Học tập đạo đức HCM

Trưởng phòng Giáo dục làm khó giáo viên có hoàn cảnh khó khăn

Thứ sáu - 12/10/2012 20:32
Một cô giáo dạy học ở vùng khó khăn của huyện Cẩm Xuyên đến 14 năm, “tay xách nách mang” hai đứa con thơ, lại là vợ của một chiến sỹ đang canh giữ biên cương ở Trường Sa xa xôi, mẹ chồng đau yếu, cha chồng mù loà… nên 2 năm liền đều có nguyện vọng chuyển công tác về địa phương để có điều kiện chăm lo gia đình nhưng không được lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên quan tâm...

 

Hậu phương vất vả

Cô Phan Thị Thanh giáo viên dạy ở Trường tiểu học Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có chồng là thiếu tá Nguyễn Văn Hải hiện là Trạm trưởng Trạm ra đa 57 ở đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. Cô Thanh anh Hải hiện đã có hai đứa con: Nguyễn Vĩnh Hoàng (sinh năm 2002) và Nguyễn Thị Thảo Nguyên (sinh năm 2008). Bố mẹ anh Hải là nông dân thuần phác, đã gần 70 tuổi, hai ông bà sống với nhau, hiện đã già yếu; ông Nguyễn Hữu Bình (bố chồng cô Thanh) đã mù mắt, bà Trương Thị Nhị (mẹ chồng cô Thanh) vừa nuôi chồng vừa phải làm 2 sào ruộng để sinh sống sống. Gia đình cô Thanh và bố mẹ chồng đều sống ở xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên).

 

Trưởng phòng Giáo dục làm khó giáo viên có hoàn cảnh khó khăn

Ông Nguyễn Hữu Bình (ngoài cùng bên phải): "Từ ngày bị mù đến nay, chẳng nhìn thấy cháu nó lớn thế nào, không còn đưa đón cháu đi học được nữa…. "

 

Bản thân cô Thanh do đi dạy xa nhà đến 9-10 km, “tay xách nách mang” hai đứa con thơ, cha mẹ chồng đau yếu nên hết sức vất vả. Sáng sớm người phụ nữ này phải lo cơm nước, đưa con gái sang nhà hàng xóm nhờ đưa đến trường, rồi mẹ con (trai) tất tưởi đến đến Cẩm Lộc - mẹ đi dạy, con đi học. Những lúc không gửi được con, thì mẹ phải đèo con lên ở trường từ sớm, rồi đi dạy, thế là cháu Thảo Nguyên phải một mình chờ cô giáo đến… mở cổng.

Cô Trần Thị Thái – Giáo viên phụ trách lớp 5 tuổi A - Cụm 1, Trường mầm non Cẩm Thịnh cho biết: nhiều lúc cô đến lớp đã thấy Thảo Nguyên có mặt ở trường rồi. “Những lúc mưa gió, mẹ về muộn, ông bây giờ đã mù không đến đón cháu được nữa thế là cô trò phải đợi… mẹ đến tối mịt…” - Cô Thái cho biết thêm.

Chúng tôi gặp bác Trần Đình Hậu – Bí thư chi bộ xóm 9, xã Cẩm Thịnh, nơi gia đình bố mẹ cô Thanh sinh sống, bác Hậu cho biết: gia đình ông Bình, bà Nhị thuộc diện khó khăn của xóm, cả hai ông bà là nông dân, không có thu nhập gì thêm ngoài 2 sào ruộng, lại đau ốm liên miên, đặc biệt hai năm gần đây ông Bình đã bị mù loà, không làm gì được, nên gánh nặng gia đình đều đổ lên đôi vai gầy yếu của bà Nhị… Khi tâm sự về hoàn cảnh hiện nay, ông Nhị hết sức buồn bã: từ ngày bị mù đến nay, chẳng nhìn thấy cháu nó lớn thế nào, không còn đưa đón cháu đi học được nữa…. Giọng lão nông đã ngót nghét bảy mươi tuổi nghèn nghẹn, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mù loà…

Không thuyên chuyển được vì giáo viên tại chỗ ít

Hoàn cảnh là thế, nhưng khi gặp chúng tôi cô Thanh tâm sự: chưa bao giờ cô kể lể với chồng, cô luôn luôn động viên anh rằng: ở nhà mọi sự vẫn tốt, anh cứ yên tâm công tác. Chỉ khi anh Hải biết bố mình đã bị mù thì anh chị mới có ý định xin chuyển công tác cho cô Thanh về gần nhà để tiện bề chăm sóc. Năm học 2011 – 2012, cô Thanh đã trực tiếp gặp ông Đặng Quốc Hiền - Trưởng phòng giáo dục huyện Cẩm Xuyên đề đạt nguyện vọng được về dạy học tại tiểu học Cẩm Thịnh 2, nơi gia đình cô và bố mẹ chồng đang sinh sống. Song, từ đó đến nay, sự việc vẫn không được giải quyết. Đáng nói, cả hai năm học: 2011 – 2012, 2012 – 2013, lãnh đạo Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 nơi anh Hải đang công tác ở Quần đảo Trường Sa đều có công văn đề nghị UBND huyện Cẩm Xuyên và Phòng giáo dục huyện Cẩm Xuyên xem xét, giúp đỡ, phối hợp giải quyết chính sách hậu phương quân đội song không được hồi âm, không được giải quyết.

 

Trưởng phòng Giáo dục làm khó giáo viên có hoàn cảnh khó khăn

Công văn đề nghị (lần 2) của Trung đoàn 292 về việc đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ gia đình thiếu tá Nguyễn Văn Hải để đ./c Hải an tâm công tác nơi quần đảo Trường Sa

 

Chiều 8/10, làm việc với chúng tôi, ông Đặng Quốc Hiền - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết: ông đã nhận được đề nghị của cô Thanh, đề nghị của lãnh đạo Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 nơi anh Hải công tác từ năm học trước, song không thể giải quyết cho cô Thanh chuyển trường được vì khu vực phía Nam huyện (nơi cô Thanh đang công tác) giáo viên tại chỗ rất ít, hộ khẩu thường trú của giáo viên ở Cẩm Xuyên chủ yếu ở vùng ngoài (phía Bắc huyện).

Ông Hiền cho biết: từ khi ông lên chức (năm 2008) lại nay, đã thực hiện chính sách tăng cường “vùng thừa sang vùng thiếu” bằng cách mỗi giáo viên vùng ngoài phải vào công tác vùng trong (phía nam huyện) 2 năm (và cứ mỗi chu kỳ 5 năm thì lặp lại) để… đảm bảo công bằng !

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập: trường hợp cô Thanh đã giảng dạy ở vùng trong (Cẩm Lộc) đã … 14 năm, chưa một lần thuyên chuyển, thì tại sao không được chuyển sang vùng khác thì ông Hiền lại loanh quanh: nhà cô Thanh chỉ cách nơi cô đi dạy khoảng …5 km, rằng vì trường Cẩm Lộc đang xây dựng chuẩn giai đoạn 2, nên cô phải ở lại.

Rồi ông Hiền huyên thuyên: về vấn đề thuyên chuyển giáo viên là một vấn đề làm ông hết sức đau đầu, hiện nay vấn đề này hết sức khó khăn, trong tình hình hiện nay thì không thể giải quyết được. Năm học 2012 – 2013 này ông không hề chuyển cho bất kỳ một trường hợp nào ở vùng trong về vùng ngoài cả, ở trường tiểu học cẩm Thịnh 2 cũng thừa giáo viên, (hiện nay trường này đã nhập với tiểu học Cẩm Thịnh 1) nên làm sao mà chuyển về được.

Chúng tôi lại đề cập "tại sao sự việc “khó giải quyết” nhưng không báo cáo với lãnh đạo UBND huyện để huyện có hướng giải quyết?" thì ông Hiền lảng tránh không trả lời.

Thật không thể chấp nhận được kiểu làm việc của vị “quan phụ mẫu” của ngành giáo dục huyện Cẩm Xuyên. Vẽ ra “vòng” thuyên chuyển đi vào vùng trong 2 năm rồi lại quay lại dẫm lên “vòng”, dẫm lên “vòng” rồi lại chống chế bằng cách… rút ngắn quãng đường đi dạy của giáo viên - Cả ông Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Thịnh, lẫn cán bộ, người dân thôn 9, giáo viên trường tiểu học, mầm non xã Cẩm Thịnh đều phì cười khi chúng tôi đề cập đến lời ông Hiền rằng: nơi cô Thanh ở đến trường tiểu học Cẩm Lộc chỉ có khoảng 5 km ! Tất thảy đều “cá” với chúng tôi rằng: ít nhất phải đến khoảng 9 – 10 km. Mặt khác, ông Trưởng phòng giáo dục khẳng định là không thuyên chuyển giáo viên tiểu học từ ̉vùng trong về vùng ngoài, song theo điều tra của chúng tôi, năm học 2012-2013, ở Cẩm Xuyên có đến 40 trường hợp giáo viên tiểu học phải thuyên chuyển. Trong đó có đến... 12 giáo viên ở vùng trong được chuyển ra vùng ngoài. Trong số 40 giáo viên được thuyên chuyển này, đặc biệt có một trường hợp được chuyển về Trường Tiểu học Cẩm Thịnh 2 (nơi cô Thanh có nguyện vọng xin chuyển về).

Không hiểu vị “quan phụ mẫu” của ngành giáo dục huyện Cẩm Xuyên sẽ nghĩ gì khi người dân Cẩm Thịnh và các giáo viên biết việc ông ăn nói gian dối !

Thực hiện chính sách hậu phương quân đội là trách nhiệm không của riêng ai

Trao đổi cùng Đai tá, Vũ Nam Phong – Chính uỷ, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh về trường hợp nêu trên, đại tá Phong hết sức không đồng tình với cách làm việc của ông Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Xuyên. Đại tá Phong nhấn mạnh: huyện Cẩm Xuyên phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho gia đình thiếu tá Hải an tâm công tác nơi quần đảo Trường Sa.

“Thực hiện tốt hậu phương quân đội (HPQĐ) là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và của mỗi người dân. Nhất là đối với những cán bộ, chiến sỹ đang công tác ở nơi biên giới, hải đảo thì càng phải được quan tâm, ưu tiên”– Chính uỷ Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh nhấn mạnh.

 

Trưởng phòng Giáo dục làm khó giáo viên có hoàn cảnh khó khăn

Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Thịnh – Lê Ngọc Vinh (bên phải): Bố mẹ anh Hải hiện họ chỉ trong cậy vào con dâu khi đau ốm, trái gió trở trời vì con trai ở xa. Trong khi đó cô Thanh lại còn phải nuôi hai đứa con nhỏ....

 

Gặp gỡ chúng tôi, lãnh đạo và người dân hết sức bức xúc. Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Thịnh – Lê Ngọc Vinh cho rằng, trường hợp gia đình của cô Thanh, anh Hải cần được phải ưu tiên xem xét. Vì bố mẹ của họ hiện đã già yếu, mù loà, suy giảm khả năng lao động. Hiện họ chỉ trong cậy vào con dâu khi đau ốm, trái gió trở trời vì con trai ở xa. Trong khi đó cô Thanh lại còn phải nuôi hai đứa con nhỏ, đi dạy xa, trời nắng ráo còn đỡ, chứ về mùa mưa thì rất vất vả…

Còn cựu chiến binh, thiếu tá Trần Đình Hậu - Bí thư Đảng Bộ xóm 9 bức xúc: “Bằng cách này hay cách khác, thì bảo vệ chủ quyền, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân tộc; trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, con em Việt Nam chứ không phải của riêng ai cả”…

Không biết ông Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Xuyên nghĩ gì về những tâm sự trên? Huyện Cẩm Xuyên sẽ xử lý như thế nào?

Hà Tĩnh Online sẽ tiếp tục cung cấp đến bạn đọc những thông tin tiếp theo.

Mai Hoàng-Ngô Tuấn
Theo baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập884
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại753,157
  • Tổng lượt truy cập93,130,821
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây