Học tập đạo đức HCM

Miến làng So đi Nhật

Thứ hai - 11/10/2021 08:35
Người dân làng So vẫn có câu “Tiệc yến, miến So” để nói đến vị ngon của sản phẩm này trong các buổi yến tiệc. Ngày nay, miến của người làng So đi muôn nơi và cũng đã đặt chân đến vương quốc của xứ sở hoa Anh Đào.
Làng So không chỉ là vùng đất văn hóa đậm đặc của xứ Đoài, mà còn nổi tiếng với Đình So được xây dựng thời Lê Trung Hưng (1673) thờ Tam vị Nguyên soái Đại Vương. Miến làng So có từ hơn 1000 năm trước gắn huyền tích người dân làng So khao nghĩa quân của ba vị Nguyên soái Đại Vương.
 
Bởi thế, người dân làng So vẫn có câu “Tiệc yến, miến So” để nói đến vị ngon của sản phẩm này trong các buổi yến tiệc. Ngày nay, miến của người làng So đi muôn nơi và cũng đã đặt chân đến vương quốc của xứ sở hoa Anh Đào.
 
Nghề truyền thống cha ông
 
Dẫn tôi đi trên con đường đê uốn lượn như một dải lụa mềm, bao quanh những ngôi làng trù phú nằm bên cạnh con sông Đáy, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai (Hà Nội) Nguyễn Thị Sắc nói: “Hôm nay, em sẽ đưa anh về một làng nghề của huyện, cũng chỉ từ những củ dong riềng thôi, nhưng sản phẩm của bà con nông dân ở đây không chỉ có mặt ở các tỉnh thành cả nước, mà đã vươn xa ra cả các nước khác trên thế giới đấy!”
 
Chỉ nghe nói đến sản phẩm nông sản, không những tiêu thụ được trong nước mà còn vươn xa ra cả các nước khác trên thế giới, đã làm cho máu nghề nghiệp của tôi bốc lên rồi.  
 
1-1.jpg
Miến làng So phơi trắng bên triền đê con sông Đáy

 


Phó Phòng Kinh tế huyện cho biết, nếu không bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì trên con đường đê dẫn về làng So này bạt ngàn miến là miến được người làm miến mang ra phơi, đây là thời điểm bà con làng nghề vào vụ sản xuất miến dong cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, vào đúng thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nên các cơ sở sản xuất phải đóng cửa, dừng sản xuất.
 
Cụ bà Dương Thị Mỹ cho biết, tôi năm nay đã trên 80 tuổi rồi, nghề làm miến là nghề cổ truyền của người dân chúng tôi. Nghề này có từ thời các cụ, kỵ của chúng tôi để lại dễ cũng đến cả 1000 năm chứ không phải là ít.
 
Cụ Mỹ nói: “Hồi nhỏ tôi được các cụ kể lại rằng, khi Tam vị Nguyên Soái cùng thanh niên trai tráng trong làng So đi phò giúp cho Vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, người dân làng So đã khao nghĩa quân bằng đặc sản miến của quê hương”.
 
Còn cụ ông Dương Đình Quy thì nói: “Gia đình tôi đến nay đã có 4 đời làm miến dong, người làng So đã làm đậu, bánh, dệt lụa ươm tơ nhưng nghề lâu dài và ổn định nhất là làm miến. Nơi đây, miến được chế biến từ củ dong riềng và nước giếng cổ được đào ở trong làng”.
 
Chẳng biết có phải miến dong làng So được người dân ở đây sử dụng nước giếng khơi được đào ở trong làng hay không, nhưng phải nói miến ở đây trắng, có độ dai, giòn tự nhiên.
 
Người già trong làng So bảo, do làng So được bao quanh bởi 4 ngọn núi Long - Ly - Quy - Phượng, phủ kín cây xanh, lại được thiên nhiên ban tặng cho người dân nguồn nước giếng vừa trong vừa ngọt, vì thế các cụ ngày xưa đào những chiếc giếng sâu 10 – 20m, bao quanh bởi những phiến đá ong. Nước giếng ngon đã tạo nên độ trắng trong và là hương vị đặc trưng của miến.
 
Miến làng So "đi Nhật"
 
Miến làng So đã từng nổi tiếng và dân gian đã từng truyền tụng “Tiệc yến, miến So” để nói đến vị ngon của đặc sản này, nó không thể thiếu được trong mỗi mâm cơm cỗ cổ truyền gia đình Việt, tôi hỏi Phó Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai: “Miến ngon thế, nổi tiếng thế, không lẽ chỉ có bán được ở thị trường trong nước thôi sao em?”.
 
Nguyễn Thị Sắc cười và nói: “Anh yên tâm, em sẽ đưa anh đến một đơn vị đã đưa sản phẩm miến làng So này về với cội nguồn của OCOP”.
 
Dương Đình Khôi là một người con của làng So đã có hàng chục năm kinh nghiệm làm nghề truyền thống của cha ông để lại, cũng chính anh là người đã đưa thương hiệu Miến làng So đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, anh cũng là doanh nghiệp duy nhất của làng So này đưa miến vượt qua biên giới Quốc gia, về với đất nước xây dựng nên OCOP và một số nước khác trên thế giới.
 
Nhấp chén nước trà mạn xanh ngăn ngắt, Dương Đình Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TM và XNK Dương Kiên hỏi tôi: “Anh thấy trà có ngon không? màu nước trà có đẹp không?”. Vốn là người không nghiện trà, nhưng nhìn vào màu nước, chép chép miệng tôi cũng cảm nhận được vị ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Tôi trả lời anh Khôi: “Ngon lắm, nước trà xanh, đẹp lắm”.
 
2-3.JPG
Anh Dương Đình Khôi - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TM & XNK Dương Kiên (áo trắng và tác giả) bên lô hàng miến dong xuất đi Nhật.

 


Nheo mắt nhìn tôi, Dương Đình Khôi cười và nói: “Miến làng So ngon nổi tiếng xa gần cũng là nhờ nguồn nước để sản xuất ở đây đấy anh ạ. Thiên nhiên đã ban cho làng So chúng tôi một nguồn nước đá ong vô cùng trong mát, sạch, người làng So đã dùng nước giếng cổ của các cụ để lại để sản xuất ra miến, thế cho nên miến làng So mới trắng, dai, giòn rất tự nhiên như thế".
 
Về nguồn nguyên liệu để sản xuất miến dong, anh Khôi cho biết, để miến làng So đi được ra với các nước trên thế giới, nguồn nguyên liệu để sản xuất miến được thực hiện triệt để 3 sạch đó là “Nguyên liệu sạch – Nguồn nước sạch – Không sử dụng phụ gia để sản xuất”.
 
Dong riềng được trồng ở các vùng như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu, ở đây thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho dong riềng phát triển, trong quá trình trồng trọt bà con ở đây chỉ bón phân hữu cơ, không sử dụng phân hóa học hay chất kích thích sinh trường cho cây. Nguồn nước đá ong thì vô cùng sạch, mẫu nước này đã được đem đi kiểm nghiệm và được đánh giá là không có tạp chất. Tuyệt đối không sử dụng phụ gia để cho vào miến để bảo quản được lâu và tạo độ giòn của miến.
 
Anh Khôi nói: “Anh biết quê hương của OCOP là ở Nhật Bản chứ gì, vậy mà họ chấp nhận sản phẩm miến của Công ty tôi, bởi miến làng So đã đạt OCOP 4 sao rồi đấy. Họ sang tận đây để kiểm tra và chấp nhận nhập miến làng So từ cơ sở sản xuất của tôi, mỗi năm trên dưới 120 tấn, hiện nay, miến làng So được xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á và châu Âu cung cấp cho người Việt của mình ở bên đó”.
 
Câu chuyện của chúng tôi thường xuyên bị gián đoạn, bởi anh Khôi liên tục có điện thoại của khách hàng là những đại lý cấp 1 đối tác của doanh nghiệp, ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước gọi về lấy hàng. Anh Khôi chia sẻ, trong đợt dịch bệnh vừa qua, chúng tôi lại không bị đứt gãy sản xuất, một điều may mắn đối với doanh nghiệp Dương Kiên. Miến dong riềng cứ đều đều xuất ngoại và đi các địa phương, nhờ thế mà những người công nhân làm việc không bị mất việc làm.
 
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho doanh nghiệp phát triển
 
Anh Khôi chia sẻ với tôi, được sự hỗ trợ của chính quyền huyện Quốc Oai, doanh nghiệp chúng tôi cũng thuận lợi trong sản xuất, nhất là trong lần dịch bệnh bùng phát trở lại này, duy nhất chúng tôi được cấp thẻ “luồng xanh” sớm nhất, vì thế, chúng tôi vận chuyển hàng hóa đi các địa phương rất thuận lợi.
 
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều điều mong muốn. Anh thấy đấy, xuất khẩu hàng trăm tấn miến mỗi năm, nhưng diện tích xưởng sản xuất của chúng tôi lại quá nhỏ bé so với năng lực của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã đề nghị với UBND huyện tạo điều kiện quỹ đất để chúng tôi phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa có.
 
3.jpg
Sản phẩm miến của Công ty TNHH Sản xuất TM&XNK Dương Kiên được chứng nhận OCOP 4 sao của TP. Hà Nội

 


Đem những tâm tư của doanh nghiệp về trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai – Phạm Quang Tuấn được biết, hiện nay, UBND huyện cũng đang trình với UBND thành phố phê duyện một số diện tích đất, để huyện kêu gọi đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, vừa bảo đảm cho công tác quản lý, vừa giữ gìn được môi trường đồng thời cũng giúp đỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất.
 
“Không phải UBND huyện không nắm được điều này đâu anh, nhưng vì những thủ tục để xin quy hoạch để xây dựng còn phải qua nhiều cấp, nhiều những thủ tục pháp lý, nhưng sẽ có sớm thôi”, Phó Chủ tịch Phạm Quang Tuấn nói.
 
Không để đứt gãy sản xuất, nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản đươch UBND huyện Quốc Oai triển khai một cách rất quyết liệt và hiệu quả, nhờ đó mà các loại sản phẩm nông sản trong thời gian vừa qua được tiêu thụ hết, không bị tồn đọng, vì thế không gây thiệt hại cho bà con nông dân.
 
Nghe anh Khôi nói trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, bà con sản xuất miến ở làng So không những không bị mất việc làm, mà thậm chí thu nhập còn cao hơn nữa. Với cách làm như huyện Quốc Oai, sau dịch chúng ta tin tưởng rằng chuỗi cung ứng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương này vẫn hoạt động bình thường.
https://kinhtenongthon.vn/mien-lang-so-di-nhat-post46046.html
Theo Ngọc Thủy/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm128
  • Hôm nay41,362
  • Tháng hiện tại652,729
  • Tổng lượt truy cập88,007,799
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây