Được thành lập vào năm 2018, HTX thủy sản Phước Vĩnh Tây là HTX nuôi tôm đầu tiên của huyện Cần Giuộc (Long An) với 26 thành viên, tổng diện tích canh tác là 19,5 ha, vốn điều lệ ban đầu 1,2 tỷ đồng. Hiện, hầu hết diện tích nuôi tôm nước lợ của HTX đều sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình sản xuất tôm ƯDCNC của HTX, ông Nguyễn Văn Sành - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX cho biết, nhận thấy nuôi tôm theo kiểu truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro do khó kiểm soát dịch bệnh, sản lượng không theo kịp chi phí sản xuất và tốn nhiều nhân công, ngay từ lúc thành lập, HTX đã định hướng cho các thành viên nuôi tôm theo hướng ƯDCNC. Tuy nhiên, để thực hiện thành công hướng này đòi hỏi phải tốn nhiều chi phí.
“Tất cả công đoạn bắt buộc làm lại từ đầu, theo đó, ngoài chỉnh sửa hạ tầng khu nuôi còn phải trang bị thêm rất nhiều trang thiết bị phụ trợ như máy tạo ô xi, máy quạt, lót bạt, làm xi phong đáy… Ngoài ra, nuôi tôm ƯDCNC đòi hỏi phải có 70% diện tích phụ trợ bao gồm ao nuôi tôm giống, hệ thống ao lắng để lọc sinh học và xử lý mầm bệnh trước khi cấp nước vào ao nuôi, chưa kể nguồn giống, thức ăn trong quá trình nuôi, đa phần hộ nuôi nhỏ lẻ, tài chính có hạn không thể đầu tư nổi”, ông Sành chia sẻ.
Cần Giuộc là một trong thủ phủ nuôi tôm của tỉnh Long An. HTX thành lập nhận được rất nhiều điều kiện thuận lợi. Theo đó, trước khi đi vào xây dựng HTX, các thành viên được ngành nông nghiệp địa phương cho đi học hỏi kinh nghiệm từ những nơi có mô hình hay, hiệu quả như Bạc Liêu, Sóc Trăng… Ngoài ra, HTX còn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, liên minh hợp tác xã. Đặc biệt, HTX nhận được sự quan tâm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi tôm như công ty CP, họ sẵn sàng cung cấp giống, vật tư đầu vào, cử cán bộ kỹ thuật xuống tận ao tư vấn, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, đồng thời bao tiêu đầu ra sản phẩm.
So sánh hiệu quả giữa nuôi tôm ƯDCNC và truyền thống, ông Nguyễn Văn Sành cho biết thêm, đối với nuôi tôm ƯDCNC thời gian sử dụng vật tư trong nuôi tôm sẽ kéo dài từ 5-7 năm, trong khi đó chi phí đầu tư cho nuôi truyền thống sẽ thấp hơn, nhưng sau mỗi vụ nuôi người dân phải đầu tư lại, do vậy chi phí cũng rất tốn kém.
Ngoài ra, với ao đất, mật độ thả nuôi thường chỉ khoảng 60 con/m2 thì ao nuôi ƯDCNC thả nuôi 150 - 300 con/m2. Điều đáng nói, nuôi tôm ao đất chịu nhiều rủi ro vì ô nhiễm đất, ô nhiễm nước... thì ao nuôi ƯDCNC lại tránh được điều này với một quy trình khép kín. Tuy nhiên, để làm được đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm và tay nghề trình độ kỹ thuật cao.
Mặt khác, kích cỡ tôm thu được từ nuôi công nghệ cao sẽ tăng lên, trung bình từ 20-25 con/kg, nuôi truyền thống từ 45-50 con/kg, khi đó giá thành của tôm có kích cỡ lớn sẽ cao hơn tôm nhỏ từ 60.000-80.000 đồng/kg. Do vậy, nuôi theo hướng ƯDCNC không chỉ mang lại hiệu quả về sản lượng, mà còn hiệu quả về giá bán.
“Tham gia vào HTX thành viên phải thực hiện đúng quy trình sản xuất thời vụ, đảm bảo con giống phải chất lượng, sạch bệnh, con tôm sản xuất ra sạch. Chính vì thế, vừa qua trong đợt dịch bệnh Covid-19, HTX cũng có một số khó khăn khi xuất tôm ra thị trường, tuy nhiên HTX vẫn được bán được tôm, thậm chí giá cao do được đối tác tin tưởng. Qua nhiều năm thực hiện nuôi tôm ƯDCNC, tôi thấy rằng HTX đã đi đúng hướng, việc thực hiện tôm ƯDCNC có lợi cho thành viên HTX về sản lượng, giảm chi phí, nhân công, lợi nhuận cao hơn so với truyền thống”, ông Sành khẳng định.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Cần Giuộc, hiện địa phương có 5 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác nuôi tôm nước lợ có ƯDCNC. Để nuôi tôm theo mô hình này, vốn đầu tư ban đầu khoảng 200-300 triệu đồng/1.000m2 nhưng người nuôi giảm được chi phí lao động, giảm tỷ lệ hao hụt con giống, ít rủi ro, tôm đạt chất lượng, bán được giá. Sau 3 tháng thả nuôi, người dân thu hoạch khoảng 3 tấn/1.000m2, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng/vụ, cao gấp hai lần so với cách nuôi truyền thống.
Cùng với các chính sách hỗ trợ, Cần Giuộc đã thúc đẩy việc liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh, giá bán cho sản phẩm. Các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện cũng hướng dẫn thành viên, hộ liên kết chủ động luân canh giữa các vụ tôm nhằm tái tạo chất lượng môi trường ao nuôi, loại bỏ mầm bệnh của vụ trước để hạn chế dịch bệnh.
“Sự đồng hành của các HTX, tổ hợp tác và chính quyền địa phương đã và đang giúp nghề nuôi tôm nước lợ huyện Cần Giuộc gặt hái nhiều thành công, trở thành một trong những nghề làm giàu của người dân trên địa bàn. Nghị quyết của Huyện ủy Cần Giuộc đặt mục tiêu sản lượng tôm toàn huyện 2022 là 5.300 tấn, ngành nông nghiệp huyện Cần Giuộc khuyến cáo người dân cải tạo, vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường đúng quy trình kỹ thuật để loại bỏ các mầm bệnh từ vụ nuôi trước. Với sự chuẩn bị chu đáo của nông dân cùng với những khuyến cáo, sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, tin rằng, vụ tôm năm 2022, nông dân huyện Cần Giuộc sẽ trúng mùa, được giá”, ông Ngô Bảo Quốc - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cần Giuộc nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;