Học tập đạo đức HCM

Đặc sản nấm tràm và ... 'chợ chạy'

Chủ nhật - 10/10/2021 19:11
THỪA THIÊN - HUẾ Nấm tràm, một đặc sản của Huế, cũng là món quà rừng núi ban tặng giúp người khó khăn mưu sinh mỗi mùa mưa thu. Nhưng việc mưu sinh của họ thật chật vật.

Ở Thừa Thiên - Huế, năm nào nấm tràm sau những cơn mưa thu cũng mang lại “lộc trời” cho người dân. Năm nay, nấm tràm đặc biệt bội mùa. Câu chuyện tiêu thụ nấm tràm năm nay cũng có nhiều điều đáng bàn, nhất là cải thiện sinh kế cho những “thợ săn” nấm và người dân nghèo thành thị, nhất là trong bối cảnh Covid-19.

Người ướt, nhưng không để nấm bị ướt

Những cánh rừng tràm bạt ngàn tại Thị xã Hương Thủy, Thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền hay Phú Lộc đều là "mảnh đất hứa” cho nấm tràm rộ lên sau những ngày Huế vào mùa mưa.

Người già, lẫn trẻ nhỏ ở Huế mỗi mùa mưa thu lại lần theo những vùng gò đồi có nấm tràm để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Thắng Hòa.

Người già, lẫn trẻ nhỏ ở Huế mỗi mùa mưa thu lại lần theo những vùng gò đồi có nấm tràm để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Thắng Hòa.

Theo chân các “thợ săn” nấm tới xã Bình Tiến (Thị xã Hương Trà), chúng tôi say sưa đi theo những vùng chi chít cây nấm. Đã cuối mùa, việc thu hái nấm phải đi sâu hơn vào trong rừng, lật tìm từng chùm nấm mập ú màu mận tím hệt như những chiếc ô xoe tròn ẩn lẫn vào màu nâu của đất và lá keo tràm mục.

Chị Mỹ Ngọc (32 tuổi, đường Chi Lăng, Thành phố Huế) đã tranh thủ những ngày này lên vùng gò đồi xã Bình Tiến men theo những ngọn suối thu lượm nấm tràm về bán kiếm đồng ra đồng vào.

Đi được một ngày, chị Ngọc thu được 2,5 kg nấm tràm và một ít nấm gà. Chị Ngọc bảo: Những người chuyên đi hái nấm tràm có kinh nghiệm thường đi vào sâu bên trong rừng mới hái được nhiều. Còn chị, đi chủ yếu để biết việc hái nấm tràm kiếm tiền không hề đơn giản.

Khác với chị Ngọc thì anh Huỳnh Long, người làng Dạ Lê (Thị xã Hương Thủy) lại có thâm niên nhiều năm “săn” nấm tràm. Cứ cuối tháng 8 hàng năm, anh gói gém vào rừng tràm. Hành trang mang theo của người “thợ săn" nấm tràm chỉ là đôi ba cái làn nhựa và đôi tay chịu lấm lem mùn đất.

Những giỏi nấm tràm về bán ở Thành phố Huế là cả mồ hôi, nước mắt của bà con nghèo ở vùng gò đồi trồng tràm. Ảnh: Thắng Hòa.

Những giỏi nấm tràm về bán ở Thành phố Huế là cả mồ hôi, nước mắt của bà con nghèo ở vùng gò đồi trồng tràm. Ảnh: Thắng Hòa.

Len lỏi cùng anh Long đi vào rừng giữa mùi nhựa tràm thơm ngai ngái sau mưa, mải chạy theo chùm chùm nấm nằm rải rác, lắm khi chúng tôi cũng lạc nhau. Thỉnh thoảng, cơn mưa chiều bất bợt về khiến anh Long phải vội vã quấn giỏ nấm trong bọc áo mưa, hái ít lá tràm phủ lên giỏ.

Chịu mình ướt để nấm khô, anh cười nói: “Mình phải giữ cho nấm không dính nước bởi một khi đã nhổ khỏi mặt đất, chỉ cần dính đôi ba hạt mưa là nấm tràm dễ đen, thối”.

Anh Long thu lượm ngày nhiều được 20 kg nấm, ngày ít khoảng từ 4 - 5 kg. Từ rừng tràm đi ra với giỏ đầy ắp nấm trên tay, đầu tóc bết bát mồ hôi, nước mưa và bụi anh Long vẫn rạng rỡ reo: “Từ đầu mùa tới nay, bình quân nấm tôi tự hái bán được khoảng 100.000 – 300.000 đồng/ngày”.

Anh Long đã tranh thủ từng giờ vì mùa nấm tràm thường chỉ kéo dài độ 10 – 15 ngày. Năm nay, mùa nấm tràm kéo dài gần 3 tuần vẫn chưa hết. Cứ một ngày đi hái nấm, gom nấm của láng giềng thì ngày kế tiếp chở nấm tràm về đường Nam Giao (Thành phố Huế) bán, gom nấm cho họ hàng đem bán chung, có ngày anh Long bỏ túi cả triệu đồng.

Nấm tràm như món quà từ mùa mưa xứ Huế với vị đắng ngọt hậu khó quên. Và món quà từ nấm tràm cũng đã và đang mang lại cho người dân nghèo cơ may kiếm sống từ sự chịu thương chịu khó. Họ cần những đòn bẩy và sự hỗ trợ kịp thời.

Chật vật mưu sinh ở… "chợ chạy" bán nấm tràm

Khung cảnh sáng sớm 6h đến hơn 20h tối trước Đàn Nam Giao (Thành phố Huế) nhộn nhịp không ngớt. Khoảng 10 tiểu thương từ nhiều nơi của tỉnh Thừa Thiên - Huế góp mặt họp thành cái “chợ chạy” tự phát tới đây đợi khách.

Bà Đặng Thị Xuân tứa nước mắt kể chuyện ngã sau khi cầm giỏ nấm chạy

Bà Đặng Thị Xuân tứa nước mắt kể chuyện ngã sau khi cầm giỏ nấm chạy

Gọi là “chợ chạy”, bởi cứ thấy xe của đội trật tự đô thị của phường ghé qua là các chị, các bà, các anh cắp giỏ bỏ chạy khỏi bị bắt, tịch thu do lấn chiếm lòng lề đường.

Giá nấm ở khu vực này khá “mềm”, lại ít nói thách, chỉ từ 15.000 đồng/kg đối với nấm loại nhỏ và 35.000 – 50.000 đồng/kg nấm loại một. Cũng vì giá mềm, tiện đường nên đang điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp rất nhiều người đi đường đã khó cưỡng lại được sức hấp dẫn của loại nấm bổ dưỡng mỗi năm chỉ có một lần này, nên ai cũng phải dừng lại mua cho được vài kg nấm về thưởng thức.

Bà Trần Thị Ngọc Ánh (xã Điền Môn, Phong Điền) đi 40 km về đây cho hay: Buổi sáng và buổi chiều, nhiều lần để chạy trốn xe của đội trật tự đô thị mà tôi bị vấp ngã. Chân tôi suýt trật cả bánh chè. Chị vừa kể vừa đưa đôi chân tím bầm ra cho chúng tôi xem, vừa gạt nước mắt lẫn nước mưa.

“Mỗi năm chỉ có khoảng 10 ngày có nấm tràm, chúng tôi cũng chỉ bán được trong từng đó thời gian chứ muốn bán mãi cũng không có để bán nên rất mong được Thành phố tạo điều kiện”.

Bà Đặng Thị Xuân (xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà) đưa đôi bàn tay với ngón áp út bị một vệt cắt do bỏ chạy bị ngã va trúng đá vẫn hai mắt hoe đỏ sau khi bị đội trật tự đô thị phường tới tịch thu mất 2 chiếc cân cùng 8 kg nấm vì lấn chiếm lòng lề đường.

Những tiểu thương bán nấm tràm ở Đàn Nam Giao, có người đã 'tứa máu' khi trốn đội trật tự đô thị. Ảnh: Thắng Hòa.

Những tiểu thương bán nấm tràm ở Đàn Nam Giao, có người đã “tứa máu” khi trốn đội trật tự đô thị. Ảnh: Thắng Hòa.

Bà Xuân mếu máo: “Tôi cũng biết ở đây là nơi xe cộ đông đúc không an toàn. Khi công an yêu cầu tôi đi sang đường khác bán, từ 10h30 – 16h30 tôi di chuyển đến đường khác đứng mà không một ai hỏi nên cực chẳng đã tôi phải về lại chỗ này”.

Bà Xuân chia sẻ rằng ban đầu, bà bán ở góc xa, có lần đã bị đội trật tự đô thị tới tịch thu 6 cái giỏ nhựa. Hôm nay, bà Xuân bị phường tiếp tục phạt. “Tôi vừa lên phường nộp phạt 200.000 đồng và được lấy nấm và 1 cái cân về thì nấm dính nước mưa bị đen, bán tháo lỗ cả công lẫn vốn, giá chỉ 10.000 đồng/kg”, bà nói.

Bà Xuân cũng tâm sự, vì bản thân sức khỏe yếu, bình thường không phải mùa nấm thì bà đi bóc tràm, làm tre thuê nên thấy hái nấm khỏe bà đã tham gia. “Có ngày tôi hái được 20 kg nấm, anh chị em, họ hàng gửi mỗi người 2-3 giỏ nấm rồi chúng tôi chung nhau trả tiền xe để chở tôi xuống Thành phố Huế bán. Đợt này dịch dã Covid, nên nhiều người không làm gì ra tiền, có nấm bán được quý lắm.

Các tiểu thương mong sao có thể đóng thuế chỗ đậu xe để được ngồi bán ổn định mà không cần chạy nữa.“Có hôm, bên đội trật tự đô thị thấy chúng tôi người nào cũng chạy rồi ngã nháo nhào ra sau đống củi’’.

Sớm có phương án cho người bán nấm

Là một người dân Thành phố Huế, ông Võ Quê cũng như nhiều người khác rất yêu thích món nấm tràm xào rau khoai, nấm tràm nấu cháo, nấu canh đầy phong vị của mùa thu xứ Huế. Một đôi lần ghé qua Đàn Nam Giao gặp cảnh tiểu thương phải bỏ chạy khi xe trật tự đô thị ập tới bắt, tịch thu hàng. Ông Quê cùng nhiều người mua đứng lại với ngỡ ngàng, thấp thỏm.

Đa số những người bán nấm trực tiếp mang nấm hái được tới bán, nhằm kiếm thêm thu nhập, thay vì phải bán cho thương lái. Ảnh: Thắng Hòa.

Đa số những người bán nấm trực tiếp mang nấm hái được tới bán, nhằm kiếm thêm thu nhập, thay vì phải bán cho thương lái. Ảnh: Thắng Hòa.

Ông Quê bày tỏ: “Năm nay Huế vào mùa nấm tràm, một đặc sản rất Huế giúp một số dân nghèo vùng gò đồi và dân nghèo thành thị có thêm một phần thu nhập trong hoàn cảnh Covid-19.

Giá như phường Trường An, Thủy Xuân tạo điều kiện cho người dân lẫn người mua một điểm giao dịch thuận lợi thì không có cảnh những người bán nấm tràm bị “hốt”, xua đuổi, mà còn giúp việc mua bán khỏi thấp thỏm, bất ổn dọc đường Minh Mạng gần đàn Nam Giao vốn là một di tích, không an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng tới dân sinh.

Từ thực trạng này, hiện có nhiều ý kiến trăn trở cho rằng, nấm tràm ở Huế dồi dào năm nào cũng sẽ có một lượng lớn nấm tràm được mua bán theo cung cầu nên có những phiên chợ mỗi năm mở một lần để người bán lẫn người mua được yên tâm.

Chúng tôi có trao đổi với PGS.TS Trần Nam Thắng, Phó khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, ông bảo: "Các chợ nông lâm thực ra ở mỗi xã, phường nào cũng đã có. Năm nay may thế nào thời gian có nấm nhiều như vậy, thôi còn hàng năm chỉ tầm 1 tuần là hết. Vấn đề là hệ thống cảnh quan đô thị cần làm đúng chức năng của mình. Dân thay vì ngồi ngoài đường như vậy là không đúng thì nên có giải pháp liên kết để giúp họ bán cho thương lái hoặc mang vào chợ".

Ông Trần Nam Thắng chia sẻ thêm: Theo tôi, có thể giúp người dân lập các điểm thu mua tại một số chợ đầu mối, đồng thời hỗ trợ họ thêm thông tin và biến động giá cả thì sẽ ổn. Người dân có thể lựa chọn sau khi cân nhắc rủi ro để bán cho thương lái hay chở về chợ”.

Trước phản ánh về tình trạng chợ tự phát bán nấm tràm tại Đàn Nam Giao và nguyện vọng của người dân, ông Phan Thiên Định, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí Thư Thành Ủy, Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân TP Huế cho biết: Về đảm bảo không lấn chiếm lòng lề đường mùa dịch Covid-19, càng cần làm kỹ.

"Chợ thì có thể kiểm soát dịch bệnh được, nhưng bên ngoài chợ thì rủi ro rất lớn bởi chỉ cần có nguồn lây thì nguy cơ cho cả Thành phố. Tuy nhiên, vào mùa nấm tràm đúng là cần tạo điều kiện cho bà con bằng một không gian kiểm soát được. Tôi sẽ chỉ đạo bên Ủy ban Nhân dân Thành phố sớm có phương án”, ông Định cho biết.

https://nongnghiep.vn/dac-san-nam-tram-va-cho-chay-d304764.html
Theo Thơ Hải Hạc/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập203
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay37,744
  • Tháng hiện tại842,493
  • Tổng lượt truy cập85,749,529
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây