Vườn cam của chị Phương có sản lượng và chất lượng đẹp nhất nhì huyện Lục Ngạn, ước tính năm 2020 chị thu về 4 tỷ đồng.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, điện thoại của của chị Phương cùng chồng là anh Lưu Văn Sáng luôn trong tình trạng "cháy máy". Khách gọi liên tục đặt hàng mua cam, người thì mua cả chục tấn, người thì đặt trước cả tuần lễ để làm quà biếu tết.
Đánh liều khi "bỏ" vải để "yêu" cam
Con đường dẫn vào nhà chị Phương ở thôn Trại Ba ngả một màu đỏ bắt mắt của những trái cam.
Từ ngoài Quốc lộ 31 (đầu xã Quý Sơn) hỏi người dân ở đây thì không ai là không biết đến gia đình chị Phương - vốn nổi tiếng gần xa có vườn cam đẹp nhất nhì huyện Lục Ngạn.
Gặp vợ chồng chị Phương vào một ngày trưa cuối năm khi hai người cùng cô con gái nhỏ đang cặm cụi tỉa lá cho những cành cam đã được cắt xuống để chuẩn bị ghép ngay sau khi thu hoạch vụ cam tết. Chị Phương vui vẻ hỏi: "Sao em biết nhà chị mà đến đây, em đến hỏi mua cam à?".
"Nhờ mạnh dạn chuyển đổi canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình chị Phương có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng cam. Ngoài sản xuất giỏi, gia đình chị Phương còn là thành viên tiêu biểu của tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây cam ngọt Lục Ngạn".
Ông Trần Văn Minh -
Chủ tịch Hội ND huyện Lục Ngạn
Khi biết tôi là PV, hai vợ chồng chị cùng cô con gái nhỏ cười thẹn và có vẻ ngại ngần. Nhưng sau khi tôi cầm lấy chiếc kéo và tỉa lá cùng gia đình chị Phương, sau một hồi hỏi han qua lại, chị Phương mới bắt đầu chia sẻ về cơ duyên đến với cây cam.
Chị Phương bảo: "Ở xứ này nổi danh nức tiếng nhất vẫn là quả vải thiều. Còn cam, bưởi thì cũng chỉ mới phát triển vài năm trở lại đây. Nhận thấy hiệu quả từ trồng cam cũng không kém cây vải là mấy, nên nhiều gia đình ở Lục Ngạn cũng đã bắt đầu chuyển hướng sang trồng thử nghiệm".
Trước đây, gia đình chị Phương cũng trồng vải. Tuy nhiên, mỗi lần thu hoạch, quả vải thường bị thương nhân từ Trung Quốc sang thu mua, ép giá, có những năm không bán được. Nên từ năm 2010, gia đình chị Phương đã mạnh dạn quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cam đường Canh.
Ban đầu chỉ trồng vài chục gốc cam đường Canh, sau mỗi năm, chị nhận thấy hiệu quả kinh tế tăng lên. Nên đến thời điểm hiện tại, gia đình chị Phương đã có 2ha trồng 100% là giống cam đường Canh - giống cam nay được người dân ở đây còn gọi với cái tên là cam ngọt Lục Ngạn.
Vừa trò chuyện cùng PV, điện thoại chồng chị Phương cứ kêu liên tục. Anh nói: "Năm nào cũng vậy, biết gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch cam bán tết nên nhiều người gọi điện hỏi xem ngày nào thu hoạch để đặt hàng trước. Người thì mua dăm bảy chục cân để làm quà biếu tết, thương lái từ nhiều nơi cũng gọi điện đặt hàng trước".
Anh Sáng vừa dứt lời, thì đã có 2 thương lái đến xem vườn. Một thương lái chia sẻ với PV: "Cam của gia đình anh Sáng nổi tiếng khắp vùng. Anh ấy chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học nên chất lượng cam rất ngọt, thơm, quả đều. Nếu không đặt cọc tiền trước thì ngày hôm sau sẽ có người vào hỏi mua luôn".
Sau một hồi chui tận vào vườn, thăm thú, cầm, nắm, ăn thử, chụp ảnh, livestream trực tiếp trên mạng xã hội, 2 thương lái này đã "chốt" thành công mua gần 5 tấn cam đường Canh của gia đình chị Phương với giá 50.000 đồng/kg.
Thành tỷ phú trồng cam ở xứ vải thiều
Chị Phương cho biết, hiện nay vườn cam của gia đình có hơn 1.000 gốc, trong đó có 700 cây đang cho quả. Vụ cam bán Tết ước tính sẽ cho sản lượng quả đạt gần 120 tấn.
"Từ đầu tháng 12 âm lịch, gia đình tôi đã bắt đầu thu hoạch quả bán cam phục vụ tết. Đến giáp tết, tôi thường bán cam với giá 48.000 - 50.000 đồng/kg. Dự kiến doanh thu năm nay đạt khoảng 5 - 6 tỷ đồng, trừ chi phí, tôi dự tính lãi khoảng 4 tỷ đồng" - chị Phương tiết lộ.
Để có vườn cam ra nhiều trái, đều quả và đẹp mắt, gia đình chị Phương đã áp dụng phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học mà 100% cây cam trong vườn được "ăn" phân chuồng đã ủ hoai mục.
Để bón phân chuồng hiệu quả, chị Phương cho thiết kế 3 bể chứa các phế phụ phẩm từ nông nghiệp để ủ với men vi sinh sau đó sẽ bón cho cây cam.
"Để cây cam ra trái đều, ngọt thì chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức, vất vả lắm. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh hại xuất hiện nhiều hơn trên cây cam, nên người trồng cam phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để giữ được cây cam, giúp mẫu mã quả đẹp, đồng đều" - chị Phương chia sẻ.
Cuối năm 2020, trong hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, một cây cam ngọt của gia đình chị Phương đã được đấu giá 65 triệu đồng. Vườn cam của gia đình chị Phương cũng được đánh giá là một trong những vườn có sản lượng và giá trị kinh tế cao nhất huyện.
Nhờ đầu tư, chăm sóc tốt nên chị Phương đã có được vườn cam Canh cho thu tiền tỷ. Đầu tháng 1/2021, vườn cam của gia đình chị Phương đã đón Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác, cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đến thăm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao cách làm của tỉnh Bắc Giang và bà con nông dân địa phương khi đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn quả của tỉnh.
https://danviet.vn/nu-nong-dan-xu-vai-thieu-thu-tien-ty-tu-trong-cam-20210224172059953.htm
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã