Không hiếm mô hình tiền tỷ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không hiếm những mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư tiền tỷ. Điển hình như mô hình trồng rau thủy canh của anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy.
Mô hình dưa lưới của chị Lê Thị Loan ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: H.T
Sở NNPTNT Quảng Bình đã ban hành phương án xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Quảng Bình năm 2018. Theo đó, mỗi mô hình sẽ được chính quyền hỗ trợ 200 triệu đồng sau khi được Sở NNPTNT tiến hành nghiệm thu. |
Đến nay, anh Quang đã có 1.000m2 nhà lưới trồng rau thủy canh. Anh Quang tận dụng những giá thể sẵn có tại địa phương làm nguyên liệu trồng rau nên tiết kiệm được đáng kể chi phí. Mỗi ngày, mô hình của anh Quang cho thu hoạch hơn 15kg rau quả, chủ yếu cung cấp cho các chợ, quán ăn trên địa bàn. Điều anh mong muốn là ngành chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, đất đai để người dân mạnh dạn áp dụng công nghệ.
Không chỉ trồng rau, anh Quang còn đầu tư 750 triệu đồng xây dựng nhà màng trên diện tích 2.000m2 cùng hệ thống tưới nước tự động để gối vụ dưa lưới, cà chua và các loại rau sạch khác.
Cũng trên địa bàn huyện Lệ Thủy, mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang đang mở ra nhiều triển vọng. Người đầu tiên mang mô hình trồng dưa lưới nhà màng về địa bàn là chị Dương Thị Vinh (xã Thanh Thủy). Chị Vinh chọn giống dưa nhập khẩu từ Malaysia, Nhật Bản và Israel… áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao của Israel. Với giá bán ra dao động từ 45.000 - 55.000/kg, vườn dưa 6.600 gốc của chị cho doanh thu trên 270 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Vương- Trưởng phòng NNPTNT Lệ Thủy cho biết: “Huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí cho một số mô hình điểm sản xuất của các hộ nông dân, lấy đó làm cơ sở để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”.
Tạo động lực phát triển
Để giúp người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, Sở NNPTNT Quảng Bình đã ban hành phương án xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Quảng Bình năm 2018. Mỗi mô hình sẽ được chính quyền hỗ trợ 200 triệu đồng. Phương thức hỗ trợ được áp dụng sau đầu tư. Các chủ đầu tư ký hợp đồng với Sở NNPTNT, đồng thời chủ động triển khai đầu tư xây dựng mô hình, sau khi hoàn thành Sở sẽ tổ chức nghiệm thu, thanh lý hợp đồng và thanh toán tiền hỗ trợ.
Theo phương án này, trong năm 2018, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng 3 mô hình gồm: Trồng cây dược liệu có giá trị cao như sâm bố chính, đinh lăng... bằng biện pháp canh tác hữu cơ, áp dụng công nghệ của Israel tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch với diện tích 4ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng; mô hình trồng rau, quả an toàn trên giá thể... với quy mô 1ha nhà lưới/nhà màng tại phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới, tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 5 tỷ đồng; mô hình trồng rau, quả hữu cơ trong nhà lưới, áp dụng công nghệ của Israel tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy với quy mô 2.000m2 nhà lưới/nhà màng, kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng...
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã