất vả đi hoàn thuế.
Cụ thể, theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, phần lớn hồ sơ có số tiền hoàn rất ít, thậm chí có trường hợp số thuế hoàn chỉ hơn 20.000 đồng. Còn nhiều nhất là những hồ sơ có số thuế hoàn chỉ vài trăm nghìn đồng. Sự tính toán chi li của nhà làm chính sách không chỉ làm khổ người lao động nghèo mà còn tạo ra sự quá tải mỗi kỳ quyết toán.
Cơ quan thuế thay vì tập trung quản lý nguồn thu lại mất nhiều tháng trời tập trung hoàn thuế cho người lao động. Năm nay, số hồ sơ xin hoàn thuế tại Cục Thuế TP.HCM tính đến đầu tháng 4 đã vượt con số 6.000 và vẫn chưa dừng lại. Trước đó, kỳ quyết toán thuế năm 2011 có đến 10.000 người xin hoàn thuế thu nhập cá nhân, gấp hơn ba lần so với năm 2010.
Cơ quan thuế than chỉ giải quyết bấy nhiêu hồ sơ đã mất vài tháng, không có lực lượng và thời gian để quản lý đối tượng thu nhập cao hơn như: ca sĩ, diễn viên, MC, bác sĩ... - những người mà số thuế thu nhập cá nhân mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng. Nếu giảm bớt số hồ sơ hoàn thuế, lực lượng cơ quan thuế sẽ tập trung thu các đối tượng trên, vừa ít tốn thời gian vừa mang lại số thu cao hơn.
Giải quyết bất cập này, theo các chuyên gia, chỉ nên áp dụng mức thu 5% thu nhập với lao động vãng lai. Nếu chẳng may những đối tượng này không quyết toán để nộp thêm thì cũng chỉ "lọt sàng xuống nia", chẳng đáng là bao. Đằng này lúc nào cơ quan quản lý cũng lo sót thuế nên tìm mọi cách tận thu người làm công ăn lương, trong khi bỏ bẵng các đối tượng có thu nhập rất cao khác. Nếu tình trạng này kéo dài chẳng khác nào "bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng", dẫn đến tâm lý ức chế nơi người tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng trước đây mức khấu trừ thuế dành cho người có thu nhập vãng lai là 1 triệu đồng, tương đương 1/4 mức khởi điểm chịu thuế, nay mức khởi điểm chịu thuế tăng lên 9 triệu thì nên nâng mức khấu trừ lên 3 triệu đồng, như vậy số người thuộc diện hoàn thuế sẽ giảm mạnh. Khi đó, không chỉ đỡ khổ cho người nộp thuế mà cơ quan thuế cũng có thời gian tập trung vào chuyên môn thay vì phải lo giải quyết chuyện hoàn thuế.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;