Học tập đạo đức HCM

Về nơi có tiếng hổ gầm: Rùng rợn đêm nghe tiếng hổ gầm

Thứ năm - 09/05/2013 18:34
Thông tin hai cá thể hổ xuất hiện tại xã Minh Tiến và An Phú đã làm chấn động dư luận xã hội và các nhà khoa học. Đã ba chục năm rồi người ta ngỡ loài này đã tuyệt chủng trên mảnh đất này, nay nghe tin chúng xuất hiện khiến người dân vô cùng hoang mang, nhất là khi họ nghe được tiếng hổ gầm. PV báo NNVN đã về tận An Phú và Minh Tiến tìm hiểu thông tin về "ông Ba mươi"...

Rùng rợn đêm nghe tiếng hổ gầm

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, người tổ chức cho phóng viên báo NNVN chuyến đi xác minh các thông tin về hai cá thể hổ xuất hiện tại xã An Phú và Minh Tiến huyện Lục Yên, ông thành thật: Thông tin rừng Yên Bái xuất hiện hổ là điều rất mừng. Mừng vì rừng được bảo vệ tốt, nên thú rừng vẫn còn, nhất là hổ, loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Nhưng điều đó lại đặt lên vai lực lượng Kiểm lâm một nhiệm vụ rất nặng nề là việc bảo vệ chúng không bị săn bắn và cuộc sống bình an của người dân trong khu vực hổ xuất hiện...

Không lo sao được, gần một tháng nay người dân hai xã An Phú và Minh Tiến khu vực nghe thấy tiếng hổ gầm cứ tối đến là họ đóng cửa, không mấy người ra đường.


Khu rừng xuất hiện tiếng hổ gầm

Ông Lý Kim Ngọc, thôn Tân Lập, xã An Phú năm nay 56 tuổi chưa hết đỗi kinh hoàng khi kể lại đêm đầu tiên nghe thấy tiếng hổ gầm: Sau khi nghe tin người xã Minh Tiến đi rừng gặp hổ, mấy ngày sau đêm mùng chín tháng ba âm lịch, tôi nhớ như vậy bởi hôm sau là ngày giỗ Tổ Hùng Vương, khoảng chín giờ tối, tôi và thằng con trai đang ngồi xem ti vi thì bất chợt nghe tiếng hổ gầm rung cả mặt đất từ trên núi Khuổi Ngan vọng xuống, lũ chó hoảng sợ chạy chui hết vào các xó xỉnh im không dám sủa...

Ông Ngọc lắc đầu, hai mắt tròn xoe: Nghe tiếng hổ gầm rợn hết người, mới đầu nghe tiếng hừm...ừm...ừm, tiếp đến là tiếng hào.. ào.. ào át cả tiếng ti vi. Nó gầm hai tiếng rồi im, đến gần sáng lại nghe nó gầm một lần nữa khiến cả thôn bừng dậy, con trai tôi mở điện thoại lúc đó là 4 giờ sáng. Đêm hôm sau hổ lại gầm hai lần nữa, lần thứ nhất khoảng 11 giờ, lần sau vào lúc 3 giờ sáng, hơn 80 hộ dân ở thôn Tân Lập nhiều người đều nghe được tiếng gầm. Tiếng gầm vẫn ở trên núi kia, đúng là tiếng hổ gầm rồi. Nghe ông tôi kể lại, trước đây vùng này có nhiều hổ, người ta nghe tiếng gầm của nó trên quả núi trước mặt nhà tôi và phía dưới kia. Năm 1973, khi ấy tôi mới 16 tuổi cùng bố tôi là Lý Kim Tính đi thả bò gần hồ Thác Bà, cách đây hai cây số, chúng tôi ngủ ở trong lán để trông đàn bò. Gần sáng nghe tiếng hổ gầm rung cả lán, đàn bò sợ hãi đứng tụm vào nhau. Ngày ấy rừng còn nhiều, thỉnh thoảng hổ lại về bắt một con bò, con lợn. Tôi sợ quá không dám theo bố đi chăn bò nữa. Sau 40 năm, nay tôi lại được nghe tiếng hổ gầm, giống hệt tiếng hổ gầm ngày bé tôi đã nghe. Sợ lắm!


Ông Lý Kim Ngọc kể lại chuyện hổ gầm và nhìn thấy dấu chân của hổ

Nói rồi ông dẫn tôi ra thửa ruộng trước nhà, nơi sáng hôm sau ông thấy những vết chân hổ. Ông bảo: Theo dấu chân thì có hai con hổ, một con hổ to và một con hổ nhỏ, có thể là hổ con. Con hổ mẹ thì đi trên đường dấu chân to như cái bát ăn cơm in trên bùn, người ta còn lấy que cắm xung quanh đánh dấu, nhưng ô tô chở đá xoá hết rồi. Dấu chân hổ con đi dưới ruộng, nó đi lăng nhăng không theo hàng lối nào cả tới góc ruộng thì mất dấu...

Ông Ngọc dẫn tôi ra ruộng tìm dấu chân hổ con, nhưng không thấy gì chỉ thấy toàn vết chân chó. Chỉ dãy núi phía xa ông bảo: Nghe các cụ già kể lại, ngày xưa khi chưa có hồ Thác Bà, nơi đây còn là rừng hổ thường đi từ cánh rừng phía dưới lòng hồ hoặc từ xã Xuân Long của huyện Yên Bình qua đường này rồi lên hang Khau Sum. Ngày xưa người dân nhiều lần nghe thấy tiếng hổ gầm ở đó, người ta gọi là hang hổ gầm. Mọi người ở đây hoang mang và lo lắng lắm, nghe cán bộ kiểm lâm giải thích đã yên tâm một chút nhưng chưa hết lo đâu...

Chúng tôi qua nhà cụ La Thị Vẹ, cụ Vẹ năm nay 86 tuổi sinh ra và lớn lên tại xã Tân Lập. Nhà cụ nằm ngay dưới chân núi, mấy tháng nay gia đình cụ dựng lại nhà mới nên ở tạm trong lán.

Khi chúng tôi hỏi chuyện hổ, cụ rùng mình vẻ mặt hãi hùng: Ối trời, đêm ấy cả thôn này ai mà chả nghe thấy hổ gầm. Tiếng nó gầm rung cả căn lán này đấy, bà sợ lắm. Đàn chó chạy chui hết vào gầm các đống gỗ dưới sàn nhà kia, nhiều con đêm ấy không dám ló mặt ra và chẳng con nào dám sủa. Từ hôm đó bà không dám ngủ ở lán này nữa đâu, chưa làm xong nhà nhưng tối lên đó ngủ, không ai ngủ dưới lán nữa...

Theo lời cụ Vẹ đêm 30/4 mọi người lại nghe được tiếng hổ gầm, đêm 2/5/2013 hai thằng cháu của cụ là Sầm Văn Huấn và Lương Văn Hình đi soi ếch trên núi nghe tiếng hổ gầm bỏ chạy một mạch về nhà. Như vậy, từ đêm 19/4/2013 đến nay người dân thôn Tân Lập đã 4 lần nghe được tiếng hổ gầm. Bà Vẹ lắc đầu: Cán bộ ơi, dân chúng tôi ở đây sợ lắm rồi, nhà nước đưa người về xua con hổ này đi, bây giờ không ai dám lên rừng hay đi làm nương rẫy một mình nữa đâu...


Ông Lộc Xuân Chỉ kể lại những câu chuyện về hổ trên đất Tân Lập

Người biết nhiều chuyện hổ của xã An Phú là ông Lộc Xuân Chỉ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, ông kể: Xã An Phú trước đây là khu vực hổ sinh sống, năm 1958 khi đó tôi còn nhỏ được biết có một người ở dưới xuôi lên bẫy được hai mẹ con hổ ở khu rừng Khau Cuống. Đến năm 1968-1969 lại thấy hổ xuất hiện ở đây, ông Triệu Văn Vinh một thợ săn lão luyện một lần đi săn ở Lũng Đẩy đã bị hổ đuổi phải chạy bán sống bán chết. Nhà tôi trước kia ở thôn Tân Lập khu vực nhà cụ Vẹ đang ở bây giờ, năm 1973 lại thấy hổ xuất hiện. Dấu chân của chúng đi đâu cũng thấy, to bằng miệng bát nước chấm quanh chân núi, cứ đến sẩm tối mọi người lại nghe tiếng hổ gầm. Hồi bố tôi còn sống, chiều ấy cả nhà tôi đang ăn cơm, lúc đó trời đã nhá nhem tối, con chó ngồi chầu phía dưới, bỗng kêu oẳng lên một tiếng, cả nhà vội nhìn xuống sàn thấy con chó bị quăng ra phía trước sân nhà, con hổ nhảy theo quăng con chó sang phía vườn, bố tôi vớ khúc củi đang cháy dở ném qua cửa sổ theo sau nó, than lửa bắn tung toé khiến con hổ bỏ con chó chạy mất. Bố tôi bảo, hổ vốn sợ lửa, nên nhìn thấy lửa là nó bỏ chạy. Hoá ra con hổ này về rình con chó từ lâu rồi, khi con chó mải ngóng lên sàn thì bị con hổ vồ. Còn nhớ năm 1973 ông Nguyễn Văn Nguyệt bắn được con hổ nặng trên 40 kg khi nó về bắt một con lợn của dân. Tôi được ăn thịt con hổ này, thịt nó ăn rất ngọt...

Đúng như mọi người nói, ông Lộc Văn Chỉ kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về hổ. Im lặng một lúc ông bảo: Đã mấy chục năm rồi nay lại nghe người dân phản ánh nghe được tiếng hổ gầm, không phải một hai người mà nhiều người nghe được, lạ thế. Trước đây mỗi năm người dân nghe tiếng hổ gầm vài bận. Nếu có hổ về đây thật thì mấy chục năm qua con hổ này sống ở đâu sao bây giờ mới trở lại đây? Cứ nghe những gì bà con nói với kinh nghiệm của bản thân, tôi tin tám mươi phần trăm rừng An Phú còn hổ...

 

Ông Đăng Văn Tâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lục Yên, cho biết: Hai xã An Phú và Minh Tiến còn trên hai ngàn ha rừng liền một dải. Sau khi có thông tin hổ xuất hiện, huyện thành lập hai đoàn công tác bao gồm cả công an và kiểm lâm xuống các thôn bản của hai xã An Phú và Minh Tiến tổ chức họp dân, phổ biến những quy định của pháp luật, hổ là loài động vật hoang dã vô cùng quý hiếm nhà nước cấm săn bắn đồng thời hướng dẫn cho nhân dân cách xua đuổi hổ. Gần một tháng nay cán bộ kiểm lâm bám sát địa bàn, túc trực ngày đêm nắm bắt mọi thông tin về hổ. Đêm Chủ nhật 5/5 một người tên là Hải ở xã Liễu Đô cùng với ba người đi đào đá quý trên núi giáp khu rừng xã Minh Tiến cũng nghe thấy tiếng hổ gầm. Họ sợ quá, mấy ngày nay không ra khỏi lán, điện về gia đình báo chưa dám xuống núi về nhà...
 

Theo NNVN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập201
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại195,499
  • Tổng lượt truy cập90,258,892
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây