|
Tháo gỡ những chồng chéo về chính sách sẽ giúp công cuộc giảm nghèo về đích đúng mục tiêu Vẫn tồn tại nghịch lý không muốn thoát nghèo Trước QH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật giảm nghèo để thấy nhiều điều chưa hài lòng cũng như nhiều nghịch lý đang tồn tại gây nên những bất công trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Theo Bộ trưởng Vinh, "nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ngân hàng thế giới WB từng đề nghị chúng tôi trình bày kinh nghiệm về giảm nghèo tại Việt Nam, khi nghe xong, tổ chức này đã khẳng định tiếp tục là nhà tài trợ ODA cho chương trình hỗ trợ giảm nghèo tại Việt Nam. Nhiều nhà tài trợ khác cũng cam kết dành vốn vì họ đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam”. Tuy vậy, nhìn thẳng sự thật, theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, còn nhiều điều chưa hài lòng. Chẳng hạn, về sự dàn trải trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2014, trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn, QH đã quyết định giãn, giảm tiền với nhiều chương trình xuống còn 50% nguồn lực đầu tư so với kế hoạch, nhưng chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới vẫn được giữ nguyên. Vấn đề đáng lưu ý là nguồn lực đã khó khăn nhưng vẫn phải phân ra đến 16 chương trình khi về đến địa phương, nguồn vốn không còn được bao nhiêu, nhiều nơi không thể thực hiện được. Hay như nghịch lý "cào bằng” trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Vì mục đích nhân đạo, ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau, việc làm này khiến hiệu quả hỗ trợ giảm đi nhiều, thậm chí phản tác dụng. "Đồng tiền hỗ trợ bỏ ra cũng phải tạo ra động cơ, động lực. Nghịch lý là giờ các hộ nghèo đều không muốn vươn lên, chỉ mong muốn ở lại làm hộ nghèo mãi vì nghèo thì nhận quá nhiều chính sách hỗ trợ, vươn được lên thì không còn gì cả”, ông Vinh nhận định. Thiếu "nhạc trưởng” "Hiện nay có rất nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chồng chéo, thiếu sự phối hợp hiệu quả và đặc biệt là không bố trí đủ nguồn lực so với kế hoạch. Đồng thời có quá nhiều cơ quan tham gia vào quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình chính sách giảm nghèo, nhưng lại thiếu những cơ chế phối hợp hiệu quả và vai trò điều phối của một nhạc trưởng”, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định. Bà Xuân còn nhấn mạnh rằng, công cuộc giảm nghèo đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thể hiện ở chất lượng giảm nghèo chưa cao, tỷ lệ tái nghèo và hộ cận nghèo còn lớn. Trong khi đó chuẩn nghèo chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu và phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng làm giảm giá trị thực tế của chuẩn nghèo. Đặc biệt hiện nay đang diễn ra một xu hướng đáng lo ngại, đó là khoảng cách chênh lệch về giàu và nghèo càng lớn. Có sự phân hóa giữa nghèo thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các nhóm dân cư giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số. Cũng về vấn đề "nhạc trưởng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ông Đỗ Mạnh Hùng nhận định, ở tầm chính sách chung phải có sự phân công đầu mối tổng thể để quản lý, tổ chức, thực hiện chính sách giảm nghèo. Còn ở từng lĩnh vực được phân công phải rõ ràng trách nhiệm giữa các ngành; có sự phân cấp mạnh hơn cho các địa phương. Ông Hùng còn nói: "Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng khái niệm mới trong giảm nghèo, đó là giảm nghèo theo địa chỉ - giảm nghèo theo từng hộ gia đình với các nguyên nhân nghèo khác nhau. Chính quyền địa phương cơ sở, những người nắm vững nhất tình hình, nguyên nhân sẽ có giải pháp phù hợp, thiết thực với từng hộ nghèo”. Hiến kế giúp dân thoát nghèo Hiến kế cho các giải pháp để hạn chế tư tưởng "xin được nghèo” của người dân, ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, trước hết cần thực hiện điều tra và rà soát, phân loại hộ nghèo, trong đó có thể phân loại theo nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, dẫn đến tái nghèo thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất, gồm những hộ có khả năng lao động, phát triển sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu, phương tiện sản xuất, trình độ canh tác thấp, thiếu kỹ năng lao động, khó tiếp cận khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Nhóm thứ hai, gồm những người bị ảnh hưởng của thiên tai, địch họa bị các tai nạn bệnh tật bất ngờ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế gia đình cũng như tổ chức sản xuất. Nhóm thứ ba, gồm những hộ gia đình không có khả năng lao động như người già, neo đơn, các đối tượng chính sách xã hội. Nhóm thứ tư, gồm những người có khả năng lao động nhưng lười lao động, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thực tế tại địa phương việc này đã xảy ra. ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (ĐăkNông) cũng đề nghị phải theo dõi quá trình thoát nghèo đi kèm với chính sách hỗ trợ sau thoát nghèo. Khi một hộ được đóng dấu thoát nghèo, phải theo dõi họ 3 năm để khi họ có khó khăn, hoặc có biến cố phải có biện pháp giúp đỡ ngay. Có như vậy sẽ không bị tái nghèo, và Chính phủ lại phải giúp họ xóa nghèo từ đầu. Một giải pháp mang tính căn cơ hơn mà ĐB Hạnh nêu ra là chính sách để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. "Đó là một cách giảm nghèo bền vững khi tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Nếu doanh nghiệp không vào cuộc tạo sinh kế cho người nghèo thì rất khó thoát nghèo. Đồng quan điểm, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn, vì vậy cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh trong nông nghiệp vừa để tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập người dân, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. "Tôi đề nghị sớm ban hành đạo luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện hàng năm chuyển khoảng nửa triệu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đây là một giải pháp căn cơ để giảm nghèo ở nông thôn. Cần thay đổi cách đầu tư và tổ chức dạy nghề ở khu vực nông thôn, việc đầu tư các trung tâm dạy nghề cần có trọng điểm, trọng tâm, tránh dàn trải huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề nhưng thiếu giáo viên, thiếu thiết bị dạy nghề, không thu hút được người học”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;