Học tập đạo đức HCM

Tráng Việt sau ngày nới lỏng giãn cách

Chủ nhật - 26/09/2021 01:51
Xã Tráng Việt (Mê Linh) là một trong những địa phương cung cấp rau xanh cho Hà Nội và các địa phương lân cận. Với hơn 200ha củ cải đường và các loại rau màu khác, nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ.

Hiện, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội, nông dân Tráng Việt đang tập trung làm đất vụ gieo trồng vụ củ cải mới.

1.JPGAnh Hoàng Văn Tráng  bón phân cho ruộng củ cải đường.
 

 Hối hả làm đất

Để tìm hiểu về khôi phục sản xuất sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, tôi về lại vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” rau của Hà Nội - thôn Đông Cao, xã Tráng Việt.

Mặc dù đã gọi điện trước cho Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao – Đàm Văn Đua, nhưng phải mất 2 giờ đồng hồ sau anh mới về trụ sở của HTX. Trong lúc chờ đợi, tôi cùng Trưởng Ban Kiểm soát của HTX ra cánh đồng trồng rau sạch thăm hỏi bà con nông dân nơi đây chuẩn bị gieo trồng vụ mới.

Chiều mùa Thu, nhưng cái nắng vẫn gay gắt, oi nóng nhưng không ngăn được những người nông dân ở đây ra đồng, họ đang hối hả làm đất để chuẩn bị trồng vụ rau mới. Gặp người phụ nữ đang làm cỏ cho ruộng rau cải, tôi đến bên hỏi nhỏ: “Chào chị. Chị trồng rau nhiều không? Thu nhập có khá hơn so với trồng lúa hay không?”.

Không bỏ tấm khăn trùm kín đầu, chị đứng lên trò chuyện với tôi. Chị cho biết, chị là Nguyễn Thị Hiền ở thôn Đông Cao. Nhà neo người nên chỉ có mình chị làm  4 sào ruộng. Do mỗi lứa trồng củ cải đường chỉ 45 ngày là được thu hoạch, nên một năm chị trồng được 2 - 3 vụ. Ngoài ra, chị còn trồng thêm các loại rau củ quả khác như cà chua, su hào hay dưa cải bẹ Đông Dư.

“Với thu nhập 6-7 triệu đồng/sào củ cải đường cho mỗi lần thu hoạch, trừ mọi chi phí, thu lãi được 50%. Mỗi năm củ cải đường cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra,  thu từ việc bán dưa cải Đông Dư, cà chua… cũng được một khoản tương đương như củ cải”, chị Hiền nói.

Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ rau có chậm hơn mọi năm, đồng thời giá cũng có phần giảm so với các năm trước. Nghe thông tin Hà Nội nới lỏng giãn cách nên chị phải gieo củ cải sớm để kịp vụ thu hoạch, có sản phẩm bán ra thị trường.

Bên cạnh ruộng rau nhà chị Hiền, anh Hoàng Văn Tráng cũng ướt đẫm mồ hôi, đang bón phân cho ruộng rau củ cải nhà mình. Anh cho biết, gia đình có 1,5 mẫu  rau, ngoài các loại rau, củ khác còn trồng  3 vụ củ cải đường.

Anh Tráng cho biết: “Trừ chi phí, tôi cũng thu được khoảng 100 triệu đồng/năm từ bán củ cải và rau màu. Năm nay dịch bệnh nên phải tranh thủ làm đất gieo trồng sớm. Nắng thế này chứ nắng nữa cũng vẫn phải ra đồng làm việc”.

Không để đứt gãy sản xuất

Nhìn cánh đồng rau nơi thì đang xanh rì, nơi thì đất được đánh luống thẳng tắp, có nơi thì máy nông nghiệp đang giúp bà con làm đất, tôi có cảm giác, ở đây,  nông dân không một ngày ngơi nghỉ, mặc dù ngoài kia dịch bệnh đang từng bước được khống chế.

3.JPG
TIN TÀI TRỢ
Giám đốc HTX Đông Cao Đàm Văn Đua (bên trái) và tác giả.

Quay trở về trụ sở của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao, Giám đốc HTX Đàm Văn Đua đã chờ sẵn. Bên ấm trà mạn nghi ngút khói, anh chia sẻ, thời điểm này đã bắt đầu vào vụ sản xuất gieo trồng củ cải đường. nếu như mọi năm không bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì trên cánh đồng rau của bà con xã viên HTX đông như hội, nhưng 2 năm trở lại đây thì giảm hẳn.

Tôi hỏi Giám đốc HTX Đàm Văn Đua: “Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua, bà con nông dân ở đây bị ảnh hưởng gì không? Sản xuất của bà con thế nào?”. Dường như câu hỏi của tôi cũng đúng vào tâm trạng muốn dãi bày của anh.

Giám đốc HTX Đàm Văn Đua cho biết, rút kinh nghiệm những năm trước khi củ cải trồng ra cung vượt cầu, nên phải đổ bỏ, vài năm gần đây thì hiện tượng đó không còn. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, HTX luôn theo dõi và nắm bắt thị trường để phổ biến cho bà con gieo trồng vừa đủ nhu cầu tiêu thụ.

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại vừa qua, chúng tôi đã khẩn trương  cùng chính quyền các cấp làm các thủ tục cấp giấy luồng xanh cho các phương tiện vận tải trên địa bàn, thuận tiện lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi mở rộng kết nối nông sản vào các siêu thị, khu chung cư, chợ đầu mối… để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nói thật với anh, dịch bệnh thế nhưng sản phẩm nông sản của xã viên HTX Đông Cao đều tiêu thụ hết, không bị tồn đọng. Tất cả phương tiện từ các tỉnh lân cận đến đây lấy hàng, đều được chính quyền và HTX tạo điều kiện thuận lợi, HTX  bố trí một khu tập kết nông sản riêng biệt để bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh.

4.JPG
Ruộng củ cải đường của bà con xã viên HTX Đông Cao đang lên xanh tốt.

“Hiện nay, bà con đang tiến hành vào vụ gieo trồng củ cải đường, nhiều hộ bắt đầu thu hoạch. Với sự nới lỏng giãn cách xã hội,  nông sản của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao sẽ có cơ hội đi xa hơn. Chúng tôi đảm bảo sản lượng rau xanh cung cấp cho chuỗi siêu thị, chợ đầu mối...”, Giám đốc Đàm Văn Đua nói.

Giống củ cải đường được HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao nhập về từ Hàn Quốc, chất lượng củ rất ngon, người tiêu dùng Hà Nội và các tỉnh, thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Phòng… rất ưa chuộng. So với trồng lúa, giá trị mang lại cho người nông dân từ sản phẩm này cao gấp 10 lần. Hơn nữa, vùng đất bãi của xã Đông Cao rất phù hợp với các loại rau màu nói chung, củ cải nói riêng. Vì thế, nhiều xã viên HTX đã đầu tư trồng củ cải đường.

Nhìn bà con nông dân miệt mài trên thửa ruộng khi ánh nắng chiều dần tắt, tôi cảm thấy chu trình sản xuất của bà con ở đây dường như chưa bao giờ ngừng nghỉ. Hy vọng, những vụ thu hoạch rau xanh, củ cải đường sẽ đem đến sự ấm no cho người dân nơi đây.

https://kinhtenongthon.vn/trang-viet-sau-ngay-noi-long-gian-cach-post45705.html
Theo Ngọc Thủy/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập210
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại929,899
  • Tổng lượt truy cập92,103,628
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây