Học tập đạo đức HCM

Người nuôi tôm đang tự làm khó mình

Thứ sáu - 27/02/2015 03:41
Cho rằng sử dụng thuốc kháng sinh, con tôm sẽ không bị bệnh và phát triển tốt nên thời gian qua, một số người dân huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) – vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Trà Vinh đã lạm dụng quá nhiều trong quá trình nuôi. Việc làm trên lại gây nhiều thiệt hại, bất lợi cho bà con khi xuất bán tôm.

Sử dụng quá liều

“Nếu nuôi tôm sú thì thường sử dụng kháng sinh ở 3 giai đoạn phát triển sau: Từ 25-35 ngày; từ 45-50 ngày; từ 85-90 ngày. Còn ở tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên việc cung cấp kháng sinh sẽ ít số lần hơn. Ở đây, ai nuôi tôm cũng đều dùng kháng sinh để ngừa bệnh như gan, tụy, đường ruột, đốm trắng…Còn nếu phát hiện tôm bị bệnh thì vô phương trị, kháng sinh cũng vô tác dụng” – ông Nguyễn Văn Nên, người dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm ở ấp Cái Già (xã Hiệp Mỹ Đông) nói.

Anh Nguyễn Thanh Mộng cùng ngụ ấp Cái Già, cho biết: “Tôi có 1ha diện tích mặt nước nuôi tôm. Để ngừa bệnh cho tôm, trong thời gian nuôi, tôi phải sử dụng khoảng 3 loại kháng sinh của 3 công ty sản xuất khác nhau. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên tôm đã ít hơn nhiều so với các năm trước nhưng vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên bắt buộc ai cũng phải sử dụng, nếu không sẽ không còn bán được con tôm nào khi thu hoạch”.

 

 
Nông dân huyện Cầu Ngang thu hoạch tôm.
 
Thời gian qua, chính quyền địa phương xã Hiệp Mỹ Đông đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn về nuôi tôm, trong đó có khuyến cáo bà con nông dân hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh hoặc không sử dụng. Thế nhưng người dân lại sử dụng nhiều loại với liều lượng tăng.

 

Thông tin từ kết quả khảo sát của UBND xã Hiệp Mỹ Đông cho thấy: Hiện chỉ có từ 15-20% số hộ nuôi sử dụng kháng sinh đúng liều quy định ghi trên nhãn bao bì, số hộ dân còn lại sử dụng với liều lượng rất cao. Theo người dân giải thích thì sử dụng đúng liều lượng thì sẽ không mang lại hiệu quả, thuốc kháng sinh trộn với thức ăn rải xuống ao nuôi sẽ bị loãng với nước, hạn chế tác dụng (?!).

Theo chúng tôi tìm hiểu, không chỉ ở Hiệp Mỹ Đông, người dân ở xã Mỹ Long Nam cũng sử dụng kháng sinh khá nhiều. Người dân cho biết, hiện nay trên địa bàn xã này chưa áp dụng các quy trình nuôi sinh học (không sử dụng thuốc), trong khi đó dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra.

Vì vậy, bà con phải nuôi theo cách truyền thống là sử dụng kháng sinh để yên tâm không bị mất mùa còn đầu ra thì tính sau.

 

Quan điểm
 

ông Nguyễn Văn Út - cán bộ nông nghiệp UBND xã Mỹ Long Nam
  Mỗi hộ nuôi tôm sẽ có cách sử dụng kháng sinh cho tôm khác nhau, có thể 1 loại hoặc vài loại của các công ty khác nhau. Thời gian qua, có khoảng 30 doanh nghiệp đến giới thiệu thuốc kháng sinh trực tiếp cho người dân. Các loại thuốc này chúng tôi không có khả năng để thẩm định được chất lượng đạt hay không đạt.  
 Nhiều bất lợi cho người nuôi 

 

Do sử dụng nhiều kháng sinh nên người nuôi rất lo lắng trong những ngày thu hoạch tôm. Vì không biết dư lượng tôm có còn trong con tôm không, các doanh nghiệp thu mua có chê hay hạ giá không.

“Thời gian qua, ở ấp Cái Già cũng đã có nhiều hộ dân bị doanh nghiệp từ chối thu mua do tôm sử dụng kháng sinh. Cũng có trường hợp, doanh nghiệp bắt vài con làm mẫu đem đi thử thấy có dư lượng thuốc kháng sinh nên không mua luôn. Những hộ dân này đành phải bán cho thương lái bên ngoài (mua để bán thị trường trong nước) với giá rất thấp. Còn tôi cũng bị vạ lây, tôi có 1 ao nuôi có tôm bị nhiễm tảo lam, nó sẽ làm cho con tôm có mùi giống như mùi tôm sử dụng thuốc kháng sinh nên bị doanh nghiệp trả hàng” – ông Nên thông tin.

Ông Mai Văn Dương - cán bộ nông nghiệp xã Hiệp Mỹ Đông cho rằng: “Chúng tôi không thể cấm người dân sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm vì đây không phải là chất cấm, người dân được phép sử dụng nhưng phải trong ngưỡng cho phép. Chất này còn làm cho con tôm thẻ chân trắng và tôm sú chậm phát triển, thời gian nuôi kéo dài thêm, kinh phí bỏ ra cao hơn. Vì vậy, chúng tôi chỉ chủ yếu tập trung vào khâu tuyên truyền để người dân hiểu sử dụng ít kháng sinh hơn nhưng vẫn còn xảy ra trường hợp doanh nghiệp thu mua phát hiện có dư lượng kháng sinh trong tôm và từ chối mua”.

Người dân nuôi tôm vùng ĐBSCL vẫn còn thói quen lạm dụng kháng sinh   làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi.

“Tình hình dịch bệnh, giá tôm đang giảm như hiện nay đã khiến cho vụ tôm này có khoảng 30% số hộ hòa vốn và khoảng 20% số hộ không lấy lại đủ vốn. Những tưởng các trường hợp bị doanh nghiệp từ chối mua là bài học đắt giá, sẽ không còn hộ nào làm theo nhưng người dân vẫn còn lạm dụng nhiều trong quá trình nuôi tôm. Nếu người dân cứ tiếp tục như vậy, tình hình sẽ ngày càng xấu hơn, người nuôi sẽ tiếp tục gặp nhiều rủi ro” – ông Dương lo lắng.

Ông Phạm Minh Tâm - cán bộ kỹ thuật (Phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang) cho biết: “Hiện toàn huyện có khoảng 1.930,55 ha diện tích nuôi tôm sú, 3.298,1 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhìn chung từ khi nuôi tôm công nghiệp phát triển, người dân đã bắt đầu đã dùng kháng sinh ở mức độ thấp cho tôm, đặc biệt là từ đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp nên người dân đã lạm dụng kháng sinh nhiều hơn để phòng ngừa bệnh. Chúng tôi đã và đang khuyến cáo bà con nông dân không nên lạm dụng quá thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi tôm, nếu sử dụng phải đảm bảo thời gian cách ly và thuốc kháng sinh đó phải được Bộ NNPTNT cho phép lưu hành”.

Còn theo UBND huyện Cầu Ngang thì thông tin, hiện nay người dân rất lo lắng bởi thông tin Nhật Bản, EU kiểm tra chặt các sản phẩm tôm được nhập từ vùng ĐBSCL, trong đó đặc biệt chú ý đến dư lượng thuốc kháng sinh. Thời gian tới, nguồn cung cấp tôm từ các nước khác tăng lên cũng sẽ khiến thị phần Việt Nam giảm, giá có thể sẽ tiếp tục giảm.

Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã phối hợp với một số công ty hướng dẫn bà con nông dân nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thuốc (bán dễ hơn với giá cao hơn tôm nuôi bằng chất kháng sinh 10.000 – 15.000 đồng/kg) nhưng chưa được nhiều hộ dân hưởng ứng, đồng tình vì sợ rủi ro. Mặt khác, các cơ quan chức năng của huyện cũng đang tìm hiểu thông tin những chất kháng sinh mới, đảm bảo độ an toàn cho tôm thịt xuất khẩu để phổ biến lại cho người dân.

Nguồn: danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập332
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại237,120
  • Tổng lượt truy cập85,144,156
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây