Ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp xây dựng Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bấp hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện chống khai thác IUU, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển triển khai các giải pháp để thực hiện khuyến nghị của EC nhằm sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng". Tuy vậy, công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng muốn gỡ được "thẻ vàng", cần phải tự đặt câu hỏi tại sao lại bị EC rút "thẻ vàng", qua đó Thứ trưởng đã chỉ ra những thực trạng của ngành khai thác thủy sản của Việt Nam.
Thực trạng nhức nhối nhất hiện nay là lực lượng đội tàu lớn, dẫn đến cường lực khai thác có mật độ quá đông. Lực lượng ngư dân chưa được đào tạo, còn theo truyền thống “cha truyền con nối”, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao.
Thực trạng hạ tầng thủy sản còn yếu kém. Cần phải khẳng định sẽ không thể gỡ được "thẻ vàng" nếu không đầu tư, nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, vì hạ tầng yếu kém sẽ không thể quản lý tốt đội tàu cũng như không thể truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các khu tránh trú bão vẫn chưa đảm bảo được công suất cũng như các tiêu chí; các cảng cá chưa được quản lý chặt chẽ, sát sao...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), "thẻ vàng" IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017 - 2019, sau 2 năm chịu tác động từ "thẻ vàng" IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.
Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất thị trường EU trong trường hợp ngành khai thác hải sản bị EC phạt "thẻ đỏ" nếu không có các giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.
Nếu trường hợp bị EC cảnh báo "thẻ đỏ", tất cả sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào thị trường của EU, ngoài ra thị trường EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Chính vì thế, việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định đến năm 2025” là rất cấp thiết hiện nay nhằm sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC và phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện nay, đang có nhiều thông tin ngoài nước từ các tổ chức quốc tế liên quan và nước thứ ba cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Châu Âu tác động bất lợi đến nỗ lực của Việt Nam để gỡ "thẻ vàng", gây sức ép với phía EC không gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam hoặc thậm chí đề nghị nâng lên cảnh báo "thẻ đỏ", vì Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU.
https://nongnghiep.vn/xuat-khau-thuy-san-sang-eu-tut-manh-do-the-vang-d300188.html
Theo Phạm Hiếu - Đức Minh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã