Tôm bố mẹ
Các nghiên cứu về dinh dưỡng của tôm bố mẹ gần đây đã đóng góp nhiều tri thức vào thực tiễn sản xuất tôm giống và tập trung vào các nhu cầu protein, lipid, axit béo, carotenoid, vitamin, khoáng chất, xác định các hợp chất kích thích thành thục và nâng cao sức sinh sản của tôm bố mẹ.
Đến nay chưa có báo cáo về các mức protein tối ưu nhưng các nghiên cứu đã xác định nhu cầu về protein trong quá trình thành thục và sinh sản cao hơn nhiều so các giai đoạn không sinh sản. Hàm lượng protein trong thức ăn tươi luôn cao hơn và phù hợp hơn cho nhu cầu dinh dưỡng của tôm bố mẹ.
Về nhu cầu lipid, một số nghiên cứu gần đây cho thấy mức lipid tổng số < 9% đã làm chậm lại quá trình thành thục buồng trứng của tôm thẻ chân trắng. Hàm lượng lipid tổng số trong thức ăn cho tôm bố mẹ khoảng trên 10% là phù hợp, cao hơn khoảng 3% so hàm lượng lipid trong thức ăn nuôi tôm he thương phẩm. Tuy nhiên, khi hàm lượng lipid trong thức ăn cao hơn 14% lại ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bắt mồi, do tôm thỏa mãn nhu cầu năng lượng đã được đáp ứng, điều này dẫn đến sự thiếu hụt một số dưỡng chất cần thiết khác cho tôm bố mẹ.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, hàm lượng các axit béo không no mạch cao như EPA, DHD, ALA rất cần thiết cho sự thành thục của buồng trứng và luôn ở mức cao hơn so gan tụy. Hàm lượng các axit này trong thức ăn tự nhiên như giun nhiều tơ, mực, hàu luôn cao trong thức ăn công nghiệp nên thúc đẩy sự thành thục của buồng trứng tốt hơn. Khi trong thức ăn không có n-3 HUFA thì sự phát triển của buồng trứng tôm he sẽ chậm lại. Thức ăn chứa dầu cá cơm cho mức n-3 HUFA trong trứng cao nhất và cho kết quả sinh sản tốt. Một số nghiên cứu khác cho thấy hàm lượng EPA (20:5n-3) trong trứng tỷ lệ thuận với sự phát triển của buồng trứng và hàm lượng DHA (22:6n-3) trong trứng tỷ lệ thuận với tỷ lệ nở của trứng và thúc đẩy quá trình phát triển phôi.
Phospholipid và cholesterol cũng đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của buồng trứng. Alavar và cộng sự (1993) cho rằng, sự thành thục của buồng trứng tôm he bị ngừng lại khi thức ăn không có Phospholipid và Cholesterol. Vì vậy, trong thực tiễn sản xuất giống người ta sử dụng một số loại thức ăn tươi để bổ sung đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của tôm bố mẹ như: giun nhiều tơ, hàu, mực, sò...
Sự thành thục của buồng trứng cũng bị ảnh hưởng bởi các mức vitamin khác nhau, nếu trong thức ăn thiếu một trong các Vitamin E, A và C thì sự thành thục buồng trứng của tôm he bị ngừng trệ. Đồng thời, sự thiếu hụt hoặc mất cân bằng một số khoáng chất Ca, Mg, Na, K... sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng của tôm.
Trong thực tế sản xuất tôm giống, việc kết hợp 75% thức ăn tươi (giun nhiều tơ, mực, hàu) và 25% thức ăn công nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cho tôm bố mẹ sẽ cho hiệu quả sinh sản tốt nhất.
Ấu trùng
Các nghiên cứu cho thấy, tập tính ăn và nhu cầu dinh dưỡng ở các giai đoạn ấu trùng của tôm he có sự khác nhau, bao gồm:
- Giai đoạn nội dinh dưỡng (Sinh trưởng và phát triển được đảm bảo bởi dự trữ của noãn hoàng), lipid là nguồn năng lượng chính của giai đoạn này.
- Giai đoạn ngoại dinh dưỡng (ống tiêu hóa hình thành và bắt đầu từ Zoea 1 trở đi). Giai đoạn Zoea chủ yếu ăn lọc và thức ăn chủ yếu là các loài tảo Silic. Giai đoạn Mysis, ấu trùng thiên về ăn động vật, trong tự nhiên chủ yếu là Copepods. Sau 3 - 4 tuần phát triển hậu ấu trùng, ống tiêu hóa biến thái, phát triển hoàn chỉnh như dạng trưởng thành.
Nhu cầu dinh dưỡng của các giai đoạn ấu trùng tôm he hoàn toàn được đáp ứng bằng chế độ cho ăn kết hợp gồm:
- Cho ăn tảo đơn bào trong giai đoạn Zoea với các loài thường được sử dụng như: Thalassiosira pseudonana, Chaetoceros calcitrans, Chaetoceros muelleri. Mật độ khoảng 50.000 - 100.000 tế bào/ml phụ thuộc vào mật độ ấu trùng.
- Giai đoạn Mysis được bổ sung Nauplius của Artemia. Mật độ 10 Nau/ấu trùng/ngày ở giai đoạn M1 và tăng dần lên đến 100 Nau/ấu trùng/ngày ở giai đoạn PL4.
Tảo đơn bào có vai trò rất quan trọng cho các giai đoạn ấu trùng của tôm he, đặc biệt vi tảo là thức ăn thích hợp trong giai đoạn Zoea vì có kích thước phù hợp, hàm lượng dinh dưỡng cao, hàm lượng các axit béo không no (PUFA, HUFA) cao, vách tế bào mỏng và dễ tiêu hóa, trong tế bào vi tảo có nhiều enzyme và sẽ bổ sung cho hệ enzyme đường ruột của ấu trùng tôm.
Vì vậy, hiện nay các cơ sở sản xuất muốn nâng cao chất lượng tôm giống đều phải trang bị phòng thí nghiệm phân lập, lưu giữ tảo gốc và phòng nuôi sinh khối vi tảo để làm thức ăn cho giai đoạn đầu ngoại dinh dưỡng của ấu trùng tôm he.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;