Học tập đạo đức HCM

Tưới rau thời công nghệ số

Thứ tư - 07/02/2018 21:36
Thoạt nhìn thì chẳng ai nhận ra vườn rau của Đoàn Thanh niên xã Bum Nưa (Mường Tè - Lai Châu) có gì đặc biệt, nhưng nếu một lần vô tình đi qua bỗng thấy nước tự động phun trong khi cửa khóa then cài, thì bạn đừng ngạc nhiên, bởi rất có thể người tưới rau đang ngồi nhà hoặc thậm chí ở tận Hà Nội xa xôi.

Ở một địa phương còn nhiều nghèo khó như Mường Tè, việc canh tác đủ ăn đã là điều may mắn, chứ chưa nói gì đến thâm canh tăng năng suất. Đằng này lại còn ứng dụng công nghệ thông tin để… trồng rau thì đúng là chuyện “xưa nay hiếm”. Chẳng thế mà khi triển khai xây dựng vườn rau thông minh trong khuôn viên Nhà văn hóa xã Bum Nưa, không khí đông vui hơn cả ngày hội. Ngoài các đoàn viên, thanh niên xã – đối tượng thụ hưởng trực tiếp, còn có rất đông bà con nông dân. Họ đến vì tò mò, vì muốn tận mắt chứng kiến vườn rau được canh tác bằng điện thoại sẽ như thế nào. Những lời bàn tán xôn xao cả góc vườn, và khi nước phun ra từ các đầu van chỉ sau cái lướt tay rất nhẹ trên điện thoại của chàng kỹ sư công nghệ thông tin, thì tất cả cùng “ồ” lên thích thú.

Trần Văn Cường, chàng kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết của Trung tâm ITC thuộc Công ty VNPT Technology (Tập đoàn VNPT) đã “ăn, nằm” ở Mường Tè cả chục ngày trước đó để lắp đặt và triển khai mô hình vườn rau thông minh. Cường cho hay: “Từ cảm hứng của Mạng lưới kết nối Internet (Internet of Things – viết tắt IoT), đặc biệt là ứng dụng Internet trong sản xuất nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture), chúng tôi muốn tạo ra sản phẩm công nghệ có thể hỗ trợ con người giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, nhân lực, đồng thời tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Và mong muốn lớn hơn cả là giúp các bạn đoàn viên thanh niên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó tạo ra giá trị vật chất lớn lao hơn, làm giàu cho gia đình và xã hội”.

Chính nhờ sự nhiệt huyết của những đoàn viên như Cường mà khuôn viên 700m2 của nhà cộng đồng xã Bum Nưa được phủ xanh bởi những luống rau mới. Thoạt nhìn, chẳng ai biết sự đặc biệt của nó, nhưng “bí ẩn” nằm ở cái hộp nhỏ ở góc vườn và một bộ cảm biến vô cùng gọn gàng ngay dưới chân hộp, đó cũng chính là “đầu não” đóng vai trò quyết định cho sự vận hành thông minh của vườn rau. Có 2 bộ cảm biến được sử dụng để đo nhiệt độ của đất và không khí. Từ đó, dữ liệu được truyền tải về “máy chủ” là một chương trình được cài đặt sẵn. Máy sẽ tự động phân tích các thông tin, dữ liệu quan trắc thu thập được và đưa ra lịch trình tưới sao cho phù hợp và tiết kiệm nhất. Vườn rau còn có 2 camera quan sát để chỉ cần ngồi nhà cũng nắm được tình trạng ngoài thực địa.

tr14a.jpg
Chiếc hộp điều khiển hệ thống.

Trên máy tính hoặc điện thoại, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng SmartGrowing, ứng dụng này có sẵn các chương trình để cài đặt lập lịch tưới trong ngày, tuần, tháng theo mục đích sử dụng. Cường cho biết thêm: “Hệ thống có hai chế độ auto/manual cho phép người dùng chủ động trong quá trình chăm sóc cây trồng”. Trong khi đó, hệ thống tưới sẽ bao gồm 1 máy bơm công suất 1.5 chia thành 2 nhánh chính, mỗi nhánh được điều khiển bằng 1 van điện từ. Từ mỗi nhánh sẽ có 60 ống nhô cao 1,2m, mỗi ống gắn với 1 vòi tưới phun mưa công nghệ Israel tạo hạt mưa mịn, đảm bảo phủ đều diện tích cần tưới, tạo điều kiện tốt nhất cho cây trồng phát triển.

Có thể khẳng định, Smart Agriculture của VNPT là giải pháp khá hoàn chỉnh, với đầy đủ các tính năng phục vụ được cho cả lĩnh vực trồng trọt lẫn chăn nuôi. Không chỉ giúp đo đạc tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt, giải pháp còn giúp các trang trại chăn nuôi quản lý tất cả các khâu như hệ thống cho ăn, chiếu sáng, thu hoạch trứng, hệ thống thu gom phân, hệ thống sưởi ấm… Nhờ được tích hợp công nghệ phân tích dữ liệu lớn, giải pháp Smart Agriculture còn cho phép các chủ trang trại thực hiện phân tích, dự báo, chủ động trong việc hoạch định, sản xuất, vận chuyển, lưu kho… đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.

Anh Lù Văn Phiếng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bum Nưa, chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa bao giờ hình dung được có thể tưới cây qua máy tính hay điện thoại, nhưng khi được các bạn đoàn viên thanh niên VNPT lắp đặt và chuyển giao công nghệ vườn rau thông minh, tôi nhận ra rằng, mình cần phải thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận, ứng dụng internet nhiều hơn nữa vào sản xuất”. Phiếng còn nói vui rằng: “Có khi các đoàn viên trong xã phải chia nhau thâm canh ở vườn rau này. Mong rằng, sẽ còn nhiều vườn rau thông minh khác được xây dựng ở Mường Tè cũng như các địa phương còn nghèo khó của cả nước”.

tr14b.JPG
Vườn rau này được kỳ vọng sẽ mở ra cách làm mới cho người dân Bum Nưa.

Những thứ nhìn thấy được chỉ là vườn rau xanh tốt, nhưng ý nghĩa của mô hình lại nằm dưới đất thông qua hệ thống tưới vô cùng thông minh; hoặc ở những cảm biến trong chiếc hộp nhỏ xinh nơi góc vườn. Riêng với tôi, ý nghĩa lại đến từ những ánh mắt thích thú, sự trầm trồ của đoàn viên thanh niên và nông dân xã Bum Nưa. Chắc hẳn từ nay, tư duy của họ sẽ thay đổi, họ hiểu rằng hoàn toàn có thể làm giàu từ trồng rau nhờ những ứng dụng thông minh và công nghệ tiên tiến - đó mới chính là điều quan trọng nhất.

Rõ ràng không thể phủ nhận vai trò cũng như lợi ích lớn lao của internet và công nghệ thông tin. Sự phát triển của thế giới đã kéo giãn rất nhiều khoảng cách, nhưng internet, bằng sự kỳ diệu của mình lại có công rất lớn thu hẹp khoảng cách ấy. Nói như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, thì: “Không có internet, đất nước mình sẽ nghèo vĩnh viễn. Giá trị lớn nhất của việc không ngừng phát triển internet là công nghệ này đã đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng ốc đảo bị cô lập về thông tin với thế giới”. Bằng tinh thần ấy, chắc chắn sẽ còn nhiều vườn rau thông minh sẽ đến được với cộng đồng, đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong cả nước.

Theo Tố Loan/kinhtenongthon.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập127
  • Hôm nay35,031
  • Tháng hiện tại990,591
  • Tổng lượt truy cập93,368,255
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây