Đóng gói sản phẩm rau sạch tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 188.
Để xây dựng được chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, nhiều hoạt động thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị đã được Sở NN&PTNT triển khai thời gian qua. Trong đó, Sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; định hướng, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đối với các sản phẩm đưa ra thị trường được xác thực có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và liên kết chuỗi để bao tiêu tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, như: Vinmart, BigC, MM Mega Market...
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ghi nhận tại huyện Đầm Hà, những chính sách của địa phương về hỗ trợ các đơn vị sản xuất nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Nhượng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng huyện Đầm Hà, cho biết: Chúng tôi được địa phương tạo điều kiện để đưa KHKT vào trồng dưa lưới; hỗ trợ đưa sản phẩm vào danh mục các sản phẩm OCOP của tỉnh và bày bán tại mỗi kỳ hội chợ, triển lãm. Nhờ vậy, sản phẩm dưa lưới của chúng tôi ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường hơn 100 tấn dưa lưới. Hiện nay, huyện Đầm Hà đang hỗ trợ doanh nghiệp thành lập 2 cửa hàng Gren mart Đầm Hà tại TP Hạ Long, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng, nhằm xây dựng mô hình liên kết kinh doanh cửa hàng, tạo hướng đi mới, tìm kiếm kết nối thị trường đầu ra cho các nông sản.
Tới nay, trên toàn tỉnh việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, chủ lực, có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đã ngày càng được nhân rộng theo hướng mở rộng sản xuất an toàn. Điển hình như vùng trồng lúa chất lượng cao đạt 3.690ha; vùng trồng rau an toàn trên 348ha; vùng rồng chè tập trung 544ha; vùng trồng cây ăn quả (na, vải, cam) 2.487ha; vùng trồng hoa 137ha; vùng sản xuất thủy sản nuôi tôm chất lượng cao đạt 4.615ha; nhuyễn thể đạt 3.975ha; thủy sản nước ngọt 2.420ha; chăn nuôi gia súc, gia cầm 3.432ha...
Toàn tỉnh đã có 31 cơ sở được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích sản xuất trên 749ha, sản lượng ước đạt 3.456 tấn/vụ. Đồng thời, xây dựng 403 sản phẩm OCOP với 191 sản phẩm đạt từ 3-5 sao theo tiêu chí Chương trình OCOP của tỉnh; trong đó có 301 sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy, việc hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng và đang phát triển theo hướng an toàn, quy mô và bền vững.
Sở NN&PTNT đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đảm bảo gia tăng cả 3 tiêu chí về: Số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, số điểm bán sản phẩm nhằm tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi; xây dụng Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Minh Đức/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã