Tại Tiền Giang, công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương vẫn đang được siết tất chặt. Hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản nhiều nơi ở tỉnh này vẫn đang vấp phải những câu chuyện dở khóc, dở cười.
Chẳng hạn như tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, địa phương này đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Để giữ vững và mở rộng vùng xanh, huyện này quy định chỉ những người dân ở xã vùng xanh mới được đến xã vùng xanh, và phải có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Các xã vùng đỏ, cam, vàng không thể đến vùng xanh. Điều này vẫn đang khiến việc nông dân ra đồng sản xuất gặp rất nhiều phiền toái.
Ở xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước), nhiều người dân có ruộngkhóm (dứa) ở khác xã, dù được lãnh đạo địa phương nơi đi cho phép lẫn nơi đến đồng ý tiếp nhận, nhưng vẫn không thể đi sang ruộng khóm nhà mình ở khác xã để chăm sóc, thu hoạch chỉ vì thiếu giấy test Covid-19.
Anh Bùi Văn Thiện, có hộ khẩu thường trú tại xã Phú Mỹ nhưng có ruộng khóm ở xã Tân Hoà Đông và xã Thạnh Mỹ (cùng huyện Tân Phước) lo lắng cho biết: Ruộng khóm nhà anh hiện đã chín nhưng mấy ngày nay anh vẫn không đi được từ xã Phú Mỹ sang xã Tân Hòa Đông và Thạnh Mỹ để thu hoạch, vận chuyển khóm vì thiếu giấy test Covid-19 khi qua chốt chặn.
Ngặt nỗi, tại huyện Tân Phước, có rất ít cơ sở có năng lực thực hiện xét nghiệm và cấp giấy test nhanh Covid-19 cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ sở này nghỉ lễ 2/9 vừa qua tới 4 ngày nên anh Thiện đành phải sốt ruột mà chờ đợi, không thể ra đồng thu hoạch khi khóm đã chín rũ.
Nông dân ra đồng đã khó, cánh thương lái đi thu mua nông sản càng khó hơn. Nhiều thương lái do không thể đáp ứng được yêu cầu để qua các chốt kiểm soát dịch bệnh nên mới xuất hiện tình trạng trăm người bán mà “hổng có ai mua”.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Tân Hoà Đông cho biết: Tại địa phương có rất ít thương lái, mà nông sản, trái cây chủ yếu do thương lái bên ngoài. Trong khi đó, do việc vào địa bàn xã để thu mua nông sản gặp khó khăn nên số thương lái vào thu mua nông sản cho người dân rất ít. Ngay cả các vựa thu mua tại địa bàn xã cũng chỉ hoạt động cầm chừng, uỷ thác cho nhân công đi thu mua...
Tại xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), do có ca F0 tại ấp Thới Thạnh nên UBND xã này đã phong toả toàn xã trong 10 ngày qua. Nhiều thương lái do đó thời gian qua đã không thể vào thu mua cá cho nông dân ở địa bàn xã này.
Theo các hộ nuôi cá ở xã Thới Sơn, nhiều ngày qua, thức ăn cho cá cũng đã hết, ảnh hưởng đến khoảng 1.000 bè cá ở đây với sản lượng khoảng 1.000 tấn. Bên cạnh đó, giá thức ăn cũng liên tục tăng nên chi phí giữ lại đàn cá sẽ tăng cao.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Bỉnh ở xã Thới Sơn nuôi 16 bè cá với sản lượng khoảng 40 tấn, trọng lượng cá hiện đã từ 1,3 - 1,4 kg/con, cần được thu hoạch lo lắng: Do không bán được cá nên cánh đại lý không chịu đưa thức ăn về cho lớp cá nhỏ ăn. Cả đàn cá lớn bé đang đối diện nguy cơ bị bỏ đói.
"Thông thường, bán cá lớn thì mới xoay vòng lấy tiền về mua thức ăn cho cá nhỏ ăn. Bây giờ đại lý không thu mua cá được, nên không có thức ăn cho cả cá lớn và cá bé. Đàn cá lớn càng giữ lại nuôi báo cô cũng không xong, mà bán cũng không được, trong khi cá bé không có thức ăn thì nguy cơ chết đói...”.
Trước tình cảnh "nước sôi lửa bỏng" này, ngày 3/9, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã không thể ngồi yên được nữa, họ gởi đơn kêu cứu đến các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương.
Ông Lê Hữu Khanh, một thương lái bán thức ăn và bao tiêu cá cho gần 1.000 bè cá ở cồn Thới Sơn đã gởi đơn kêu cứu thay cho các hộ dân liên kết với ông để vào mua được cá. Ông Lê Hữu Khanh chia sẻ: “Từ lúc xã Thới Sơn có mấy ca F0 đã phong tỏa ấp Thới Thạnh nhưng giờ xét nghiệm 3 lần đều đã âm tính hết, mà xã vẫn không cho phép thương lái đi bắt cá”.
Do đó, ngày 4/9, UBND xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) đã có văn bản trả lời và hướng dẫn ông Lê hữu Khanh để khẩn cấp vào thu mua cá cho người dân ở đây.
Cho nông dân ra đồng là giãn cách tốt nhất
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An (huyện Mỹ Bình, tỉnh Long An) cho rằng: Trong tình hình hiện nay, các loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch, nhất là sang thị trường Trung Quốc cơ bản vẫn tiêu thụ tốt.
Cho nên, cần tạo điều kiện để các ngành hàng nông sản này hoạt động tốt nhất. Trong đó, bên cạnh ưu tiên tiêm vacxin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cũng nên ưu tiên cho lực lượng sản xuất "3 tại chỗ". Bên cạnh đó, phải có cơ chế để nông dân có thể ra đồng để duy trì hoạt động sản xuất, chăm sóc, thu hoạch... nông sản.
Theo ông Huy, giãn cách ở đô thị nơi mật độ dân số rất đông đúc phải khác so với nơi có mật độ dân số rất thấp như ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL rất thưa thớt. Nông dân ra đồng sản xuất, ruộng nhà ai nhà ấy làm, không gặp gỡ trao đổi với ai, ra đồng xong rồi chỉ về nhà mình thì vẫn hoàn toàn đảm bảo việc giãn cách xã hội, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, mà vẫn duy trì được sản xuất...
"Để nông dân ra đồng, có khi lại là phương án giãn cách tốt nhất. Nếu giãn cách phù hợp thì sản xuất sẽ phục hồi tốt nhất. Con cá, cọng rau của nông dân không còn phải gian nan như bây giờ nữa”.
https://nongnghiep.vn/con-ca-trai-cay-trong-canh-nuoc-soi-lua-bong-d301913.html
Theo Minh Đảm/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã