Học tập đạo đức HCM

Đa dạng mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế ở Điện Biên

Thứ ba - 05/10/2021 09:55
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, nhiều mô hình như trồng rừng, ngô, chăn nuôi… của Điện Biên phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Phát triển rừng ở địa phương có tiềm năng

Trong các địa phương có tiềm năng phát triển rừng, tại 2 huyện: Tuần Giáo và Mường Ảng, từ năm 2016 đến nay đã thực hiện trồng rừng với diện tích 2.842ha (chiếm 62% diện tích rừng trồng toàn tỉnh), khoanh nuôi mới 9.613ha (chiếm 56% diện tích khoanh nuôi mới toàn tỉnh).

Riêng đối với huyện Tuần Giáo trong năm 2021 đã trồng 63,7ha rừng phòng hộ và khoanh nuôi rừng tái sinh 500ha. Đồng thời tổ chức giao khoán phần diện tích có rừng 8.049ha cho 11 cộng đồng bản tại 4 xã: Ta Ma, Phình Sáng, Mường Khong và Pú Xi để quản lý bảo vệ theo quy định. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã có sự chủ động trong chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

rung.jpg
 

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo chăm sóc cây giống.

Ngoài ra, hiện nay ngoại trừ huyện Mường Ảng, các huyện còn lại đều có ban quản lý rừng phòng hộ để hỗ trợ đơn vị chuyên môn cấp huyện trong thực hiện công tác phát triển rừng. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo vệ được diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm; tỷ lệ che phủ rừng tỉnh tăng đều hàng năm (từ 38,5% năm 2016 lên 42,66% năm 2020 và dự kiến hết năm 2021 đạt 42,96%). Toàn tỉnh thực hiện trồng được 4.565ha rừng (1.303ha rừng phòng hộ, 3.253ha rừng sản xuất, 9ha rừng đặc dụng); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 61.638ha (khoanh nuôi mới 17.255ha, khoanh nuôi chuyển tiếp 44.383ha).

Theo kết quả rà soát, đánh giá thì tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng là địa phương có tiềm năng để phát triển rừng. Các huyện có điều kiện giao thông thuận lợi (nằm trên các trục đường quốc lộ); diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp vẫn còn tương đối lớn (khoảng 127.766ha). Đặc biệt, hiện nay với mức đầu tư, hỗ trợ thực hiện hoạt động lâm nghiệp trong chính sách của Trung ương đã được nâng lên nhiều so với giai đoạn trước. Các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ công tác phát triển rừng cũng được triển khai hiệu quả; nhiều mô hình phát triển sản xuất dưới tán rừng bắt đầu cho thu nhập. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án trồng cây mắc ca, trồng rừng sản xuất, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Bởi vậy, không chỉ người dân ở địa phương được xác định là có tiềm năng phát triển rừng mà còn trên địa bàn toàn tỉnh đã thấy được lợi ích, hiệu quả của việc trồng rừng và mong muốn, tích cực tham gia các hoạt động phát triển rừng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Mặc dù vậy, nguồn vốn đầu tư cho phát triển rừng chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương nên rất khó chủ động trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, do nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, hạ tầng, giao thông kém phát triển, chất lượng lao động chưa cao nên còn khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Thực tế, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản dựa vào sản xuất nông nghiệp; người dân lo sợ mất đất canh tác khi tham gia thực hiện các hoạt động trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Dù được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; tuy nhiên, đất vẫn do người dân quản lý, sử dụng để canh tác nương rẫy. Bởi vậy, diện tích đất “sạch” để giao hoặc cho doanh nghiệp thuê nhằm phát triển rừng hầu như không có, khi thực hiện các dự án, doanh nghiệp phải bỏ vốn đầu tư để đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đất đai mất nhiều thời gian và vốn đầu tư...

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp được UBND tỉnh giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu phân bổ, bố trí nguồn kinh phí thực hiện; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở thường xuyên theo dõi, tổ chức, kiểm tra nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Với diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh lớn (chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), điều kiện khí hậu Điện Biên được đánh giá khá thuận lợi, thích hợp với nhiều loại cây trồng.

Nhiều mô hình khuyến nông ứng dụng khoa học, công nghệ

Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã tiến hành hội thảo tham quan mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học tại xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa). Sau 4 tháng triển khai thực hiện, mô hình 1.500 con vịt bầu đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Về hiệu quả kinh tế, sau 10 tuần tuổi nuôi, lứa vịt đạt tỷ lệ sống 97,3%, trọng lượng bình quân mỗi con 2,3kg, với tổng số tiền lãi của các hộ ước đạt 54 triệu đồng.

khuyen-nong.jpg
 

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vịt.

Là 1 trong 15 hộ dân tham gia mô hình, gia đình chị Liềm Thị Nhung, thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng được Trung tâm giao 100 con vịt bầu và đầu tư 100% giống, thức ăn và thuốc thú y; đến nay, đàn vịt của gia đình chị phát triển và sinh trưởng tốt. Chị Nhung cho biết: Sau khi được tham gia mô hình, tôi đã học hỏi thêm nhiều kiến thức về chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi như tiêm vắc xin, khử trùng chuồng trại, không xả thải ra môi trường… Mong rằng trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống, kinh tế cho người dân trong xã.

Đánh giá về mô hình triển khai tại địa bàn, anh Lò Văn Sâu, cán bộ khuyến nông xã Tủa Thàng cho biết: Mô hình đã giúp thay đổi nhận thức của bà con nông dân, từ phương thức chăn nuôi truyền thống, chủ yếu là thả rông, chuyển sang phương thức chăn nuôi bán chăn thả, có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động phòng dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Qua đó, tạo động lực cho người dân phát triển chăn nuôi, tăng quy mô đàn, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chuyển từ tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã triển khai nhiều dạng mô hình cơ giới hóa ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, như mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), mô hình trồng thâm canh cây giổi xanh tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng), mô hình chăn nuôi bò sinh sản thâm canh tại huyện Điện Biên, mô hình chăn nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Luông (huyện Điện Biên)... Thực tế triển khai cho thấy, các mô hình đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi được Trung tâm xây dựng theo hướng an toàn sinh học đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, giúp chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại. Các mô hình thủy sản đã đưa các giống mới vào nuôi trồng, quản lý tốt môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh bằng các chế phẩm sinh học đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, qua đó khuyến khích các hộ gia đình có sự đầu tư lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời là cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.

Tuần Giáo, vựa ngô của tỉnh

Vụ ngô xuân hè năm nay, huyện Tuần Giáo gieo trồng 6.550ha ngô, tập trung ở các xã vùng cao: Pú Nhung, Tỏa Tình, Rạng Đông, Phình Sáng, Ta Ma... Với việc tuyên truyền và hỗ trợ giống, nhiều năm trở lại đây, nông dân Tuần Giáo đã chuyển từ gieo trồng giống ngô truyền thống năng suất thấp sang sử dụng giống ngô lai cho năng suất cao. Các giống ngô chủ yếu: NK 6101; NK 7328; ĐK 9955... có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, khá phù hợp với tập quán canh tác của người dân vùng cao.

ngo.jpg
 

Người dân bản Khó Bua, xã Pú Nhung thu hoạch ngô xuân hè.

Ông Phạm Hữu Chiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: “Ngay từ đầu vụ ngô xuân hè, phòng phân công cán bộ phụ trách xã tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, vun xới, bón phân đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với việc đưa các giống ngô lai chất lượng cao vào gieo trồng nên năng suất ngô tăng, ước đạt 28 tạ/ha; sản lượng toàn huyện đạt khoảng hơn 14.000 tấn. Không những năng suất tăng mà bà con trên những rẻo cao rất phấn khởi vì vụ ngô năm nay được mùa, được giá. Nếu như giá ngô bắp tại nương năm 2020 chỉ đạt từ 2.200 - 2.500 đồng/kg, thì vụ ngô này giá dao động từ 3.500 - 4.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Hiện phòng hướng dẫn bà con thu hoạch đến đâu, làm đất, trồng ngô thu đông đến đó (tổng diện tích ngô đã thu hoạch đạt trên 5.120ha).

Về xã Pú Nhung, từ sáng sớm chúng tôi đã thấy từng tốp người cần mẫn trên nương. Ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung chia sẻ: Tranh thủ thời tiết khô ráo, người dân lên nương thu hoạch ngô tập kết tại chân núi rồi, vận chuyển dần về nhà bằng xe máy. Năm nay, Pú Nhung gieo trên 700ha ngô, việc thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 mới xong. Đến nay, đã thu hoạch trên 90%; năng suất cao hơn vụ trước (ước đạt từ 28 - 30 tạ/ha), bà con rất phấn khởi, ngô thu hoạch đến đâu bán đến đó.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết mát mẻ lúc sáng sớm, bà con bản Phiêng Pi (xã Pú Nhung) lên nương thu hoạch ngô, không khí lao động khẩn trương, tiếng nói cười rộn rã. Ông Mùa A Sình chia sẻ: “4ha ngô nhà tôi đã chín đồng loạt nên phải huy động thêm người thân, thu hoạch liên tục trong nhiều ngày mới xong. Mặc dù nắng nóng nhưng ai cũng vui vì ngô năm nay được mùa, được giá”. Hạt ngô to đều, vàng óng; nên ngay sau khi thu hoạch, gia đình ông Sình chỉ cần vận chuyển ra ven quốc lộ là thương lái vào tận nơi chở. Theo ông Sình, nương ngô nhà ông thu hoạch trên 30 tấn ngô bắp, với giá bán từ 3.500 - 4.000 nghìn đồng/kg, mang về thu nhập gần 120 triệu đồng.

Tiếp tục về Tỏa Tình, dọc tuyến đường bê tông từ bản lên nương từng vạt ngô đã ngả vàng, tốp xe máy nối nhau chở ngô về bản. Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình chia sẻ: Xác định thế mạnh về cây ngô, những năm gần đây xã đã chủ động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô. Vì thế vụ xuân hè này, diện tích ngô xã Tỏa Tình được mở rộng, với tổng trên 500ha. Vụ ngô xuân hè năm nay bà con phấn khởi bởi được mùa, được giá. Hiện diện tích đã thu hoạch đạt trên 70%, năng suất đạt từ 30 - 35 tạ/ha, giá dao động từ 4.000 - 4.600 đồng/kg. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động nhân lực để thu hoạch, bảo quản ngô đảm bảo chất lượng, phấn đấu đến cuối tháng 11 xã thu hoạch xong toàn bộ diện tích ngô.

Được xem là vựa ngô của xã Tỏa Tình, vụ này bản Tỏa Tình gieo trên 300ha ngô, nhà nhiều nhất 6 - 7ha, nhà ít cũng 2ha. Nhờ bố trí lịch thời vụ phù hợp, tiến hành làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... nên ngô đạt năng suất cao, tổng sản lượng cả bản đạt trên 2.000 tấn. Nhanh tay buộc những bắp ngô treo lên giá phơi cho được nắng, chị Ly Thị Chía, bản Tỏa Tình nói: “Trước đây, nhà tôi chủ yếu trồng đậu tương, sắn... nhưng năng suất thấp. Vì thế, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhà tôi đã cải tạo đất, gieo 30kg ngô giống (111 và CP511) với tổng diện tích 2ha”. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu xuống giống đến chăm sóc, thời tiết thuận lợi nên ngô được mùa, sản lượng đạt gần 15 tấn; xuất bán với giá thành cao đã giúp nhà tôi cải thiện thêm thu nhập, ổn định đời sống.

https://kinhtenongthon.vn/da-dang-mo-hinh-nong-nghiep-phat-trien-kinh-te-o-dien-bien-post45917.html
Theo V.N - Tổng hợp/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập505
  • Hôm nay92,495
  • Tháng hiện tại828,605
  • Tổng lượt truy cập93,206,269
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây